Chân dung Công ty Sa Huỳnh - doanh nghiệp nhập đồ điện tử nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam vừa bị khởi tố vụ án buôn lậu

Công ty Sa Huỳnh nhập đồ điện tử nguyên chiếc từ Trung Quốc về nước mang nhãn hiệu Asanzo nhưng khai báo là linh kiện. Hải quan TP HCM cũng cho biết Sa Huỳnh thuộc dạng doanh nghiệp “ma”, được thành lập nhằm nhập khẩu trái phép hàng hóa.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP HCM (PC03) đã có quyết định khởi tố vụ án buôn lậu đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh. Công ty này đã nhập hàng điện tử gia dụng ở dạng nguyên chiếc nhãn Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng khai báo là linh kiện, nhằm tránh bị kiểm tra bởi lực lượng chức năng.

Công ty Sa Huỳnh đã giải thể sau 8 tháng thành lập 

Theo dữ liệu tra cứu từ cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh được thành lập ngày 11/7/2018, hoạt động với loại hình pháp lí là công ty TNHH một thành viên.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-24 lúc 11

Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh được thành lập vào ngày 11/7/2018, hoạt động chính là bán buôn đồ điện gia dụng. (Ảnh chụp màn hình).

Công ty Sa Huỳnh có mã số doanh nghiệp 0315160060. Theo đăng giấy phép đăng kí hoạt động, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là bán buôn đồ điện gia dụng, đèn và bộ đèn điện. Sa Huỳnh cũng bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông, máy vi tính, phần mềm. Ngoài ra, công ty còn tham gia sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và các thiết bị ngoại vi của máy tính.

Hiện công ty này đã tạm ngưng hoạt động. Theo cơ quan điều tra, thời điểm tạm ngưng hoạt động của Công ty Sa Huỳnh là đầu tháng 3/2019, tức khoảng 8 tháng sau khi thành lập.

Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp quốc gia cũng cho biết người đại diện pháp luật hiện nay của Sa Huỳnh là pháp nhân Trương Ngọc Liêm. 

Sa Huỳnh vi phạm gì?

Thông tin trên Thanh Niên ngày 28/6, hồ sơ vụ việc thể hiện tháng 9/2018, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mở tờ khai hải quan, khai nhập khẩu lô hàng lò nướng thủy tinh, gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu thủy tinh lò nướng, thiết bị đếm thời gian lò nướng, hàng mới 100% và có xuất xứ Trung Quốc. 

Lô hàng có giá trị trên 212 triệu đồng. Công ty này khai báo lô hàng được nhập khẩu dưới dạng linh kiện.

5143_6-1911_IMG-8608-crop

Lò nướng thủy tinh, gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu thủy tinh lò nướng, thiết bị đếm thời gian lò nướng do Sa Huỳnh nhập khai báo linh kiện. (Ảnh: Hải quan TP HCM).

Tuy nhiên, Hải quan TP HCM phát hiện dấu hiệu nghi vấn nên ra quyết định khám xét, và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thực hiện việc khám xét.

Sau kiểm tra, Hải quan TP HCM phát hiện container hàng nhập khẩu này gồm 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ, mang thương hiệu ASANZO, được tháo rời, mới 100%, nhưng không ghi xuất xứ.

Theo cơ quan chức năng, Sa Huỳnh đã khai báo gian dối. Bởi hàng nhập khẩu là nguyên chiếc, thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước theo quy định, nhưng khai báo là linh kiện, nhằm tránh bị kiểm tra chất lượng.

Sau khi bị thu giữ lô hàng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh có công văn giải trình với cơ quan Hải quan, cho rằng đối tác phía Trung Quốc gửi nhầm hàng. 

Như vậy, kể từ thời điểm thành lập vào tháng 7, chỉ sau 2 tháng, công ty Sa Huỳnh đã bị Cục Hải quan TP HCM phát hiện hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa. 

Sa Huỳnh thuộc nhóm doanh nghiệp "ma"

Đội Kiểm soát Hải quan sau đó đã mở rộng điều tra, phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh thuộc các doanh nghiệp "ma", do các đối tượng thành lập nhằm nhập khẩu trái phép hàng hóa.

Công ty này có địa chỉ đăng kí kinh doanh tại số 861/27/39 Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM. Người đại diện pháp luật là bà Huỳnh Thị Sà Quôl.

Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan chức năng cho biết không có sự tồn tại của địa chỉ trên tại quận 7. Đồng thời, bà Sà Quôl, Giám đốc công ty, cũng không đăng kí tạm trú tại địa phương.

lo-nuong-thuy-tinh-asanzo-nhap-tutq-read-only-1563895261207775948745

Lô lò nướng điện được Sa Huỳnh nhập về nước có sẵn nhãn hiệu Asanzo cùng slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Sau khi nhận được phản hồi "đối tác gửi nhầm hàng", Hải quan TP HCM đã mời giám đốc Sa Huỳnh đến làm việc về lô hàng bị giữ lại. Người đến làm việc là ông Nguyễn Thế Tài - được Sa Huỳnh ủy quyền. Tuy nhiên, ông Tài cho biết mình chỉ là người khai thuê hải quan, không hay biết thông tin gì về giao dịch lô hàng.

Đặc biệt, về cái tên Huỳnh Thị Sà Quôl trên giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của Công ty Sa Huỳnh, cơ quan chức năng phát hiện bà Huỳnh Thị Sà Quôl vốn làm công nhân, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng. 

Người phụ nữ này xác nhận các thông tin cá nhân trên giấy phép đăng kí kinh doanh đúng là của bà. Tuy nhiên, bà cho rằng ai đó đã sử dụng thông tin của mình để giả mạo thành lập doanh nghiệp.

Bà Sà Quôl khẳng định mình không phải là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh, và không kí giấy tờ gì ủy quyền cho ông Nguyễn Thế Tài đến làm việc với cơ quan chức năng.

Vài ngày sau khi ông Tài được ủy quyền giải quyết vụ việc, người đàn ông này đã đi cùng một người khác là Trương Ngọc Liêm đến làm việc lại với cơ quan chức năng. Tại đây, ông Liêm cho rằng ông tham gia góp vốn cùng một người bạn thân khác thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh, kinh doanh mặt hàng gia dụng. 

Tuy nhiên, do không thống nhất được người đứng tên thành lập doanh nghiệp nên thuê bà Huỳnh Thị Sà Quôl đứng tên. Khi lô hàng bị Hải quan TP HCM phát hiện và giữ lại, ông Liêm nhờ bà Sà Quôl đến làm việc với Hải quan, bà không đồng ý. Vì vậy, Sa Huỳnh đã đổi người đại diện pháp luật là ông Trương Ngọc Liêm. 

Ông Liêm cũng thừa nhận các chữ kí trên chứng từ đều do người trong nhóm giả mạo chữ kí của bà Huỳnh Thị Sà Quôl.

Từ những chứng cứ, thông tin có được, Cục Hải quan TP HCM xét thấy nội dung khai báo của các đối tượng tham gia thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh có hành vi gian đối, giả mạo hồ sơ để nhập khẩu hàng hóa, có dấu hiệu của tội buôn lậu nên đã chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP HCM điều tra theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Đội Kiểm soát hải quan TP HCM cho biết đang mở rộng điều tra các công ty "ma" nhập hàng trốn thuế của nhà nước qua các cửa khẩu TP HCM.

Thủ đoạn buôn lậu tinh vi: Nhập hàng có sẵn mác "Made in Vietnam", lập nhiều công ty nhập từng bộ phận về lắp ráp

Mới đây, tại buổi họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa của ngành hải quan ngày 19/7, Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn cho biết đơn vị này đã phát hiện hàng loạt thủ đoạn gian lận, giả mạo về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa thời gian qua.

Một trong những thủ đoạn đáng chú ý là hàng được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam".

Thậm chí, các sản phẩm này còn có bao bì, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trung tâm bảo hành tại Việt Nam, để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài, hoặc không thể hiện nước sản xuất trên nhãn hàng hóa, nhưng khi đưa ra thị trường thì doanh nghiệp thay nhãn mới "Made in Vietnam", "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam".

Tinh vi hơn, nhiều doanh nghiệp không nhập hàng ở dạng thành phẩm mà nhập nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp.

Tuy nhiên, ông Âu Anh Tuấn khẳng định vốn các sản phẩm này không trải qua giai đoạn gia công, sản xuất. Nếu có thì cũng chỉ lắp ráp đơn giản rồi hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Liên quan thủ đoạn nhập linh kiện, đại diện Tổng Cục Hải quan cũng cho biết thêm các doanh nghiệp còn lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện để lắp ráp, hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản, và ghi xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.