Tân binh Nga tập trung trước một khóa huấn luyện năm 2018. (Ảnh: RT).
"Các đội quân hiện đại ngày càng phải đối mặt với nhiều thử thách phức tạp và trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi họ chuyển sang mô hình quân đội chuyên nghiệp. Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đang trở nên lạc hậu", Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua phát biểu trong một cuộc họp chính phủ.
Ông chủ Điện Kremlin thừa nhận quá trình chuyển tiếp từ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc sang tuyển mộ lực lượng chuyên nghiệp "cần nhiều thời gian và ngân sách", nhưng khẳng định quân đội Nga sẽ theo đuổi con đường này.
Ông giải thích rằng một số nước không bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự do trong quân đội vẫn có rất nhiều công việc không cần đến kỹ năng cao của người lính.
Theo luật nghĩa vụ quân sự hiện hành của Nga, mọi nam công dân trong độ tuổi 18-27 sẽ phải phục vụ 12 tháng trong quân đội, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thời gian này quá ngắn để tân binh làm chủ trang bị khí tài hiện đại. Trước năm 2008, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Nga kéo dài tới 24 tháng.
Ngoài Nga, có hơn 40 quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng nghĩa vụ quân sự, trong đó bao gồm nhiều nước châu Âu và châu Á.
Chính phủ Thụy Điển hồi năm ngoái khôi phục chế độ này nhằm bổ sung nguồn nhân lực và tăng cường khả năng huy động lực lượng để sẵn sàng chiến đấu.