Phiên họp đại hội cổ đông từ sáng tới nửa đêm của Ocean Group

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Ocean Group kết thúc vào rạng sáng ngày 21/5 sau 16 giờ làm việc liên tục.

Bắt đầu từ 9h15 ngày 20/5, thời gian nghỉ trưa 20 phút, phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay của Ocean Group diễn ra trong 16 giờ liên tục. Đây là ĐHCĐ lần hai do lần một tiến hành thất bại.

Đọc xong 43 trang biên bản họp, chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên họp thường niên năm 2019 của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC). Lúc này đồng hồ chỉ 1h35 sáng 21/5. Cổ đông được chuẩn bị bánh mỳ và bánh khúc, kèm sữa tuơi cho hai bữa ăn trưa và tối.

Phiên họp đại hội cổ đông từ sáng tới nửa đêm của Ocean Group - Ảnh 1.

Phiên họp thường niên năm 2019 của Ocean Group ngày 20/5 bắt đầu với nhiều nhóm cổ đông mới và an ninh được thắt chặt. Ảnh: Minh Sơn

Không khi căng thẳng bao trùm từ khi phiên họp chưa bắt đầu. Lần đầu tiên trong hai năm gần đây, ĐHCĐ của Ocean Group đạt tỉ lệ tham gia tới gần 70%, gấp gần 7 lần so với lần đầu phiên họp thường niên 2019 được triệu tập. Sự xuất hiện của nhiều nhóm cổ đông mới, mức độ an ninh cũng được đặt cao hơn hẳn những lần trước. Máy dò kim loại đặt ở sảnh, hơn 10 bảo vệ đứng vòng ngoài và 6 bảo vệ ở vòng trong, cửa phòng họp luôn ở trạng thái đóng, mỗi lần ra ngoài có việc sau đó muốn vào phải có giấy xác nhận là cổ đông.

Ngoài những tranh luận giữa đại diện các nhóm, nguyên nhân chính khiến việc tổ chức kéo dài là quy trình. Mỗi nội dung biểu quyết theo phương pháp giơ phiếu, phiên họp sử dụng ba máy quét mã vạch, đi kiểm tra lần lượt từng cổ đông. Có nội dung phải thực hiện lại đến hai lần do lỗi máy móc.

Còn nội dung biểu quyết bằng văn bản, mỗi tờ trình sử dụng ba hòm phiếu riêng biệt, chủ tọa đọc thông báo ba lần cho mỗi lần mời cổ đông lên bỏ phiếu. Tổng cộng Ocean Group sử dụng 57 hòm phiếu khác nhau trong phiên họp tối qua.

Lý do, theo đại diện công ty, để hạn chế thấp nhất rủi ro liên quan đến pháp lý có thể xảy ra sau phiên họp. "Chúng tôi thực hiện toàn bộ điều này đúng theo điều lệ và Luật doanh nghiệp, đã được tham vấn từ ban pháp chế và công ty luật. Nếu muốn làm đúng luật, đúng hoàn toàn, thì bắt buộc phải làm như vậy", ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT Ocean Group, nói với VnExpress vào 23h tối qua (ngày 20/5), trong thời gian chờ kiểm phiếu.

Sự kiện nhóm cổ đông Hà Bảo khởi kiện Ocean Group, yêu cầu hủy bỏ nghị quyết phiên họp bất thường giữa năm 2018, được lãnh đạo công ty này cho rằng, xuất phát từ quy trình thủ tục tổ chức. "Các cổ đông, nếu muốn kiện, họ căn cứ vào từng câu, từng chữ trong quá trình tổ chức. Chúng tôi muốn hạn chế tối đa những rủi ro này, làm theo quy trình chặt chẽ nhất có thể", ông Thụ nói.

Phiên họp đại hội cổ đông từ sáng tới nửa đêm của Ocean Group - Ảnh 2.

Các hòm phiếu được sử dụng để biểu quyết lúc 22h tối 20/5. Ảnh: Minh Sơn

Nhiều thủ tục và thời gian thực hiện kéo dài, song những căng thẳng của các cổ đông vẫn tập trung ở khâu tổ chức.
Bà Nguyễn Đồng Xuân Phương, người được ủy quyền của cổ đông Lâm Khánh Hồng và Công ty Đầu tư và Quản lý Bảo Lâm Holdings, cho rằng tỉ lệ cổ đông đăng tham dự Đại hội có sự gian dối, không trung thực. Con số tham dự khi phiên họp bắt đầu, theo số liệu của cổ đông này, có thể lớn hơn so với tỉ lệ tham gia 68,81% được Ban kiểm tra tư cách cổ đông công bố.

"Nếu số liệu này không đúng sẽ kéo theo việc biểu quyết tất cả nội dung sau bị sai", bà Phương nói và đề nghị được mời Thừa phát lại đến để lập vi bằng, ghi nhận lại diễn biến phiên họp.

Ông Nguyễn Xuân Anh, người đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo - đơn vị đang có đơn kiện Ocean Group về Nghị quyết phiên họp bất thường năm 2018 - cũng nêu ý kiến nghi ngờ tính pháp lý của phiên họp. Đồng thời, ông Xuân Anh đề nghị ban chủ tọa giải thích tại sao phần sở hữu 34 triệu cổ phần của Hà Bảo - doanh nghiệp có liên quan đến nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm - không được làm thủ tục tham gia phiên họp.

Liên quan đến thắc mắc của bà Phương, đại diện Ban kiểm tra tư cách cổ đông khẳng định số liệu cổ đông tham gia phiên họp khi công bố là đúng và sẽ "chịu trách nhiệm về tính chính xác". Việc cổ đông muốn sử dụng Thừa phát lại phải đăng và thông báo đến Ban tổ chức. Tuy nhiên, ban tổ chức cho biết chưa nhận được đăng nào của bà Phương, nên việc yêu cầu lập vi bằng là không hợp lệ.

Với thắc mắc của người đại diện Doanh nghiệp Hà Bảo, ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết danh sách cổ đông tham dự đại hội được căn cứ theo thông báo từ Trung tâm Lưu chứng khoán (VSD). Theo nội dung này, Hà Bảo chỉ được công nhận quyền cổ đông với 16 triệu cổ phần đang cầm cố tại Sacombank.

Những nội dung còn lại, các cổ đông đặt nhiều câu hỏi xoay quanh tiến độ các dự án, việc thu hồi các khoản phải thu hơn 2.000 tỉ đồng trên báo cáo tài chính, thậm chí cả câu hỏi về sở hữu của một cổ đông và tình trạng hôn nhân giữa nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm và vợ.

Theo đại diện ban lãnh đạo Ocean Group, những vấn đề riêng tư liên quan đến số liệu sở hữu của các cổ đông, hay đời tư của một cá nhân như ông Thắm, không thuộc phạm vi trả lời. Với hoạt động kinh doanh, Ocean Group đang cố gắng tháo gỡ những khó khăn để thực hiện một số dự án đang bị dừng. Với khoản công nợ phải thu, Phó tổng giám đốc Lê Huy Giang cho biết, hơn 2.000 tỉ từ năm 2015 đến nay đã thu lại được khoảng 200 tỉ, tuy nhiên phần còn lại gặp nhiều khó khăn.

Năm 2019, Ocean Group cũng đặt kế hoạch giảm khi doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến là 1.116 tỉ và 55 tỉ đồng, giảm lần lượt 18% và 38% so với thực hiện năm 2018.

Phiên họp cũng thông qua việc bầu nhân sự Hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019 - 2024. Theo đó, năm thành viên mới trong Hội đồng quản trị Ocean Group mới được bầu là bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Nguyễn Thành Trung, bà Nguyễn Mai Phương , ông Bùi Anh Sang và ông Mai Hữu Đạt.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.