PGS.TS Đặng Văn Hà: 'Kế hoạch di dời hoa sữa chưa tốt vì khiến cả dãy phố không có bóng mát'

PGS.TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị cho rằng, kế hoạch di dời đồng loạt hoa sữa trên phố Trích Sài là chưa tốt vì khiến cả dãy phố không có bóng cây, chưa biết khi nào mới có bóng mát trở lại.

IMG_9360

96 cây hoa sữa trên phố Trích Sài bị cưa cành để chuyển về bãi rác Nam Sơn. (Ảnh: Di Linh).

Di chuyển 96 cây hoa sữa về bãi rác Nam Sơn

Liên quan đến thông tin di chuyển cây hoa sữa trên phố Trích Sài (Tây Hồ, Hà Nội) về bãi rác Nam Sơn, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý dự án Hồ Tây đã xác nhận thông tin trên.

Theo ông Tuấn, dịp nãy sẽ chuyển 96 cây hoa sữa trên phố Trích Sài về bãi rác Nam Sơn; lí do là trên địa bàn quận Tây Hồ không còn quĩ đất để trồng lại những cây hoa sữa này.

"Phía quận có báo cáo, trao đổi với Sở Xây dựng Hà Nội. Sở cho biết việc di chuyển các cây hoa sữa về trồng ở khu xử lí rác thải Nam Sơn sẽ phù hợp.

Vấn đề di chuyển cây hoa sữa, Sở Xây dựng sắp xếp. Chúng tôi di chuyển theo ý kiến cử tri và sẽ trồng cây thay thế.

Việc di chuyển cây hoa sữa chỉ thực hiện ở phố Trích Sài vì quá nhiều, mật độ dày với 2-3m một cây", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, người dân đã phản ánh tình trạng mùi hoa sữa từ lâu khi tiếp xúc cử tri.

"Tuy nhiên, muốn di chuyển phải có qui trình. Chúng tôi cũng phải khảo sát xem lí do như thế nào, chuyển cây về đâu.

Ngoài ra, trước khi chuyển, chúng tôi lại tổ chức lấy ý kiến cử tri một lần nữa nếu không có người không hiểu lại cho rằng mượn cớ để chặt hạ trong khi thực tế là di chuyển theo nguyện vọng người dân", ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, kinh phí việc di chuyển cây hoa sữa khoảng vài trăm triệu đồng tính cả việc trồng và chăm sóc 2 năm ở khu xử lí rác Nam Sơn rồi mới bàn giao. Vị này cũng cho biết các cây hoa sữa ở phố Trích Sài được trồng từ năm 2004.

IMG_9369

Cây hoa sữa được trồng từ năm 2004 có đường kính khoảng 30cm. (Ảnh: Di Linh).

Không ngại mùi hoa sữa và mùi bãi rác?

Cũng liên quan đến vấn đề di chuyển cây hoa sữa, PGS.TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (ĐH Lâm nghiệp) cho biết trước đây Hà Nội có một thời gian trồng nhiều hoa sữa ở các tuyến phố mới.

"Cây hoa sữa thực ra phải chuyển đi, nếu trồng ở đường phố sát nhà dân thì mùi rất khó chịu.

Cá nhân tôi cho rằng không nên trồng cây hoa sữa ở đường phố bởi lẽ có nhiều người dị ứng với phấn hoa đặc biệt là người có tiền sử bệnh hô hấp.

Nếu trồng thì đường cần co dải phân cách lớn và khoảng cách xa trồng một cây hoặc trồng trong công viên nhưng không nên trồng dày. Chỉ nên trồng rất thưa để tạo mùi hương thoang thoảng", PGS. TS Hà nói.

Theo ông Hà, việc trồng với khoảng cách 2-3m một cây hóa sữa là quá dày, cần phải đánh chuyển.

"Việc đánh chuyển lên trồng ở bãi rác Nam Sơn cũng hợp lí. Cây hoa sữa sinh trưởng, phát triển mạnh, dễ sống có thể hấp thụ các chất hữu cơ phân hủy tốt.

Đối với ý kiến cho rằng mùi hoa sữa và mùi bãi rác hòa vào với nhau thì còn tùy cảm nhận của từng người. Tuy nhiên, bãi rác thường qui hoạch xa khu dân cư vài trăm mét nên không có vấn đề.

Trong khi đó, mùi hoa sữa lan tỏa khoảng 30-50m nên không ảnh hưởng. Còn nếu khu dân cư sát bãi rác thì trồng hoa sữa cũng không khác ở nội đô", ông Hà cho biết.

Đáng chú ý, PGS. TS Hà cho rằng kế hoạch di dời cây hoa sữa chưa tốt. Theo ông Hà, nếu có kế hoạch di dời thì nên trồng xen kẽ trước các cây định thay thế. Và khi đánh chuyển hoa sữa thì đã có cây bóng mát đảm bảo cảnh quan môi trường.

"Như hiện tại, cây đang xanh tốt lại phát quang khiến cả dãy phố không có bóng cây là kế hoạch di dời chưa tốt. Di dời xong mới trồng cây thì bao giờ phố mới có bóng mát?", PGS. TS Hà nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, đơn vị phụ trách quản lý cây xanh ở Thủ đô cho biết số lượng cây hoa sữa hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội khoảng gần 6.000 cây.

"Số lượng này rất nhỏ và trong khoảng chục năm trở lại đây, Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội không trồng thêm cây hoa sữa nào trên địa bàn TP", đại diện Công ty Cây xanh cho hay.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.