Vụ hai bé trai rớt xuống hố công trình: Người cha vừa khóc vừa mò tìm con | |
Quảng Nam: Em chết, anh nguy kịch khi rớt xuống hố công trình |
Người thân một trong 3 em học sinh huyện Đại Lộc đuối nước khóc ngất khi hay tin con tử vong. Ảnh: Hà Nam |
Ngày 28/3, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Kinh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xác nhận, có 3 học sinh của trường đã tử vong do đuối nước.
Theo ông Kinh, đó là em Nguyễn Văn H., Lê Viết C. và Lê Phước Nh. cùng 15 tuổi, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi.
Khoảng 11h45 trưa 26/3, 22 em học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi thuê xe từ huyện Đại Lộc ra bãi biển Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chơi nhân dịp ngày 26/3.
Khi xuống biển tắm, em H., C. và Nh. bị sóng biển cuốn trôi. Các em còn lại cầu cứu người dân giúp đỡ, khi vớt lên bờ cả 3 em đã tử vong. Ngày 27/3, gia đình đã tổ chức lo hậu sự cho cả 3 em.
Vụ đuối nước thứ hai xảy ra khoảng 17h15, ngày 27/3 tại TP Tam Kỳ. Hai anh em ruột là Ưng Hoàng Q. (4 tuổi) và Ưng Hoàng L. (12 tuổi, cùng ngụ tại khối 2, phường Trường Xuân) rủ nhau ra công trình gần nhà chơi.
Hố công trình rộng 5 mét, sâu hơn 3m nơi hai cháu Q. và L. rớt xuống. Ảnh: Quang Nam |
Không may hai anh em rớt xuống hố công trình. Nghe tiếng hô hoán, người dân chạy đến cứu hai em lên bờ thì em Q. đã tử vong, riêng em L. đang nằm hồi sức tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ đã chỉ đạo công an điều tra làm rõ nguyên nhân, đồng thời yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương làm rào chắn hố công trình xảy ra vụ đuối nước để cảnh báo người dân.
Như vậy, chỉ trong hai ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hai vụ đuối nước khiến 4 trẻ tử vong, một trẻ khó qua khỏi.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng Khoa hồi sức tích cực và chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM đưa ra lời khuyên: Để phòng ngừa trẻ không bị đuối nước, ngạt nước, cha mẹ không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông, nếu có luôn có người lớn đi theo. Không cho trẻ bị động kinh tham gia bơi lội. Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi bài bản.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho trẻ nắm, ném phao hoặc vớt trẻ lên. Tiếp theo, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh hãy kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách quan sát lồng ngực.
Cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước. Ảnh: Quang Nam |
Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở, hãy tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 15/2 (hai người cấp cứu) hoặc 30/2 (một người cấp cứu) trong hai phút rồi đánh giá lại xem trẻ có thở lại được không? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gọi kích thích đau không?
Phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế nếu lòng ngực không di động. Còn nếu trẻ còn tự thở, hãy đặt trẻ ở tư thế an toàn, nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói.
Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ bằng chăn hay một tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.