Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 13/6 kết thúc với rất nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Nhiều đại biểu Quốc hội đều ấn tượng với “kì tích” chống dịch của Việt Nam.
Chia sẻ trước Quốc hội về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19), đã dành rất nhiều thời gian để chia sẻ về quãng đường chống dịch đầy khó khăn thời gian qua.
Phó thủ tướng cho biết Việt Nam với dân số gần 100 triệu người nhưng chỉ có 333 ca nhiễm, chưa ca nào tử vong, và đã qua gần 2 tháng không có ca lây nhiễm cộng đồng.
“Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước nhiều nước”, Phó thủ tướng nói.
Ông khẳng định thành công trong phòng chống đại dịch là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ thầy thuốc, quân đội, công an và các lực lượng khác. Đặc biệt, bạn bè thế giới đều nhận định nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân của thành công, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngay từ đầu khi vừa nhem nhóm có bệnh xuất hiện ở Trung Quốc và chưa được đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch căn cơ, bài bản.
Việt Nam cũng là nước đưa ra những giải pháp sớm và cao hơn một bước so với khuyến nghị. Khi WHO đánh giá dịch “lây nhiễm hạn chế” thì Việt Nam đưa lên “lây nhiễm”. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng khai báo bắt buộc đối với người nhập cảnh.
“Nhiều giải pháp ta làm ban đầu bạn bè quốc tế có người nghi ngờ, có người tranh luận nhưng sau đều đánh giá giải pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất cương quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, vì chi phí chữa bệnh của ta rất thấp”, ông Đam nói.
"Chúng ta không có điều kiện cảm ơn tới từng người thì lời cảm ơn tốt nhất là quyết tâm giữ thành quả chống dịch."
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Trên diễn đàn Quốc hội, ông thay mặt ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả người dân và các lực lượng. Không chỉ hàng nghìn thầy thuốc không có đêm, không có ngày, mà còn có những người lội rừng chống dịch, có người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh.
Không chỉ hàng nghìn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa đông gió rét đến hôm nóng không ngủ được dọc tuyến biên giới, mà còn bao nhiêu cụ già, trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm gửi quỹ chống dịch; còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng không sa thải nhân viên, cố trả lương dù không có doanh thu hoặc giảm doanh thu; nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, kinh phí chống dịch.
“Có rất nhiều lời động viên gửi tới lực lượng chống dịch. Khi tôi tiếp xúc với các bác sĩ và anh em rất cảm động, bảo nhau chúng ta không có điều kiện cảm ơn tới từng người thì lời cảm ơn tốt nhất là quyết tâm giữ thành quả chống dịch. Và đến giờ phút này giữ được rất tốt”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Tuy vậy, theo Phó thủ tướng, nguy cơ dịch bệnh với nước ta vẫn còn rất lớn. Ông ví Việt Nam như "cánh đồng trũng", nước ngoài sông cao hơn nhiều và trời tiếp tục mưa. Vì vậy, ta buộc phải giữ nhưng cũng không đóng cửa một cách cực đoan, mà phải thực hiện “mục tiêu kép”.
“Nhân dân Việt Nam mỗi khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cùng giá trị tốt đẹp mấy nghìn năm văn hiến bùng lên, giúp chúng ta chiến thắng nhiều cuộc chiến vệ quốc và cuộc chiến chống giặc Covid-19”, Phó thủ tướng nhận định.
Ông mong tinh thần đó tiếp tục được khơi dậy, nhân lên để tranh thủ cơ hội, thời cơ, cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và trên các lĩnh vực.
Nhắc lại tinh thần được Thủ tướng xác định là “không ai bị bỏ lại phía sau”, càng yếu thế càng cần được chú ý, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nhiều chính sách lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được ban hành.
Ông mong tư tưởng đó tiếp tục được thúc đẩy, để không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển về văn hoá, xã hội ở vùng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. “Chính sách giúp người yếu thế phải đến lúc chú trọng nhiều hơn nữa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
"Chính sách giúp người yếu thế phải đến lúc chú trọng nhiều hơn nữa."
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Thực tế chóng dịch vừa qua, ông cho biết chúng ta đã chú ý nơi khó khăn nhất là vùng biên giới và giành được thắng lợi. Ngay trong thực hiện chính sách hết sức nhân đạo, nhân văn là từng bước đưa người Việt Nam về cũng định ra đối tượng khó khăn nhất, dễ tổn thương nhất đưa về trước.
Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân người nước ngoài cơ bản được chữa khỏi. Theo Phó thủ tướng, chúng ta may mắn vì chưa vào thế phải lựa chọn ưu tiên chữa cho ai, nhưng giả sử có thì Việt Nam nhất định không chỉ vì người Việt Nam mà không chăm lo cho người nước ngoài.
“Trong khi thế giới đang loay hoay với Covid-19 thì việc chúng ta có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn là hạnh phúc rất lớn”, đại biểu Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk chia sẻ trên nghị trường.
Theo ông, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới với độ mở kinh tế lớn, hội nhập kinh tế sâu, rộng, đường biên giới dài nhưng Việt Nam đã thành công ngoạn mục trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về phòng, chống dịch
“Qua thành công chống dịch này đã củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ và qua đây cũng rút ra nhiều bài học quý về quản lý phát triển, quản trị rủi ro đối phó với những thảm họa dịch bệnh trong tương lai”, ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Bạc Liêu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng qua cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa cho thấy truyền thống quý báu về một ý chí Việt Nam, về tinh thần đoàn kết dân tộc, khi Tổ quốc lâm nguy hay đứng trước đại dịch nguy hiểm, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một chung sức đồng lòng hướng tới mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng.
"Việc chúng ta có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn là hạnh phúc rất lớn"
Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk
Đặc biệt, việc này khẳng định tính ưu việt của chế độ, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. “Chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đó”, ông Hạ nói.
Nữ biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hơn một tháng qua, đất nước ta không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện, trong đó có những bệnh nhân từng bị rất nặng nhưng đã chữa trị bình phục, đặc biệt không có ca nào tử vong.
"Xã hội gần như trở lại hoạt động bình thường, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản. Vì thế, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng cao”, nữ đại biểu chia sẻ.