Qui hoạch hai bên sông Hồng: 'Có thể làm đê kết hợp đường, độ bền từ 500-700 năm'

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thực lực tài chính của TP trong 5 năm tới còn khó khăn không thể đảm bảo đầu tư làm đê hai bên bờ sông cũng như di dời 900.000 dân ở khu vực này. Vì vậy, TP tính toán xây dựng quy hoạch làm đê kết hợp với đường, đảm bảo chống lũ cấp 3, độ bền từ 500-700 năm.
Qui hoạch hai bên sông Hồng: Có thể làm đê kết hợp đường, độ bền từ 500-700 năm - Ảnh 1.

Ảnh: Zingnews.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi làm việc với cử tri quận Hoàn Kiếm.

Tại buổi họp, cử tri mong muốn TP triển khai quyết liệt nhiệm vụ qui hoạch Thủ đô giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045 cũng như hoàn thành các qui hoạch phân khu nội đô, qui hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống…

Chưa thể làm đê hai bên bờ sông Hồng trong 5 năm tới

Trả lời các kiến nghị của cử tri về qui hoạch hai bên sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện có khoảng 900 nghìn dân đang cư trú ở khu vực bờ sông Hồng với tổng chiều dài trên 4km. 

Mặt khác, do vướng qui hoạch đê điều, phân lũ nên ở đây, hạ tầng điện đường trường trạm không thể đầu tư, người dân không được xây dựng sửa chữa nhà. 

Để giải quyết tình trạng này, TP đã quyết định hộ dân nào có sổ đỏ hợp pháp vẫn sẽ được cấp phép xây dựng. 

Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, thực lực tài chính của TP trong 5 năm tới còn khó khăn không thể đảm bảo đầu tư làm đê hai bên bờ sông cũng như di dời 900.000 dân ở khu vực này. 

"Vì vậy, TP tính toán xây dựng qui hoạch làm đê kết hợp với đường, đảm bảo chống lũ cấp 3, độ bền từ 500-700 năm", ông Chung nói.

Ngoài ra, TP cũng đang tính toán phương án đền bù bằng tiền để người dân có thể tự mua nhà tái định cư trên tinh thần tái định cư phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng chỗ ở cũ.

Cần lời giải cho bài toán thoát lũ

Qui hoạch hai bên sông Hồng: Có thể làm đê kết hợp đường, độ bền từ 500-700 năm - Ảnh 2.

Dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai thuộc qui hoạch hai bên sông Hồng. (Ảnh: Dân trí).

Hiện nay, TP Hà Nội đang tập trung rà soát điều chỉnh lại qui hoạch tổng thể Thủ đô, đặc biệt là phủ kín qui hoạch sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống để sử dụng nguồn tài nguyên vùng bãi ven sông.

Trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNN mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng việc qui hoạch hai bên sông Hồng và các sông khác vẫn còn vướng mắc lớn nhất chính là vấn đề thoát lũ.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, qui hoạch về lũ nằm trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được qui định trong Luật Qui hoạch, do đó việc xây dựng phương án thoát lũ đòi hỏi phải phù hợp với qui định pháp luật hiện hành. 

Vướng mắc về qui hoạch hai bên sông Hồng cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án Sông Hồng City (dự án Trấn Sông Hồng) bị "treo" gần 26 năm. Đây là dự án lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, được cử tri phản ánh trong kì họp HĐND TP Hà Nội vừa qua.

Dự án Sông Hồng City được cấp phép vào ngày 29/11/1994, nằm tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, thuộc qui hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng.

Bên cạnh việc nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính, sự thay đổi trong pháp luật về đê điều kèm theo qui hoạch hai bên bờ sông Hồng chưa được phê duyệt đã khiến dự án này bị ngừng triển khai. 

Đối với dự án này, Sở KH&ĐT đã có kiến nghị TP nghiên cứu qui hoạch hợp lí để tiếp tục triển khai dự án.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.