Bà Vũ Kim Hạnh: 'Nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa'

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) Vũ Kim Hạnh cho biết với các quy định của pháp luật hiện hành, Asanzo không vi phạm xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, việc ghi nhãn “Made in Vietnam” trên hàng hóa là đúng quy định.

Đáng nói trước đó, ngay khi có tin Asanzo sản xuất hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước để lắp ráp rồi bán ra thị trường với mác "Made in Vietnam" cùng thông điệp: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", bà Vũ Kim Hạnh cho biết hội đã tước danh hiệu từng trao cho doanh nghiệp này.

Theo bà Hạnh, quyết định trên là phù hợp sau khi xem xét hồ sơ hội đang giữ và căn cứ những gì báo chí phản ánh. Tuy nhiên, mới đây, trên trang Facebook cá nhân, bà Hạnh cho rằng: "Nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa".

Bà Vũ Kim Hạnh: Asanzo cũng sập đến nơi, hàng hóa bị trả về

Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, sáng 18/7, Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp phiên thường kì nửa năm một lần, có dành nhiều thời gian thảo luận về "nhu cầu cấp bách của việc thay đổi thể chế, các văn bản pháp luật hiện đang gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".

11-15282511511200x0-1561474564677128982950

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: VnExpress).

Góp ý sôi nổi cho chủ đề này, "lùm xùm" Asanzo gần đây đã được mang ra phân tích kĩ lưỡng. Trong đó, các ý kiến cho rằng hàng xuất khẩu thì Bộ Công Thương đã có những quy định khá rõ và chặt chẽ, nhưng hàng lưu hành trên thị trường nội địa thì vẫn chưa. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng.

Tuy nhiên, theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018, Asanzo đã lắp ráp từ nhiều linh kiện và cũng làm chủ thương hiệu, tự thiết kế ý tưởng thay đổi sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng thì ghi nhãn "Made in Vietnam" là đúng với nghị định này. 

"Tôi kết luận phần báo cáo với ban chấp hành VCCI tôi đồng tình với lập luận, là nếu dựa trên pháp luật hiện nay thì Asanzo không vi phạm về xuất xứ hàng hóa", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Đồng thời, bà Hạnh cũng thông tin thêm về việc danh hiệu HVNCLC đã trao cho Asanzo. Theo đó, hội đã cấp chứng nhận cho ngành hàng điện tử gia dụng, cụ thể là TV, và một thiết bị nhỏ khác. Theo quy chế, doanh nghiệp chỉ được sử dụng logo HVNCLC gắn lên sản phẩm được chứng nhận.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho biết thực tế trong quá trình kiểm tra, Asanzo không sử dụng logo HVNCLC dán lên sản phẩm được chứng nhận. Theo bà Hạnh, quá trình làm việc với ông Phạm Văn Tam, ông Tam cho hay doanh nghiệp không có chủ trương dùng logo HVNCLC, vì muốn tự xây dựng thương hiệu riêng thay vì dựa vào một thương hiệu chung.

hanh-1561285801186833911582-15614742365971809746991

Trước đó, cũng bà Vũ Kim Hạnh cho biết Asanzo đã gian dối khi khai hàng được sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam nên quyết định tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của công ty này. (Ảnh: Zing).

Bà Hạnh nói dư luận cho rằng Asanzo lợi dụng danh hiệu HVNCLC lừa đảo người tiêu dùng, hay logo HVNCLC tiếp tay cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt và giúp chiếm thị phần khủng là một sự tưởng tượng, bịa đặt.

Đi kèm kết luận Asanzo không vi phạm xuất xứ hàng hóa, bà Hạnh cũng thông tin thêm dù cơ quan chức năng chưa chính thức kết luận thì "thương hiệu này cũng sập đến nơi, hàng hóa bị trả về, 2.000 gia đình mất việc và các thương hiệu Thái Lan, Trung Quốc đang mở nhà máy mới, mở rộng thị trường".

CEO Phạm Văn Tam: Doanh nghiệp đã thiệt hại 1.000 tỉ trong chưa đầy 1 tháng, đối tác tưởng phá sản

Mới đây, ông Phạm Văn Tam cũng cho biết chỉ chưa đầy một tháng xảy ra sự cố, Asanzo đã bị thiệt hại rất lớn về kinh tế, mức thiệt hại ước khoảng 1.000 tỉ đồng.

Ông Tam cho rằng trong khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục gánh thêm nhiều hậu quả nặng nề khác, đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng.

"Các đối tác, bạn hàng lâu năm dồn dập hỏi về chúng tôi như dấu hiệu của một doanh nghiệp sắp bị phá sản. Giá trị thương hiệu đã gây dựng nhiều năm qua gần như trở về con số 0, thậm chí là âm. Đây là một tổn thất nặng nề nhất", ông Phạm Văn Tam cho biết.

Chỉ sau vài ngày thông tin Asanzo có vấn đề về xuất xứ, nhiều siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, Điện Máy Xanh, Chợ Lớn, Thiên Hòa, Lotte, Big C… đều đồng loạt thông báo ngừng trưng bày sản phẩm, tháo hết hàng Asanzo khỏi các quầy kệ.

Ngoài ra, các siêu thị điện máy cũng ra thông báo đổi trả mang thương hiệu Asanzo. Ông Phạm Văn Tam cho rằng đây là quyết định tự phát của các cửa hàng mà chưa có sự đồng ý thống nhất của hãng. 

img1236-1561300037713897494624-2-15624293269451338639272

TV Asanzo được lấy khỏi kệ và chuyển vào kho tại Nguyễn Kim. (Ảnh: Tất Đạt).

"Việc này làm ảnh hưởng doanh số trầm trọng cho Asanzo trong gần 1 tháng qua, ước tính khoảng vài trăm tỉ đồng, doanh số bán sụt giảm mạnh liên tục 70-80%. Con số thiệt hại cụ thể chúng tôi vẫn đang tiếp tục thống kê", ông Phạm Văn Tam cho biết.

Ngoài các trung tâm điện máy lớn dừng bán hàng, đổi trả sản phẩm, ông Tam nói các đại lí, cửa hàng ở tỉnh cũng trả hàng về liên tục. Trong khi đó, ngân hàng đóng băng tài khoản và dừng hợp tác vì áp lực dư luận.

Vụ việc khiến kế hoạch khánh thành và trang bị máy móc cho nhà máy mới ở Khu công nghệ cao của Asanzo tại quận 9, TP HCM buộc phải hủy bỏ và chấp nhận bồi thường cho phía đối tác lên đến vài tỉ đồng. Đáng chú ý, thời gian khánh thành nhà máy này của Asanzo dự kiến diễn ra chỉ cách vài ngày thì thông tin "lùm xùm" Asanzo đội lót hàng Trung Quốc lừa người dùng nổ ra.

Doanh nghiệp này thông tin dù việc sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ nhưng vẫn phải trả chi phí nhân sự gần 20 tỉ đồng để duy trì hoạt động và ổn định đời sống người lao động.

Hàng loạt hợp đồng quảng cáo bị cắt

Ngoài thiệt hại nặng nề về sản phẩm, hàng hóa, ông Tam cũng cho biết thêm mọi chi phí cho các chương trình, chiến dịch truyền thông cũng "mất trắng" từ sự cố này.

Cụ thể, các chiến dịch marketing, quảng bá theo kế hoạch đều bị hủy bỏ. Việc ông Tam tham gia một chương trình thực tế nhưng vì sự cố bị buộc dừng phát sóng doanh nghiệp cũng phải chịu mất chi phí bồi thường hợp đồng.

pham-van-tam-Asanzo-trungson-1641-1561385225

Ông Phạm Văn Tam cho biết đã thiệt hại 1.000 tỉ trong chưa đầy 1 tháng. (Ảnh: VnExpress).

Mới đây, Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia cũng đã xóa tên Asanzo với vai trò là nhà tài trợ chính cho giải đấu. Ngoài ra, Giải vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á 2019 đã rút tên nhà tài trợ Asanzo. Đại diện Asanzo cho biết mong muốn đóng góp cho thể thao nước nhà cũng không thể hoàn thành được từ sự cố này của công ty.

"Trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chưa có kết luận cụ thể vụ việc từ phía cơ quan chức năng thì đã bị người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay, bị tước danh hiệu HVNCLC, khiến uy tín doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Con số thiệt hại trong thời gian chưa đầy 1 tháng dự kiến lên đến hơn 1.000 tỉ đồng. Ngoài những thiệt hại tức thời này thì chi phí để khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và ổn định kinh doanh trong thời gian sắp tới cũng là một bài toán nan giải", ông Tam cho biết.

Ngoài ra, ông cũng khẳng định thêm doanh nghiệp sẽ mất đến vài nghìn tỉ đồng, trong thời gian ít nhất là 1 năm mới có thể khắc phục được những tổn thất trên.