Sưu tầm cổ vật vì đam mê
Quán cà phê chuông đá nơi lưu giữ những kỉ vật. |
Sinh ra và lớn lên ở TP Huế “mộng mơ”, đến năm 1968 do chiến tranh khốc liệt càn quét vùng quê nghèo nên ông Hoàng Thành (SN 1959, tại Quảng Điền, TP Huế) được gia đình gửi vào Đắk Lắk ở với nội và chú.
Những ngày vào vùng đất mới, cuộc sống khó khăn nên ông phải làm thuê, làm mướn để trang trãi cuộc sống. Sau đó, ông được một công ty cầu đường nhận vào làm nhân công. Từ ngày đi làm, ông bắt đầu tìm tòi và phát hiện ra nhiều mẫu đất, đá có hình thù kì lạ nên đưa về trưng bày.
Ông Thành bên khối cổ vật vô giá của mình. |
Chỉ bằng những phiến đá nhỏ, ông Thành đã tạo ra những âm thanh du dương, sống động. |
Với tâm hồn yêu thiên nhiên và đồng điệu với nghệ thuật, ông Thành đã tích góp vốn liếng xây dựng ngôi nhà vườn với vườn cây xanh và kho “cổ vật” vô giá của mình. Sau một thời gian, khuôn viên nhà ông trở thành một bảo tàng thu nhỏ với vô số nội thất như nhà dài, cồng chiêng, ché, thuyền độc mộc, lư đồng, trống...
Nhìn những cổ vật của ông những tưởng vô tri, vô giác nhưng đối với ông mỗi vật đều gắn liền với một câu chuyện sống động, lạ lùng.
Như chiếc nhà dài của người Ê Đê được nằm khuất sau những rặng cây sau nhà. Ngôi nhà dài được dựng gọn gàng nhưng chứa đựng nhiều vật dụng truyền thống: trống h’gơr, ghế nằm của gia chủ, bếp lửa còn tro ấm, bình rượu cần, gùi đựng củi...
Ông Thành chỉ cho chúng tôi xem chiếc ghế K’Pan rồi nói, trước đây để làm ra chiếc ghế như thế này phải mất cả năm quần quật đục đẽo, chau chuốt. Sau đó hàng trăm thanh niên trong làng mặc quần áo truyền thống đưa chiếc ghế về với buôn làng. Nhìn từ xa, tựa như con rết đang bò những bước chậm rãi nên mới có tên là K’Pan.
Chiếc trống H’gơr hàng trăm năm tuổi. |
Từ ngày ông yêu thích và bỏ tiền ra mua những cổ vật ấy, người thân xung quanh anh ai nấy đều ngăn cản, dèm pha vì cho rằng việc việc làm của ông là ngớ ngẩn, điên rồ khi bỏ tiền mang những thứ cũ kĩ về nhà.
Đến một ngày GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, từng là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vô tình đến quán và ngạc nhiên trước khối tài sản to lớn mà ông đang nắm trong tay.
“Giáo sư đi tham quan toàn bộ khuôn viên ngôi nhà và nói với tôi rằng: Đây là những bảo vật cổ có giá trị về mặt địa chất, địa tầng, có giá trị mang tầm cỡ quốc gia và độ tuổi lên đến hàng triệu năm nên kêu tôi bảo quản, giữ gìn cẩn thận”, ông Thành chia sẻ.
Từ ngày đó, mọi người dần hiểu ra giá trị văn hóa của kho tài sản trên nên đã bắt đầu tin tưởng và giúp đỡ ông tìm kiếm, lưu giữ những cổ vật, hóa thạch độc đáo.
Chiếc nhà dài với nhiều cổ vật của ông Thành. |
Nhận thấy mỗi hóa thạch là một con vật, hình thù khác nhau, ẩn chứa sự sống khác nhau nên ông bắt đầu tìm hiểu kĩ và sâu hơn. Hiện nay, ngôi nhà ông chứa vô vàn mẫu đá với hình dáng khác nhau như: con ốc, con sò, chuông đá... khiến quán cà phê của ông trở nên “độc, lạ” tại nơi này.
Cũng theo ông Thành, những cổ vật của ông11 được chia thành 5 nhóm: Nhóm mẫu hóa thạch thuộc lớp Cúc đá (Ammonoidea, vỏ sò hóa thạch) chỉ có duy nhất ở Tây Nguyên; Hóa thạch thuộc lớp Hai mảnh vỏ (Chân rìu); Hóa thạch Chân bụng (Gastropoda); Hóa thạch ngành Thực vật hạt trần (Gymnospermae); Hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa (lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây Nguyên). Tất cả cổ vật này đều được tìm thấy ở những vùng trầm tích thuộc hệ tầng Đắk Krông có niên đại 191-175 triệu năm trước và hệ tầng Ea Soup có niên đại 170-154 triệu năm trước.
Những hóa thạch với nhiều hình dáng khác nhau. |
“Sau khi các sinh vật chết đi được các lớp đất đá bao bọc lại tạo thành những hình thù sống động. Nhiều loài vẫn còn nguyên lớp vỏ sau quảng thời gian dài nằm sâu trong lòng đất”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài việc trưng bày tại nhà, ông Thành còn trao tặng cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam hơn 11 tấn cổ vật, gồm 1000 mẫu hóa thạch khác nhau.
Đến quán cà phê nghe chuông đá
Chiếc chuông đá gắn liền với quán cà phê của ông. |
Nét đặc sắc nhất và cũng là niềm cảm hứng để ông đặt tên quán cà phê của mình đó chính là chiếc “Chuông đá” độc nhất vô nhị. Với chiều dài hơn 2 m, chiều rộng hơn 50 cm và khối lượng khoảng 800 kg chiếc chuông đá được anh tìm thấy tại huyện Lắk cách đây 13 năm như mê hoặc lòng người bởi những âm thanh trầm bổng, du dương.
Khi dùng phiến đá nhỏ gõ nhẹ vào một đầu chiếc chuông đá, dùng tai áp sát tai vào đầu kia, ai nấy đều cảm nhận được âm thanh trong trẻo tựa tiếng nhạc rừng âm vang hòa với tiếng suối chảy róc rách thấm đượm lòng người. Tuy nhiên ông Thành cho hay, chiếc chuông đá chỉ là loại đá bình thường, chứa đựng thạch anh, mica, sa khoáng, granít.... Chuông đá này khác các loại đá bình thường ở chỗ là mềm, xốp hơn chứ không rắn chắc.
Nhận thấy được cái hay, cái đặc sắc từ chiếc chuông đá này, ông Thành đã đặt tên quán là cà phê “Chuông đá”. Những vị khách tìm đến với ông là những vị khách đặc biệt, bởi họ đến đây chiêm ngưỡng, tìm tòi về cổ vật là chính còn uống cà phê chỉ là một yếu tố phụ.
“Mặc dù là quán cà phê nhưng tôi có nguyên tắc riêng cho mình. Những vị khách đến đây chỉ để thưởng thức cà phê tôi thường không bán, bởi tôi cần mọi người tìm tòi, nghiên cứu để ngày càng đưa những nét văn hoá đặc sắc đến gần hơn với bạn bè Quốc tế’, ông Thành tâm sự.
Bà Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk nhận định, những cổ vật hóa thạch của ông Thành đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu văn hoá, bản sắc của người dân Tây Nguyên. Bà hy vọng rằng sau này ông Thành sẽ giao lại số cổ vật cho bảo tàng để lưu giữ.