Phạt nguội: Coi chừng ‘quýt’ làm cam chịu

Nhiều trường hợp vi phạm giao thông được ghi nhận qua hình ảnh đã bị xử phạt theo kiểu quýt làm cam chịu. 

Theo ghi nhận của nhiều công an tỉnh, thành, các xe vi phạm luật giao thông bị camera ghi hình thường phạm các lỗi như dừng, đậu ở nơi cấm; chạy quá tốc độ; sai làn đường… Thực tế cho thấy bên cạnh nhiều trường hợp bị CSGT phạt đúng lỗi, đúng người thì cũng có không ít trường hợp bị phạt oan uổng.

Không phạm lỗi vẫn phải chịu phạt

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Sơn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết ông rất bất ngờ khi đi đăng kiểm xe thì bị từ chối với lý do “chưa nộp phạt”.

Ông Sơn kể: Ông mới mua một ô tô từ một người bạn cách đây hai tháng và chưa làm thủ tục sang tên. Khi mang xe đi đăng kiểm, ông mới biết xe này có liên quan đến một vi phạm giao thông ở TP.HCM cách đây một năm và chủ xe chưa nộp phạt.

“Dù người vi phạm là chủ trước chứ không phải tôi nhưng giờ theo thông báo dính đến chủ cũ, tôi phải liên hệ với Phòng CSGT Công an TP.HCM để giải quyết vụ việc” - ông Sơn than thở.

Ông Bùi Văn Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái, cũng gặp tình trạng “quýt làm cam chịu”. Ông Hưng có bảy đầu xe cho thuê thường xuyên. Vào đợt cao điểm, có lần ông nhận cùng lúc tới ba thông báo vi phạm của CSGT mà thực ra người vi phạm là khách thuê chứ không phải ông.

“Khách thuê xong rồi trả xe, một thời gian sau mới có thông báo phạt nguội, tôi lại phải lên làm việc với công an rồi liên hệ với khách. Có khách chịu hợp tác nhưng có nhiều khách nhất định không chịu đóng phạt khiến tôi mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là phải móc tiền túi ra nộp phạt cho lỗi không do mình gây ra” - ông Hưng chua chát.

Ở các địa phương khác, nhiều chủ xe cũng than phiền: CSGT gửi giấy báo trễ quá hoặc không gửi cho họ mà chuyển thẳng đến đơn vị đăng kiểm làm họ ngỡ ngàng vì không biết trước đó khá lâu xe mắc lỗi và đã bị ghi hình.

Đã có nhiều trường hợp phải bị động hoàn tất việc đóng phạt cho qua truông đăng kiểm, trong đó nhiều chủ xe đã bấm bụng đóng phạt theo quyết định xử phạt ghi tên chủ xe là… người vi phạm mặc dù người chạy bậy là người mượn, thuê xe!

phat nguoi coi chung quyt lam cam chiu

Đăng kiểm: Thực hiện theo biển số xe

Ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V, cho biết trung tâm thực hiện việc kiểm định xe căn cứ vào biển số xe chứ không dựa vào thông tin chủ xe. Vì vậy, khi nhập biển số xe, nếu phát hiện xe đó vi phạm giao thông mà chưa đóng phạt thì nhân viên sẽ từ chối kiểm định.

“Có những trường hợp xe chuyển qua ba đến bốn đời chủ nhưng không sang tên, đến lúc người chủ hiện tại đi đăng kiểm mới tá hỏa xe đó từng nhiều lần vi phạm giao thông mà không nộp phạt. Đây là điều mà mọi người nên lưu ý sang tên ngay sau khi mua xe để tránh các rắc rối phát sinh. Để đăng kiểm được, chúng tôi đã hướng dẫn chủ xe mới đến làm việc với công an” - ông Khanh nêu ý kiến.

Giải thích thêm về việc “không đăng kiểm các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông”, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết thêm: “Từ năm 2006, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng phần mềm cảnh báo phương tiện (vi phạm giao thông, sắp hết niên hạn…).

Sau này, khi nhận được đề nghị của các cơ quan công an, Cục đã cập nhật cảnh báo các phương tiện vi phạm. Khi nào phạt nguội xong thì công an sẽ gửi thông tin xử phạt để Cục gỡ cảnh báo.

Có điều công an thường gom thông tin xử phạt nguội khoảng một tháng mới gửi về gây khó cho công tác đăng kiểm. Bởi lẽ muốn gỡ cảnh báo thì Cục phải nhận được thông báo từ công an hoặc chứng từ xử lý vi phạm. Do nhiều người không hiểu việc này, công an lại gửi thông báo trễ... nên đôi lúc xảy ra tranh cãi với nhân viên đăng kiểm”.

Công an: Mỗi nơi một kiểu

Nếu Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… yêu cầu cơ quan đăng kiểm phối hợp bằng cách dừng đăng kiểm để “cưỡng bức” chủ xe thực hiện việc đóng phạt thì TP.HCM hiện không làm như vậy. Ngoài ra, cách xử phạt cụ thể của các địa phương cũng khác nhau.

Ông Lâm Đồng Hương, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ (PC67) Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Việc đề nghị đơn vị đăng kiểm dừng đăng kiểm các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông được CSGT thực hiện theo Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT.

Cụ thể, sau 3-4 ngày từ khi ghi hình được xe vi phạm, PC67 sẽ gửi thông báo cho chủ xe qua đường bưu điện để họ đến phòng giải quyết việc vi phạm. Nếu sau khoảng 20 ngày từ khi gửi thông báo lần thứ nhất mà chủ phương tiện không đến thì PC67 sẽ gửi thông báo lần thứ hai. Nếu chủ phương tiện vẫn cố tình không đến thì PC67 sẽ gửi văn bản yêu cầu đơn vị đăng kiểm có biện pháp ngăn chặn, không cho đăng kiểm”.

Hơn 16.000 là số xe vi phạm giao thông mà Cục Đăng kiểm được các cơ quan CSGT đề nghị từ chối đăng kiểm trong chín tháng đầu năm nay. Đến nay mới có 5.500 chủ xe chấp hành nộp phạt và được đăng kiểm trở lại. Trước đó, năm 2016, cục này nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 ô tô vi phạm.

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) (Theo Vnepress ngày 6-10)

Cũng theo ông Hương, khi đến làm việc theo thông báo vi phạm, chủ xe sẽ được xem hình ảnh vi phạm từ camera giám sát.

Nếu chủ xe thừa nhận mình là người vi phạm thì công an sẽ lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt chủ xe.

Trường hợp người chủ cho thuê, cho mượn xe chứng minh được người thuê, mượn xe trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm thì CSGT sẽ mời người thuê, mượn xe đó đến làm việc.

Sau đó, CSGT sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt người thuê, mượn xe đó. “CSGT Cần Thơ không giải quyết cho chủ phương tiện đóng phạt thay người vi phạm vì biên bản vi phạm chỉ lập đối với người vi phạm” - ông Hương khẳng định.

PC67 TP.HCM cũng quả quyết là luôn phạt đúng quy định và không có chuyện phạt sai đối tượng. Lãnh đạo phòng này cho hay: “CSGT TP.HCM sẽ ra quyết định xử phạt đúng đối tượng căn cứ vào trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc xác định người điều khiển xe vi phạm trước đó”.

Cũng theo lãnh đạo phòng, có nhiều lý do khiến việc chuyển thông báo vi phạm đến tay chủ phương tiện còn chậm hoặc không thể chuyển được. Hoặc chủ phương tiện mua bán không sang tên đổi chủ; hoặc chủ phương tiện thường xuyên thay đổi chỗ ở; hay họ đang thụ án, đang thi hành nghĩa vụ quân sự, xuất cảnh…

“Thời gian hoàn thiện một hồ sơ vi phạm và chuyển đến công an phường, xã, thị trấn để chuyển đến chủ xe là 10 ngày làm việc. Như vậy, việc chủ xe nhận được thông báo vi phạm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào công an cấp phường.

Tới đây, để rút ngắn thời gian, phòng sẽ xem xét để chuyển thông báo vi phạm cho chủ phương tiện thông qua bưu điện có chuyển hoàn” - lãnh đạo PC67 TP.HCM nêu thông tin.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ TP Đà Nẵng, địa phương này đồng ý thu tiền phạt do chủ xe nộp cho nhiều trường hợp.

“Về nguyên tắc, CSGT chỉ được xử phạt đối với người trực tiếp điều khiển xe tham gia giao thông. Tuy nhiên, hệ thống giám sát chỉ ghi lại biển số xe, ngày giờ xe vi phạm, lỗi vi phạm chứ không xác định được người trực tiếp điều khiển xe.

Nếu chủ phương tiện không phải là người vi phạm thì họ phải chứng minh được vào thời điểm đó ai là người điều khiển xe; mối quan hệ giữa họ với người điều khiển xe như thế nào (thông qua giấy tờ, hồ sơ giữa người cho thuê và người thuê).

Sau đó, chủ xe phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ công an mời người vi phạm đến cơ quan công an để xử lý. Còn nếu không, chủ xe phải chịu phạt” - ông Sỹ nêu ý kiến.

Thượng tá NGUYỄN QUANG NHẬT, Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật - Cục CSGT (C67 Bộ Công an):

Ràng buộc nghĩa vụ của người sử dụng xe

Khi cho mượn, cho thuê xe thì chủ xe thu được một khoản tiền từ việc cho thuê đó. Cho nên chủ xe cũng cần có trách nhiệm trong việc đảm bảo người mượn, thuê xe chấp hành luật giao thông.

Để ràng buộc nghĩa vụ đóng phạt vi phạm giao thông cho người mượn, thuê xe, chủ xe có thể yêu cầu người mượn, thuê xe đặt một khoản tiền cược trong một thời gian nhất định, nếu không có thông báo của CSGT về vi phạm thì được trả lại. Thế nhưng điều này cũng khó áp dụng rộng rãi.

Giải pháp khả quan hơn là trong hợp đồng, người cho mượn, thuê nên có các điều khoản ràng buộc về trách nhiệm của người mượn, thuê xe khi tham gia giao thông.

Trung tá HUỲNH TRUNG PHONG,Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM:

Mở rộng phạt nguội để tránh đối đầu với dân

Giải pháp xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh (còn gọi là phạt nguội) được áp dụng cách đây ba năm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, PC67 đã có đề án lắp đặt camera trên toàn TP.HCM, dự kiến chia làm ba giai đoạn, thực hiện từ nay đến năm 2020.

Trước mắt sẽ thí điểm ở khu vực trung tâm TP, đơn cử là các tuyến Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Pasteur với hơn 500 chốt gắn camera. Camera còn được lắp đặt ở khu vực cửa ngõ để người dân từ các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương… khi vào TP.HCM sẽ chạy xe đàng hoàng hơn.

Khi đề án này được triển khai, TP.HCM sẽ hoàn toàn xử phạt bằng camera chứ không còn cảnh CSGT ra đường đối đầu, chặn xe nữa.

Ông NGÔ HỒNG HỆ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam:

Cần quy định thu hồi biển số xe

Muốn tháo gỡ những khó khăn cho các chủ phương tiện trong việc phạt nguội, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm giao thông, có kết hợp với việc quản lý phương tiện.

Chẳng hạn, xe phải chính chủ để cơ quan chức năng gửi thông báo xử phạt đúng địa chỉ. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần phải bổ sung quy định như khi bán xe phải thu hồi biển số, nếu không thì chủ biển số xe đó phải chịu các trách nhiệm phát sinh....

Ông LÂM ĐỒNG HƯƠNG, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ (PC67) Công an TP Cần Thơ:

Nên có cách gỡ để chủ xe không bị thiệt

Theo tôi, một vấn đề bất cập lớn trong việc xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát là khi người vi phạm không chấp hành việc đóng phạt thì phương tiện sẽ không được đăng kiểm.

Điều này gây thiệt thòi cho chủ xe. Tôi được biết sắp tới các cơ quan chức năng sẽ có thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chủ xe có quyền khiếu nại, khởi kiện

Theo quy định của khoản 1đ Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Nếu nhận thấy và có thể tự chứng minh (thông qua hợp đồng cho thuê, mượn xe…) là bản thân không vi phạm giao thông, tức đã bị phạt sai hoặc bị CSGT chặn đăng kiểm không đúng quy định thì chủ xe có quyền khiếu nại, khởi kiện để được xem xét, giải quyết quyền lợi.

phat nguoi coi chung quyt lam cam chiu TP HCM: 34.000 lượt vi phạm giao thông bị phát hiện qua camera

Cổng Thông tin điện tử Công an TP HCM vừa đăng tải danh sách các phương tiện vận tải đường bộ vi phạm hành chính ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.