Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn

Thống kê mới nhất cho thấy có 116 lô đất vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn

"Sông Sài Gòn là yếu tố tạo nên nét đặc trưng của một đô thị trên bến dưới thuyền của TP HCM. Ấy vậy mà, đôi bờ sông đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ. Dòng sông đang biến dạng từng ngày. Phải điểm mặt những kẻ bao chiếm bờ sông Sài Gòn thì may ra mới cứu được cảnh quan đôi bờ con sông này" - ông Ba Chúc (tức Nguyễn Văn Chúc) - người 50 năm gắn chặt cuộc đời mình với sông Sài Gòn đề nghị trước khi mở đầu câu chuyện "biến dạng" của con sông này.

Biến bờ sông thành của riêng

Ông Chúc cho rằng ông không học cao hiểu rộng nhưng ông tin chắc là mình hiểu rõ về sự đổi thay theo chiều hướng xấu của con sông Sài Gòn. Bởi hơn chục năm qua, kể từ lúc hàng loạt dự án nhà ở, chung cư cao tầng được xây dựng thì ông và những người hành nghề đánh cá trên con sông này dần bỏ nghề. 

"Lòng sông bị đào lên, lấn ra làm bờ kè xây dựng các dự án nhà ở. Lớp bê-tông đè xuống khiến cá, tôm tìm về nơi khác. Đó là chưa kể bờ sông giờ có chủ hết, cập ghe vô là bị đuổi liền" - ông Chúc nói giọng buồn buồn và phóng tầm nhìn từ cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) xuôi về phía quận 2, Thủ Đức, chép miệng: "Giờ đứng từ đây nhìn ra bao quát hẳn ai cũng thấy các dự án nhà cao tầng ken đầy bờ sông, đâu còn không gian công cộng cho người dân được hưởng lợi nữa đâu".

Để minh chứng cho những gì mình nói, ông Chúc quyết định chở chúng tôi đi dọc sông Sài Gòn, đoạn từ khu vực phường An Phú Đông (quận 12) kéo dài đến quận 7 - đó là chuyến đi thực tế trưa 22-4 khi thời tiết TP HCM nắng như đổ lửa. Đúng như lời ông Chúc chia sẻ, dọc khúc sông trên rất hiếm khi bắt gặp công viên hoặc bờ kè ven sông mà người dân có thể dừng lại hóng mát. 

Thay vào đó, hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy nhiều nhất lại là quán nhậu, nhà hàng và hàng chục dự án chung cư, biệt thự mọc lên lấn hết không gian bờ sông. Đơn cử, tại khu vực bờ sông thuộc phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) sát bờ sông là biệt thự, quán cà phê và có đoạn bờ sông bị một dự án chung cư bao bọc và xí phần là khu nội bộ của mình. 

Tương tự, dọc khu vực Thảo Điền, quận 2, khi chúng tôi muốn tấp vào bờ để tìm chỗ đi lên đường Nguyễn Văn Hưởng thì mới nhận ra rằng xung quanh toàn là khu biệt lập. Thử ghé ghe vào một khu biệt lập xem thế nào thì ngay lập tức chúng tôi bị bảo vệ xua đuổi (!).

Lúc này, ông Chúc liền so sánh: "Mấy chú thấy tôi nói có sai đâu, giờ không ít đoạn bờ sông Sài Gòn thuộc khu vực Thảo Điền đã thuộc sở hữu cá nhân. Mấy chú muốn hưởng gió mát từ sông Sài Gòn thì phải mất tiền đó…".

Tiếp tục xuôi ghe trên sông Sài Gòn, đoạn từ quận Bình Thạnh về quận 7, chúng tôi nhận thấy hễ chỗ nào gần bờ sông thì nơi đó sẽ có những chung cư hàng chục tầng, trong đó không ít chung cư chiếm bờ làm khu vực riêng và che khuất tầm nhìn. Ghé vào một quán nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), khi hỏi về sự đổi thay bờ sông Sài Gòn, ông Kiên (61 tuổi) một hộ dân trong xóm không khỏi ngao ngán. 

Đưa tay chỉ 4 chiếc quạt máy đang hoạt động hết công suất, ông Kiên nói: Nếu trước đây, quanh năm quán tôi không cần bật quạt nhưng nay không bật quạt thì khách sẽ "chết nóng". "Không chỉ xâm phạm hành lang an toàn, các chung cư cao tầng dọc sông đang ngăn gió từ sông thổi vào, như vậy là tước đi quyền lợi của nhiều người khác" - ông Kiên nhận xét.

Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn - Ảnh 1.

Dãy biệt thự và chung cư thuộc khu Thảo Điền, quận 2, TP HCM nằm sát sông Sài Gòn biến bờ sông thành… của riêng!. Ảnh: LÊ PHONG

Lộ dần lý do và thủ phạm

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng như những cán bộ có thâm niên ở Sở Xây dựng TP, sở dĩ nhiều chủ đầu tư xây dựng chung cư "quyết chọn" thực hiện dự án dọc sông Sài Gòn là vì giá trị sinh lợi cao. "Nếu một căn hộ với đầy đủ tiện ích nằm ở bờ sông Sài Gòn đón gió trời giá sẽ gấp đôi so với vị trí bình thường. Vậy nên, chỉ có đại gia mới mua ở đó và nhà đầu tư không ngại giành những mảnh đất hái ra vàng" - một cán bộ thuộc Sở Xây dựng TP (đề nghị giấu tên) nói và nhấn mạnh thị trường bất động sản ven sông Sài Gòn sôi động chừng 5 năm trở lại đây và đến nay vẫn không hề có dấu hiệu giảm.

Theo số liệu từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, đến đầu năm 2019 có 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang an toàn bờ sông Sài Gòn. Trong đó, gần 80 dự án đã vi phạm Quyết định 22/2017 về việc triển khai dự án phải cách bờ sông từ 30-50 m. Trong đó, Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn có 13 lô đất chỉ cách bờ sông dưới 10 m. Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chiến Thắng: 17 lô. Công ty CP Eden: 9 lô. Công ty TNHH Hải Vương: 8 lô… Trong đó, một vài công trình đã tháo dỡ nhưng một số khác chủ đầu tư chây ì không thực hiện.

Một cán bộ Sở Xây dựng TP (cũng đề nghị giấu tên) thông tin nơi vi phạm nhiều nhất là khu vực thuộc quận 2 với hàng loạt biệt thự nằm sát mép bờ sông. Vì quá tham, chủ đầu tư ép cừ bê-tông để cố lấn ra. Tuy nhiên, sức nước quá lớn khiến nhiều đoạn bị nứt, sụp…

Do quản lý yếu kém?

Bình luận thực trạng này, kiến trúc sư (KTS) Trần Vĩnh Nam cho rằng thời gian qua, TP HCM quy hoạch chưa chú ý đến lợi ích cộng đồng. Ai cũng thấy sông Sài Gòn có ý nghĩa rất lớn đối với đô thị TP HCM nhưng việc con sông bị nhiều kẻ bao chiếm là điều khó có thể chấp nhận. "Khi buýt đường sông khai trương, tôi và nhiều KTS khác thử trải nghiệm ngắm cảnh quan sông Sài Gòn từ Thủ Đức về quận 1. Khi đi một vòng tất cả đều giật mình bởi nhận thấy, ngoài bến Bạch Đằng có diện tích khiêm tốn thì chẳng thể tìm được một nơi cho người dân TP ra ngắm sông một cách đúng nghĩa. Theo đó, bản thân tôi tự đặt ra câu hỏi: Bờ sông Sài Gòn là của ai?" - KTS Trần Vĩnh Nam bức xúc.

Theo KTS Trần Vĩnh Nam, tình trạng các dự án xây dựng ra tận mép sông, thậm chí lấn luôn lòng sông vẫn xảy ra là điều hoàn toàn không phù hợp với quy định chung của TP, gây ra thiệt hại lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thừa nhận nguyên nhân là do quản lý nhà nước yếu kém cũng như không quy rõ trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan. Ông Hiệp dẫn chứng trước thực trạng sông Sài Gòn bị xâm hại, giai đoạn 2014-2015, UBND TP ban hành rất nhiều văn bản về việc quy hoạch dọc sông Sài Gòn, kết nối giao thông liên tục dọc sông để giúp mọi người cùng nhau hưởng trọn không gian nói trên. Thế nhưng, ban hành nhưng không nêu rõ trách nhiệm dẫn đến mọi thứ vẫn cứ… đâu vào đó. "Bờ sông thì không còn tiện ích chung. Lòng sông dần thu hẹp hậu quả sau này sẽ là ngập nước, sụp lún…" - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Nguyễn Văn Hiệp cảnh báo.

Chậm khắc phục vi phạm!

Năm 2017, Báo Người Lao Động đăng tải loạt bài về việc bức hại sông, rạch tại TP HCM. Qua đó ghi nhận hàng loạt dự án lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ sông, rạch trong đó có dự án Thảo Điền Sapphire (quận 2) xây dựng nhiều hạng mục sai phép.

6-box

Sau hơn 1 năm cam kết tự tháo dỡ, các công trình vi phạm ở dự án Thảo Điền Sapphire chỉ mới khắc phục được khoảng 80%. Ảnh: LÊ PHONG

Liên quan đến dự án này, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty Cổ phần TDS xây dựng sai nội dung giấy phép và ra quyết định xử phạt hành chính. Thay vì chấp hành, chủ đầu tư lén lút cho tiếp tục triển khai dự án và phát sinh thêm công trình xây dựng sai phép nên Đội Thanh tra địa bàn quận 2 kiến nghị Sở Xây dựng có biện pháp xử lý.

Tháng 4/2017, Sở Xây dựng ghi nhận chủ đầu tư xây thêm hồ bơi, khuôn viên vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa, tổng diện tích vi phạm gần 1.400 m2. Từ đó ra quyết định xử phạt lần 2 với số tiền 40 triệu đồng. Dù bị yêu cầu tạm ngưng chờ quyết định xử phạt nhưng không hiểu sao dự án vẫn triển khai đến khi hoàn thành. Gần 1 tháng sau đó, UBND TP HCM quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư với mức phạt 1 tỉ đồng (cao nhất từ trước đến nay) và yêu cầu tháo dỡ trong vòng 30 ngày. Gần 2 tháng sau đó, chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ các công trình vi phạm.

Từ đó đến nay đã hơn 1 năm nhưng theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 22/4, còn không ít hạng mục vẫn chưa được tháo dỡ. Cơ quan chức năng thì thừa nhận vi phạm chỉ mới khắc phục được hơn 80%.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.