Thời điểm này trong năm làng quất Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội đang nóng lên từng phút bởi chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa là đến thời điểm giao thừa. Mỗi ngày nơi đây đón hàng nghìn lượt khách tới mua quất truyền thống và quất cảnh, quất Bonsai.
Ông Nguyễn Mạnh chủ vườn quất Mạnh Oanh cho biết: “Trồng quất vất vả lắm, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Với cả trồng quất cũng không giàu được, vất vả cả năm cũng chỉ mong tới đợt tết này để thu hồi vốn và công sức. Mỗi cây trồng vất vả mà chỉ được có vài trăm nghìn, cây nào dáng đẹp thì cũng được hơn một triệu”.
Những cây quất thường có giá từ 400.000 đồng đến một triệu đồng nếu được mùa. Ảnh Chí Duy |
Theo như khảo sát của PV những ngày 25 đến 29 tháng Chạp là thời điểm giá quất lên cao nhất, những chậu bình thường có giá từ 400.000 đồng đến cả triệu. Tuy nhiên, những cây có dáng đẹp, lạ gặp đúng khách cũng chỉ có thể bán được hai triệu đồng là cao nhất. Một chủ vườn cho biết: “Những chậu quất to, tán khủng hay có thế được lòng khách hàng nhất nhưng giá cũng không cao mấy so với các cây dáng bình thường”.
“Nghề trồng quất vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao, sợ nhất là thời tiết thất thường, mưa gió hay rét mướt đều là nỗi lo của người nông dân chúng tôi. Chính vì vậy những năm trở lại đây ở làng quất Tứ Liên có nhiều người bắt đầu chuyển đổi phương thức kinh doanh từ trồng quất truyền thống sang trồng quất nghệ thuật bonsai”. Chủ vườn quất Bonsai Bính Tứ cho biết.
Những năm gần đây ngoài trồng quất truyền thống nhiều chủ vườn trồng sen kẽ quất Bonsai để tăng thêm thu nhập. Ảnh Chí Duy |
Tuy nhiên để trồng được quất Bonsai cũng không hề đơn giản, nếu muốn cho ra được những chậu cây đẹp, đòi hỏi người trồng cây phải có cái nhìn nghệ thuật. Ông Bính cũng cho biết: "Trồng quất thường vất vả hơn quất Bonsai mà lợi nhuận đem lại không đáng là bao. Quất nghệ thuật đòi hỏi người trồng phải có khiếu thẩm mỹ, tốn công sức chăm sóc trong việc tao hình, tạo dáng. Chính vì lí do đó mà hiện nay nhiều chủ vườn bắt đầu trồng sen kẽ quất thường và quất bonsai để tăng thêm thu nhập".
Quất Bonsai hay quất nghệ thuật là những cây quất nhỏ, cao từ 40 – 100 cm, được người nghệ nhân tạo các dáng đẹp như long thăng long giáng, phượng vũ, bạt phong, tiều phu quải tử… được trồng trong bình gốm, bình hoa. Ưu điểm của quất Bonsai là kích thước nhỏ gọn, phù hợp hầu hết các không gian từ nhỏ đến to, từ gia đình cho tới phòng làm việc. Những cây được tạo dáng theo phong thuỷ, hợp mệnh với gia chủ.
Tuy nhiên trồng quất Bonsai, quất nghệ thuật cũng không phải đơn giản. Để có những thân cây quất nghệ thuật các nghệ nhân phải mất khoảng 3 năm chăm sóc kì công mới cho ra được một cây quất hoàn chỉnh. Riêng việc giâm cành để cây đủ độ lớn đã mất tới hai năm, sau đó gốc sẽ được chuyển vào bình và chăm sóc hết sức cầu kì. Thời gian tạo dáng, uốn cành cho đẹp theo ý nghệ nhân là vất vả, mất nhiều công sức và khó khăn nhất.
Ông Bùi Mạnh Bình một người có thâm niên gần 10 năm trồng quất Bonsai cho biết: “Uốn cành quất rất khó vì cành cây quất giòn, dễ gãy chứ không dẻo dai như cành đào. Chính vì vậy việc uốn được cành quất theo ý mình là rất vất vả. Những cây có dáng đẹp tự nhiên sẽ có giá cao hơn những cây đã qua xử lí. Tuy nhiên năm nay là năm Gà nên cây nào có dáng gà tự nhiên có giá trên chục triệu đồng là bình thường”.
Tại vườn quất Oanh Cát có ba cây quất có dáng gà tự nhiên được định giá trên chục triệu, trong đó có một cây đã được khách đặt thuê với giá 7 triệu đồng. Đây là một trong những cây quất hiếm hoi có dáng gà tự nhiên ở làng quất Tứ Liên.
Một cây quất có dáng con gà tự nhiên được chủ vườn chào giá 10 triệu nếu mua hẳn, giá thuê là 6 - 7 triệu. Ảnh Chí Duy |
Theo khảo sát giá mỗi cây quất Bonsai thấp nhất khoảng hai triệu đồng, cao nhất trên dưới chục triệu một cây. So với quất truyền thống thì quất Bonsai có giá cao gấp 10 lần.
Làng quất Tứ Liên từ lâu đã nổi tiếng khắp miền Bắc về những cây quất mang đậm nét riêng của mình. Bên cạnh quất truyền thống quất Bonsai cũng đang ngày càng trở thành thương hiệu riêng của Tứ Liên.