Phá cỗ Trung thu là gì: Ý nghĩa của việc phá cỗ đêm trông trăng
Tết Trung thu là ngày mà các em nhỏ được người lớn tăng bánh kẹo, đồ chơi và đèn lồng. Trong ngày này, các gia đình sẽ bày cỗ trông trăng để thể hiện sự biết ơn, báo hiếu với ông bà, tổ tiên, đồng thời còn cầu mong sự tốt lành cho mùa màng và sự yên ấm đoàn viên trong gia đình. Song song đó, phong tục phá cỗ Trung Thu cũng là một phần không thể thiếu trong dịp lễ này.
Phá cỗ Trung thu là gì?
Phá cỗ Trung thu là một phong tục văn hóa dân gian có từ lâu đời. Đối với những người lớn lên ở vùng thôn quê, mọi người sẽ biết tục lệ này nhiều hơn so với người ở thành phố.
Trong ngày Tết Trung thu, các gia đình sẽ bày biện một mâm cỗ ngoài trời để cúng trăng cũng như tế đất trời với ý nghĩa mùa màng bội thụ, cho gia đình đoàn viên và hạnh phúc.
Trong đó, mâm cỗ Trung thu sẽ gồm các loại bánh Trung thu (bánh nướng hoặc bánh dẻo), bánh làm theo hình các con vật ngộ nghĩnh và một số loại bánh kẹo khác mà trẻ con thích.
Cùng với đó, mâm cỗ cúng cũng không thể thiếu các loại trái cây như na, bưởi, chuối, hồng,... và được bày biện công phu, cắt tỉa một cách khéo léo. Xung quanh mâm cỗ là các loại đèn lồng Trung thu như đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn tròn,... được thắp sáng hòa cùng với ánh sáng của trăng trên trời tạo nên một khung cảnh đêm Trung thu lung linh, huyền ảo.
Cỗ bàn bày biện đầy đủ, trăng rằm đã lên cao sáng tỏ, đất trời, tổ tiên cũng đã chứng giám cho lòng thành của con cháu qua các nghi thức cúng lễ. Đây cũng là giây phút mà nhà nhà đều quây quần bên nhau và đồng thanh hô lên “phá cỗ”.
Lúc này, gia đình sẽ lần lượt dỡ bánh và trái cây các loại rồi chia phần cho các em nhỏ và mọi người cùng nhau thưởng thức. Người lớn thì ăn bánh Trung thu uống trà còn trẻ em ăn bánh trái và cầm lồng đèn vừa đi, vừa hát.
Ngoài ra, những đoàn múa lân là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp phá cỗ Trung thu. Với tiếng trống rộn ràng, những đoàn lân nhảy múa dưới ánh trăng mang đến điềm lành cho mọi nhà.
Ý nghĩa việc phá cỗ Trung thu
Với những đứa trẻ ở nông thôn, ngày trăng Rằm trông trăng phá cỗ Trung thu được xem là ngày Tết của các em. Trong dịp lễ này, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà.
Đây là dịp để các bậc cha mẹ, ông bà tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cháu, cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ.
Phá cỗ Trung thu còn lại dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau ngắm trăng và thưởng thức mâm cỗ trong không khí mát mẻ, êm ả của mùa thu.
Bên cạnh đó, tục phá cỗ trông trăng còn liên quan đến sự tích “Chú Cuội trên cung trăng”. Sự tích kể rằng, một hôm Cuội đi vắng, do sự nhầm lẫn của vợ mà cây đa quý của Cuội có khả năng cải tử hoàn sinh bật gốc bay lên trời.
Cuội thấy vậy bèn bám bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình.
Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa. Ngày rằm tháng Tám là ngày trăng sáng nhất và hình ảnh cây đa chú Cuội được nhìn thấy rõ nhất vào ngày này.
Ngoài ý nghĩa trên thì Tết Trung thu còn lại dịp để mọi người cùng ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ được mùa, nếu trăng thu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng thu màu cam thì đất nước sẽ bình yên và thanh trị.
Cách tổ chức phá cỗ Tết Trung thu cho các bé
Muốn biết các phá cỗ Tết Trung thu cho bé như thế nào cùng tham khảo nội dung dưới đây:
Thời điểm phá cỗ Trung thu
Tết Trung Thu diễn ra vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch, cứ vào thời điểm này mọi người lại háo hức phá cỗ trung thu. Năm nay 2022, Tết Trung Thu sẽ rơi vào ngày 10 tháng 9 Dương lịch (Thứ 7).
Trăng vào ngày rằm tháng 8 thường tròn hơn và sáng hơn so với mọi ngày. Đây cũng là thời điểm thích hợp để cho các cuộc họp mặt quây quần bên gia đình để cùng nghe và trò chuyện về những câu ca dao, truyền thuyết về chú cuội, chị Hằng.
Mâm cỗ Trung thu truyền thống gồm những gì?
Một mâm cỗ cúng Rằm tháng 8 sẽ bao gồm: Bánh trung thu, mâm ngũ quả và không thể thiếu những chiếc đèn lồng truyền thống.
Bánh Trung thu: Tùy theo sở thích của từng người, từng thành viên trong gia đình có thể lựa chọn bánh nướng hoặc bánh dẻo với nhiều loại hình dáng, nhân khác nhau.
Mâm ngũ quả: Bao gồm các loại quả, trái cây tươi như dưa hấu, quả lựu, quả na, quả chuối và quả bưởi,…
Đèn lồng: hiện nay có rất nhiều loại khác nhau để bạn có thể lựa chọn, điển hình như đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân,...