Pfizer và BioNTech có thể kiếm 13 tỉ USD doanh thu từ vắc xin Covid-19 trong năm 2021

Nhiều công ty đã cam kết không tìm kiếm lợi nhuận trong phát triển vắc xin Covid-19 nhưng Pfizer và BioNTech không nằm trong số này. Hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức có thể kiếm được 13 tỉ USD doanh thu từ việc bán vắc xin Covid-19 trong năm 2021, mỗi công ty nhận một nửa.
Pfizer và BioNTech có thể kiếm 13 tỉ USD doanh thu từ vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Pfizer dự kiến bán 1,3 tỉ liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Tờ The Guardian trích dẫn các ước tính của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức có thể kiếm được 13 tỉ USD doanh thu từ việc bán vắc xin Covid-19 trong năm 2021, mỗi công ty nhận một nửa.

Dòng sản phẩm bán chạy nhất của Pfizer hiện nay là một loại vắc xin phế cầu, đem về cho công ty 5,8 tỉ USD doanh thu trong năm ngoái. Như vậy doanh thu từ vắc xin Covid-19 được dự báo sẽ còn lớn hơn từ sản phẩm chủ lực của Pfizer lúc này.

Pfizer đã đồng ý cung cấp 100 triệu liều vắc xin cho chính phủ Mỹ với giá 19,5 USD/liều. Một người cần tiềm hai mũi để đạt được miễn dịch hiệu quả, tức là cần bỏ ra 39 USD. Chính phủ Mỹ còn có quyền mua thêm 500 triệu liều nữa nhưng với các điều khoản khác. Liên minh châu Âu (EU) đã đặt hàng mua 200 triệu liều trong khi Vương quốc Anh đặt mua 40 triệu liều.

Nhiều doanh nghiệp phát triển vắc xin khác đã cam kết không tìm kiếm lợi nhuận khi hoàn thành sản phẩm nhưng Pfizer lại đi theo con đường khác. Ban lãnh đạo công ty coi việc nghiên cứu vắc xin này là một cơ hội làm ăn nên và đã quyết định từ chối nhận tiền ngân sách từ chính phủ Mỹ theo chương trình Operation Warp Speed để không bị ràng buộc về giá bán sản phẩm.

Thay vào đó, Pfizer tự bỏ ra gần 2 tỉ USD tiền túi để phát triển vắc xin Covid-19 cùng với công ty dược BioNTech của Đức.

Tuy nhiên, BioNTech đã nhận 375 triệu euro (tương đương 443 triệu USD) từ chính phủ Đức và 100 triệu euro (tương đương 118 triệu USD) từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu. 

Qui mô của BioNTech là rất khiêm tốn so với Pfizer. Năm ngoái, hãng dược Đức này mang về 109 triệu euro doanh thu trong khi Pfizer là 52 tỉ USD.

Đầu tuần này, hôm 9/11, Pfizer cho biết loại vắc xin mà công ty này hợp tác phát triển cùng BioNTech có tỉ lệ hiệu quả ngừa Covid-19 tới hơn 90%, theo kết quả ban đầu từ quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Sau thông tin trên, giá cổ phiếu Pfizer nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung đồng loạt đi lên mạnh mẽ.

Tuy nhiên tổ chức phi lợi nhuận Oxfam cảnh báo "với những người không đủ điều kiện tiếp cận vắc xin thì tỉ lệ hiệu quả sẽ luôn là 0%". Oxfam thúc giục Pfizer và BioNTech chia sẻ vắc xin của mình với các doanh nghiệp khác.

Pfizer và BioNTech có thể kiếm 13 tỉ USD doanh thu từ vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Albert Bourla, CEO của Pfizer đã thu về 5,6 triệu USD từ việc bán cổ phiếu Pfizer cùng ngày có thông báo tích cực về vắc xin của công ty. (Ảnh: AP).

Theo The Guardian, các công ty khác đang phát triển vắc xin Covid-19 bao gồm Johnson & Johnson và AstraZeneca (hợp tác cùng Đại học Oxford). Cả hai đều đã cam kết sẽ cung cấp vắc xin trong đại dịch này không vì mục tiêu lợi nhuận.

AstraZeneca dự kiến sẽ bán sản phẩm của mình cho các chính phủ với giá 3-5 USD/liều. Tuần trước, công ty này tuyên bố sẽ "mãi mãi" bán vắc xin với giá vốn cho các quốc gia thu nhập thấp.

Một hãng dược khác của Mỹ là Moderna đang làm ăn thua lỗ và đã nhận gần 1 tỉ USD kinh phí nghiên cứu vắc xin từ chính phủ Mỹ. Công ty này định giá sản phẩm tiềm năng của mình ở khoảng 32-37 USD/liều.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.