Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng cho rằng, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay đòi hỏi doanh nhân, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, giúp Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới, báo Chính phủ đưa tin.
“Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, do đó phải nhận thức đúng và đầy đủ về tiềm năng, lợi thế mà cuộc cách mạng này mang lại, là cơ hội để chúng ta cạnh tranh và vươn lên với các quốc gia khác, đưa đất nước ta hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với nền kinh thế giới”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới nhưng nó cũng mang đến cho Việt Nam cơ hội để thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức để tiếp cận với những cách làm mới sáng tạo hơn, bài bản hơn của thời đại công nghệ số.
"Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải sẵn sàng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho những trạng thái "bình thường mới" để kịp thời ứng phó với những thay đổi không lường trước được, đưa kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và "cất cánh"", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, các doanh nhân trẻ cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân sự, lao động giỏi nghề, có tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư sắp tới sẽ vào Việt Nam, không ngừng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ giỏi về công nghệ; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thanh niên trong vấn đề khởi nghiệp đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số....
Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kĩ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đưa kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước vào năm 2025. Điều này có vai trò to lớn của đội ngũ thanh niên, trí thức trẻ nói chung và các doanh nhân trẻ nói riêng.
Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nhân, thông qua việc tạo hành lang pháp lí thông thoáng và chặt chẽ, đồng thời xử lí nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công chức, cản trở sự phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các doanh nhân chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để cùng Nhà nước tạo thể chế tốt nhằm đón nhận các luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển về nước ta.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, Hội cùng với hơn 1.000 hội viên luôn nỗ lực, đồng hành với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; tư vấn, hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình tọa đàm trực tuyến, chia sẻ khó khăn và đưa ra các giải pháp, truyền cảm hứng giúp doanh nghiệp hội viên vượt qua khủng hoảng.
Cùng với đó, đề xuất cơ chế giám sát triển khai các gói hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ thông qua việc chi trả bằng ngân sách; xây dựng gói kích cầu để đưa ra ngay sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19.
Bà Phạm Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quản lí và khai thác Cảng Quốc tế Long An kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bằng sông Cửu Long vì đây là vựa lúa của cả nước nhưng đang chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, quan tâm đến việc phát triển hạ tầng đường thủy.