Sau khi công bố bản hoàn chỉnh đề xuất một phương án cải tiến chữ quốc ngữ (cả phần phụ âm và nguyên âm) cách đây không lâu, mới đây, PGS.TS Bùi Hiền - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã tiếp tục đưa ra bản đầy đủ toàn tập tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ viết cải tiến mới. Xem chi tiết Tại đây.
Vì sao ông lại chọn tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du mà không chọn tác phẩm khác? Quá trình viết bằng chữ mới có khó khăn gì không, có sợ bị dư luận tiếp tục phản đối dữ dội hay không?... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hiền để tìm hiểu thêm các thông tin trên.
PGS.TS Bùi Hiền - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ. |
PV: Thưa PGS, việc công bố bản hoàn chỉnh tác phẩm "Truyện Kiều" gồm 3.254 câu thơ lục bát bằng chữ tiếng Việt cải tiến mới có thể sẽ tiếp tục bị dư luận "ném đá", ông có nghĩ tới chuyện đó?
PGS.TS Bùi Hiền: Tôi biết sẽ có những người không đồng quan điểm về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của tôi trước đó, nhưng đó là việc của họ. Công việc nghiên cứu là quyền, là đam mê và sở thích của cá nhân tôi chứ không bắt ép ai phải tin hay dùng chữ cải tiến cả. Việc viết lại toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới cũng là việc nên làm để cho những ai muốn nghiên cứu có thể tham khảo thêm.
PV: Để viết toàn bộ tác phẩm này theo chữ viết mới, ông đã gặp những khó khăn gì và mất thời gian bao lâu để hoàn thành?
PGS.TS Bùi Hiền: Tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du là một trong các tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam, tôi cũng như rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam đều tâm đắc và yêu thích tác phẩm này.
PGS.TS Bùi Hiền đã dành mỗi ngày khoảng 10 giờ đồng hồ, liên tục trong 10 ngày để hoàn thiện tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ viết cải tiến mới. Ảnh: Đình Tuệ. |
Để viết lại toàn bộ tác phẩm này theo chữ viết mới, tôi đã dành trọn vẹn 10 ngày đầu tiên của năm 2018, mỗi ngày dành ra khoảng 9 - 10 tiếng đồng hồ tự viết trên máy tính ở nhà, không cần nhờ người khác gõ hộ dù chỉ một chữ. Bởi có nhờ cũng khó vì có mấy ai gõ được chữ này nếu không thuộc mặt chữ mới, tôi phải tự gõ.
Khi chuyển sang chữ mới thì vẫn bị chữ cũ "ám ảnh" nên còn viết nhầm đôi chỗ. Âm "C" được thay cho âm "Ch" và "Tr" chẳng hạn. Nếu không nhớ thì khó ai có thể viết được. Hơn nữa, việc viết tay trên giấy khác hoàn toàn với gõ chữ trên máy tính.
Tôi phải gõ phím trên máy tính nên ngày đầu tiên viết vẫn còn ngượng nghịu và bị sai nhiều. Sang tới ngày thứ hai trở đi, các thao tác gõ phím mới dần thuần thục và ít bị sai sót hơn. Trước khi hoàn thành toàn bộ tác phẩm này, tôi đã soát lại và chỉnh sửa vài lần rồi mới đem đi photo thành tập để gửi tặng các bạn bè thân thiết.
PGS.TS Bùi Hiền nói về quá trình viết lại tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới. Video: Đình Tuệ. |
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu "Truyện Kiều" được viết lại theo chữ viết mới của ông thì sẽ làm mất đi giá trị của tác phẩm kinh điển này. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Bùi Hiền: Công trình cải tiến chữ quốc ngữ của tôi đã hoàn thiện, mục đích là có thể ứng dụng vào cuộc sống chứ không phải làm để đó. Tôi muốn thử nghiệm cách viết mới bằng chữ cải tiến trên một số tác phẩm mình yêu thích. Như đã nói, tác phẩm "Truyện Kiều" là một trong những kiệt tác kinh điển của nền văn học Việt Nam.
Khi viết lại "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới, tôi không hề làm mất đi những giá trị nội dung vốn có của tác phẩm đồ sộ này. Các giá trị về tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên. Tôi chỉ chuyển đổi hình thức, một bên là chữ quốc ngữ hiện nay, một bên đối xứng sang là chữ cải tiến mới. Việc trình bày trên cùng một trang giấy giúp tôi so sánh dễ dàng hơn.
Bộ chữ mới so với bộ chữ cũ đứng về mặt mỹ thuật, kĩ thuật cũng không khác nhau nhiều. Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ Nôm, sau đó mới chuyển qua chữ quốc ngữ như hiện nay. Giờ đây, tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến mới thì các giá trị về nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi.
Một phần đoạn trích "Kiều thăm mộ Đạm Tiên" trong tác phẩm "Truyện Kiều" được viết theo chữ cải tiến mới. Ảnh: Đình Tuệ. |
PV: Tại sao trong rất nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, ông lại chọn "Truyện Kiều" để viết theo chữ viết mới?
PGS.TS Bùi Hiền: Đây là một tác phẩm mang nhiều giá trị nghệ thuật của nền văn học Việt Nam. Bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay, ai ai dù ít nhiều cũng đều biết tới Truyện Kiều. Nhiều người rất thích tác phẩm này, khi tôi chuyển sang chữ mới thì khả năng đón nhận của nhiều người có thể sẽ cao hơn là viết một tác phẩm văn học nào khác cũng bằng chữ viết mới.
Từ thích "Truyện Kiều", nhiều người sẽ muốn thử đọc tác phẩm này bằng chữ viết mới xem như thế nào. Còn nếu chuyển đổi một tác phẩm mà ít người biết đến hoặc có người không thích, thì dù viết bằng chữ quốc ngữ bình thường cũng đã ít được đón nhận chứ chưa nói đến chữ cải tiến mới.
PV: Sắp tới, ông có dự định viết tiếp một tác phẩm nào khác cũng bằng chữ cải tiến mới hay không?
PGS.TS Bùi Hiền: Mục tiêu của tôi là tự mình soạn ra được một bộ chữ để phản ánh đúng tiếng nói của người thủ đô. Hiện giờ đã hoàn thành nên tôi cảm thấy rất vui. Sau khi hoàn thành tác phẩm "Truyện Kiều" được viết bằng chữ mới, tôi cảm thấy rất thỏa mãn với công việc mình đã làm.
Thỏa mãn ở đây hoàn toàn khác với khái niệm "tự mãn". Tôi biết công trình của mình còn có thể phải sửa chữa nữa. Nếu các nhà khoa học và dư luận xã hội góp ý kiến chân thành và khoa học thì tôi tiếp tục tiếp thu để làm cho hoàn thiện hơn nữa. Còn "tự mãn" tức là, coi đấy là xong hoàn toàn và ngồi rung đùi mà tự hưởng thì không đúng.
Còn sắp tới, tôi chưa có ý định viết tiếp một tác phẩm nào khác bằng chữ viết mới cả.
PGS Bùi Hiền chia sẻ cảm xúc sau khi hoàn thành bản hoàn chỉnh Truyện Kiều bằng chữ cải tiến mới. Video: Đình Tuệ. |
PV: Ở tuổi 84, việc dành thời gian mỗi ngày khoảng 10 giờ đồng hồ ngồi gõ chữ trên máy tính để cho ra tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến mới như vừa qua có ảnh hưởng tới sức khỏe của ông nhiều hay không?
PGS.TS Bùi Hiền: Dù thời gian qua, tình hình thời tiết Hà Nội có rét hơn, huyết áp tôi thường bị lên cao nhưng tôi vẫn ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để giữ sức khỏe. Mỗi ngày tôi đo huyết áp của mình từ 7 - 8 lần. Những lúc căng thẳng, huyết áp của tôi có thể lên tới 160 - 170 và phải uống thuốc. Khi huyết áp trở lại ở mức 110 - 140 thì tôi làm việc bình thường.
Do ngồi làm việc bên máy tính nhiều nên hay bị nhức mỏi mắt. Hai mắt của tôi đã từng phẫu thuật thay thủy tinh thể cách đây nhiều năm. Tôi phải dùng thuốc điều tiết thị lực cho mắt hàng ngày.
Buổi sáng tôi thường bắt đầu làm việc từ 8h - 11h, chiều từ 14h - 17h (có hôm đến 18h), tối từ 20h - 23h. Những lúc rảnh, tôi vẫn một mình đi chợ mua thực phẩm rau, mỳ, thịt để ăn uống. Ra chợ gặp một số bà con tiểu thương nhận ra tôi vì hay được "lên báo" thời gian qua nên ai cũng hỏi chuyện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
PGS Bùi Hiền 'bất ngờ' công bố phần hai đề xuất cải tiến 'Tiếng Việt thành Tiếq Việt'
PGS.TS Bùi Hiền vừa bất ngờ công bố bản đề xuất hoàn chỉnh về cải tiến chữ quốc ngữ cả phần phụ âm và nguyên ... |