PGS.TS.NGND Trương Biên: 'Hãy làm hết mình, giúp đỡ hết lòng, đừng mong được báo đáp'

Hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, PGS.TS.NGND Trương Biên chia sẻ nghề giáo đến với thầy như một cái duyên mà ở đó thầy được sống trọn vẹn với đam mê và khao khát truyền “lửa” cho các thế hệ tiếp bước.

Người xây những viên gạch đầu tiên cho ngành Dầu khí

Sinh ra tại Quảng Nam, anh học trò Trương Biên tập kết ra Bắc và thi vào Đại học Bách Khoa rồi được cử đi học Kỹ thuật Thăm dò Địa chất tại Đại học Thăm dò Matxcơva. Tốt nghiệp năm 1962, nam sinh Trương Biên được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phân công về Đại học Bách Khoa làm công tác giảng dạy tại khoa Mỏ-Luyện kim, cái duyên với nghề giáo của thầy cũng bắt đầu từ đây.

Đến năm 1966, khoa Mỏ được tách ra thành trường ĐH Mỏ - Địa chất, thầy Biên trở thành những giảng viên đầu tiên của trường. Thầy Biên kể: “Là cán bộ giảng dạy chuyên ngành đầu tiên nên tất cả các môn chuyên ngành Kỹ thuật khoa, tôi đều phải lên lớp cho sinh viên theo chương trình đã học ở Liên Xô”.

Cũng từ những tháng ngày giảng dạy ấy, thầy nhận ra muốn truyền dạy được kiến thức tốt, bản thân người thầy phải không ngừng nâng cao kiến thức, phải học từ sách vở, thực tiễn, từ đồng nghiệp hay chính bản thân học trò của mình. Chính vì vậy, từ tháng 9/1969 – 20/12/1972, thầy Biên tiếp tục đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Thăm dò Matxcơva, dưới sự hướng dẫn của GS.TS Spiridon Ackhipovich Volkov.

pgstsngnd truong bien hay lam het minh giup do het long dung mong duoc bao dap
PGS.TS.NGND Trương Biên, một trong những người thầy đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam

Năm 1975, thầy Trương Biên khởi xướng và được Đảng Uỷ và Ban Giám Hiệu trường ĐH Mỏ - Địa chất giao trách nhiệm thành thành lập Khoa Dầu khí. Từ đây, cùng với các cộng sự, thầy Biên bắt đầu đặt nền móng, xây những viên gạch đầu tiên cho Khoa Dầu khí của nước ta.

Từ khi bắt đầu thành lập khoa đến nay, thầy đã cùng với nhà trường góp phần đào tạo gần 60 khoá đại học, Thạc sỹ, Tiến sĩ với hơn 50.000 kỹ sư theo 41 chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa - Bản đồ, Kinh tế Mỏ, Cơ-Điện, Xây dựng và Môi trường, trong đó có hàng trăm kỹ sư cho nước bạn Lào, hàng ngàn học viên Cao học, hàng trăm nghiên cứu sinh Tiến sĩ (trong đó thầy trực tiếp hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành thăm dò khoáng sản).

Bên cạnh công việc giảng dạy, PGS.TS.NGND Trương Biên cũng có nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao như: Áp dụng biểu đồ đo đại vậy lý giếng khoan để lựa chọn các loại chòng khoan, Dung dịch khoan tổng hợp - một tiến bộ mới trong công tác dầu khí, Áp suất giữa các cột ống chống và hiện tượng giảm áp suất khi xi măng thuỷ hoá, Hai phương pháp cơ bản phân tích tần số và dạng dao động riêng của trụ cố định công trình biển…

Đồng thời thầy còn là chủ biên và đồng tác giả của một số sách và giáo trình như: “Địa chất thuỷ văn”, Từ điển Anh - Việt Dầu khí, Sổ tay máy xây dựng, Những tiến bộ mới công nghệ khoan thăm dò, Từ điển bách khoa toàn thư…

Muốn làm thầy, cần có tài và tâm

Là người lái đò chở bao thế hệ học trò, thầy Biên quan niệm, muốn làm thầy nhất thiết phải vừa có tài vừa có tâm. Do đó, không chỉ tích cực nghiên cứu, mở rộng và nâng cao kiến thức thầy còn thường xuyên quan tâm sát sao, hướng dẫn cũng như động viên sinh viên một cách cẩn thận nhất.

Anh Dương Hùng Sơn (công tác tại Viện dầu khí Việt Nam) chia sẻ: “Một kỷ niệm chúng tôi mãi nhớ về thầy, đó là năm 1981, chúng tôi đi thực tập sản xuất/tốt nghiệp ở Công ty Dầu khí I (Chợ Đậu, Thị xã Thái Bình và các tháp khoan ở Tiền Hải). Khi T\\thầy Biên xuống kiểm tra công tác thực tập của thầy trò chúng tôi, chúng tôi kể cho thầy nghe tình hình thực tập: hàng ngày theo xe ra tháp khoan, trợ giúp thợ phụ tháo lắp cần khoan hoặc phục vụ công tác bơm trám xi măng, hoặc theo dõi mẫu. Công việc thì tương đối nặng, ăn uống thì không đủ chất, thậm chí là đói. Chúng tôi tỏ ý chán nản về tương lai. Thầy nghỉ cùng nhà khách với chúng tôi, ăn cơm tập thể cùng. Thầy kể cho chúng tôi về cuộc sống của kỹ sư/công nhân dầu khí ở Liên Xô, động viên chúng tôi về một tương lai tươi sáng khi ngành dầu khí của Việt Nam phát triển (giai đoạn đó chúng ta chưa tìm ra dầu, chỉ mới tìm ra khí ở Tiền Hải). Sau này khi ngành dầu khí tìm ra dầu ở Bể Cửu Long và các bể khác, ngành dầu khí phát triển, trình độ và đời sống cán bộ dầu khí được nâng cao, chúng tôi càng thấy thấm thía lời động viên của thầy”.

pgstsngnd truong bien hay lam het minh giup do het long dung mong duoc bao dap
Dù đã về hưu, thầy Biên vẫn tiếp tục công tác nghiên cứu về ngành Dầu khí

Thầy Biên luôn quan niệm chữ “tâm” đáng giá hơn chữ “tài” nhưng chữ “tài” cũng rất quan trọng. Muốn có tài phải thường xuyên học hỏi, bồi bổ kiến thức để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Thầy Biên tâm sự: “Các nguyên tử cacbon, sau một quá trình chịu áp suất và nhiệt độ cực cao thì biến đổi thành kim cương”. Đối với tôi, nhà giáo là một nghề cao quý, nó đòi hỏi người thầy không những có kiến thức, hiểu biết mà còn là một người chuẩn mực trong học tập và sinh hoạt để làm gương cho học sinh. Có như vậy, ngoài việc truyền thụ kiến thức, người thầy mới có thể dạy học trò cách đối nhân xử thế, cách sống, lý tưởng ở đời".

“Đối với học trò, đối với đồng nghiệp, mình hãy làm hết mình, giúp đỡ hết lòng, đừng mong được báo đáp. Chỉ cần mỗi người đều nỗ lực cống hiến sẽ tạo ra một xã hội văn minh và phát triển”, thầy Biên nói.

Mặc dù đã về hưu từ năm 1998, nhưng Thầy Trương Biên hiện vẫn tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đến bây giờ bởi thầy luôn quan niệm “còn sức khoẻ thì còn cống hiến”. Hiện nay Thầy đang nắm cương vị Chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Trung tâm và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.