Phó Tổng Giám đốc Viettel tiết lộ bí quyết giúp doanh số không tăng trưởng âm giữa đại dịch

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Viettel, nhờ chuyển đổi số mà doanh số tập đoàn không tăng trưởng âm ngay cả trong dịch Covid-19.

Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn Thông Quân đội Việt Nam đã chia sẻ về những kinh nghiệm giúp tập đoàn này "vượt khó" giữa đại dịch Covid-19.

Theo ông Nam, trong đại dịch vừa qua doanh số của Viettel không tăng trưởng âm là nhờ vào chuyển đổi số tích cực.

"Tỉ trọng đóng góp doanh thu từ lĩnh vực chuyển đổi số tại thị trường trong và ngoài nước đã tạo ra sự tăng trưởng bù đắp cho phần doanh thu bị mất do ảnh hưởng của đại dịch", ông Thanh Nam chia sẻ.

Hiện nay, Viettel đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nam thông tin, Viettel đã tiến hành số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ.

Về viễn thông, đến nay Viettel đã thực hiện phủ sóng rộng rãi toàn quốc, xây dựng hạ tầng tiếp nối có dây và không dây, phủ tới 100% số xã và 95% dân số cả nước với 115.000 trạm BTS, trong đó có 36.500 trạm 4G là hạ tầng 4G lớn nhất Việt Nam và đang trong quá trình chuyển đổi chuẩn bị cho phát sóng mạng 5G.

Viettel đã lần đầu tiên thử nghiệm 5G tại Việt Nam ngày 10/5. Và cách đây hơn 1 tháng đã chính thức phát sóng 5G tại Hà Nội, tiến tới là TP HCM theo giấy phép.

Về xây dựng hạ tầng, lưu trữ xử lí thì Viettel đã đầu tư 4 Data Center chuẩn Tier 3 và tiến tới Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng.

Ngoài ra, hệ sinh thái sản phẩm số cung cấp dịch vụ B2C (Business to customer), B2B (Business To Business) trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài chính (Viettelpay), digital marketing, OTT (Mocha, Keng), Chăm sóc khách hàng (MyViettel, Viettel ), Chính phủ điện tử, SmartCity, dược phẩm, tiêm chủng cũng được tập đoàn chú trọng.

Đáng chú ý, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã xây dựng hệ sinh thái toàn diện cho 5 lĩnh vực, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, an toàn thực phẩm, tiêm chủng và dinh dưỡng.

Cũng trong năm nay, Viettel đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống telehealth - một ứng dụng khám chữa bệnh từ xa. Sau hơn hai tháng Viettel đã triển khai hệ thống telehealth với quy mô hơn 1.000 điểm, kết nối 27 bệnh viện tuyến TW, 70 bệnh viện tuyến tỉnh và hơn 600 bệnh viện tuyến huyện và hướng tới 14.000 điểm cấp xã phường trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện Viettel đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút các công ty công nghệ của thế giới xây dựng trung tâm công nghệ tại Việt Nam. 

Đồng thời, trước nguy cơ mất an toàn thông tin có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Viettel kiến nghị cần xây dựng chính sách thúc đẩy sử dụng thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước sản xuất và quy định hạ tầng trọng yếu phục vụ quốc phòng - an ninh phải sử dụng các sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin nội địa.

Cùng với đó, theo đại diện Viettel, Việt Nam cần tạo không gian thử nghiệm cho các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số, đi đôi với hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển hạ tầng số, kinh tế số.

Đến nay, Viettel đã đi từ một công ty xây lắp viễn thông nhỏ trở thành Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông số 1 của Việt Nam với doanh thu hàng năm 20 tỉ USD, lợi nhuận xấp xỉ 40.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước hàng năm trung bình 40.000 tỷ đồng.

Viettel đang tập trung vào 4 lĩnh vực cốt lõi gồm: viễn thông, giải pháp công nghệ và dịch vụ chuyển đổi số, về sản xuất công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ chuyển phát, logistic và thương mại.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.