Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Bắc tại TP Yên Bái vẫn đang được tiến hành sửa chữa - Ảnh: Đ.BÌNH |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh đã nói như vậy với Tuổi Trẻ, sau khi trung ương có kết luận về việc dừng hoạt động của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Theo ông Hầu A Lềnh, trước năm 2000, cả ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rất khó khăn từ kinh tế đến an ninh chính trị... Vậy nên sự có mặt của các ban chỉ đạo đã giúp Bộ Chính trị kiểm tra, nắm tình hình và quan trọng nhất là tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách.
Hoạt động trung gian
* Khi thành lập, nhiệm vụ của các ban chỉ đạo, trong đó có Ban chỉ đạo Tây Bắc tập trung vào vấn đề gì?
- Nhiệm vụ lúc đầu chỉ thực hiện các vấn đề liên quan an ninh chính trị, dân tộc, tôn giáo. Sau này bổ sung nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị cho cơ sở, quốc phòng và an ninh.
Như vậy, nhiệm vụ bao hàm hết tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, tôn giáo đến xây dựng hệ thống chính trị (trọng tâm xây dựng hệ thống cán bộ cơ sở, công tác quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, tổ chức Đảng ở cơ sở).
Đây là hoạt động trung gian, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương chứ không phải là chức năng độc lập.
* Vậy trong 15 năm qua, Ban chỉ đạo Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?
- Theo đánh giá của Ban Chấp hành trung ương, và ngay tại Hội nghị trung ương 6 vừa rồi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình trước trung ương đã khẳng định: các ban chỉ đạo trong đó có Ban chỉ đạo Tây Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Cụ thể Ban chỉ đạo Tây Bắc đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra nhiều đề án, dự án. Trong đó có thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trung du vùng núi phía Bắc.
Sau đó là triển khai thực hiện kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bao hàm quy hoạch đến phát triển ngành, kinh tế giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị...
Ban chỉ đạo Tây Bắc đã lập các đề án mang tính đặc thù trên địa bàn vùng như đề án phát triển kinh tế, xã hội của Mường Nhé (Điện Biên), Mường Lát (Thanh Hóa)... hay các đề án liên quan đến các dự án di dân, xây dựng thủy điện, xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn vùng.
Cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) hay cầu từ thị xã Mường Lay nối Lai Châu với Điện Biên đều do Ban chỉ đạo Tây Bắc đề xuất... Nhờ vậy mà đời sống, giao thông đi lại vùng Tây Bắc khởi sắc lên.
* Vậy theo ông, việc "giải tán" các ban chỉ đạo trong đó có Tây Bắc lúc này là hợp lý?
- Ban chỉ đạo chỉ là cấp trung gian, có sứ mệnh trong một giai đoạn nhất định, với từng nhiệm vụ cụ thể.
Hiện các cấp từ trung ương đến địa phương đã đảm nhận, phối hợp và triển khai những công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi thấy việc "giải tán" các ban chỉ đạo lúc này là hợp lý.
Còn 2 hội nghị toàn vùng
* Ban chỉ đạo đã chuẩn bị tâm thế cho việc dừng hoạt động trên như thế nào?
- Chúng tôi xác định tư tưởng lâu rồi. Bắt đầu từ khi có đề án Trung ương 6, thực ra trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đặt vấn đề này rồi.
Không đặt vấn đề cụ thể sẽ là ai, nhưng mình đã tiếp thu nghị quyết, biết rõ ràng hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cần tinh gọn, hiệu quả, cắt bỏ khâu trung gian và chắc chắn trong nhiệm kỳ này sẽ tổ chức, sắp xếp lại bộ máy.
* Khi biết thông tin như vậy, tâm lý, tinh thần làm việc của những người trong ban chỉ đạo ra sao?
- Hiện toàn bộ mọi hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc vẫn đang diễn ra bình thường, hiện các thành viên trong ban chỉ đạo đang cùng các địa phương tham gia nắm tình hình, thăm hỏi đồng bào bị lũ lụt.
Tới đây, Ban chỉ đạo Tây Bắc còn tiếp tục làm hai hội nghị toàn vùng gồm triển khai nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về du lịch, đây là thế mạnh của Tây Bắc và hội nghị phát triển cây dược liệu cho vùng Tây Bắc.
* Hiện trụ sở của Ban chỉ đạo Tây Bắc vẫn đang tiến hành sửa chữa, trong khi đã có chỉ đạo dừng hoạt động của
bộ máy?
- Đây là tài sản nhà nước, và dù có đang tiếp tục sửa chữa thì sau này vẫn thuộc là tài sản nhà nước.
Khi nào Ban chỉ đạo Tây Bắc dừng, không hoạt động nữa thì trả về cho Văn phòng Chính phủ quản lý, sử dụng.
Do kế hoạch sửa chữa có từ năm 2016 và đang triển khai dang dở. Vậy nên vẫn phải tiếp tục triển khai cho đến khi hoàn thành.
Riêng khâu bố trí, sắp xếp nhân sự phải chờ đề án của Ban Tổ chức trung ương. Hiện các nội dung này chưa bàn đến.
* Theo ông, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc được ghi nhận như thế nào?
- Phải nói rằng trong 15 năm hoạt động, với vai trò là phối hợp nên có những lúc chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ đạo trùng với các bộ, ban, ngành, vậy nên hiệu quả mang lại chưa thấy rõ nét, có lúc không thể nổi hẳn lên được. Tuy nhiên xét về chức năng nhiệm vụ, yêu cầu công tác thì chúng tôi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. |
Trước đó vào sáng 11-10, phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6 (khóa XII), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới của toàn hệ thống chính trị là tập trung tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trong đó tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao.
Ví dụ như kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tổ chức lại Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.
Bão số 11 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhiều vùng có mưa rất lớn
Hồi 13h ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng ... |