Ra mắt điện thoại mới, Asanzo lí giải chuyện không bán hàng tại Thế Giới Di Động, FPT

Đại diện Asanzo cho rằng tỉ lệ chiết khấu để đưa điện thoại vào các hệ thống bán lẻ lớn khiến hãng không có lợi nhuận. Trong khi đó, mục tiêu của Asanzo là nhắm đến phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình thấp.

Giữa ồn ào nghi vấn thay mác TV, máy điều hòa từ "Made in China" thành "Made in Vietnam", trốn thuế, Công ty CP Tập đoàn Asanzo vừa bất ngờ ra mắt smartphone Asanzo 6. Dự kiến, 3 ngày nữa, vào 20/11, chiếc điện thoại này sẽ chính thức lên kệ. Tuy nhiên, smartphone mới của Asanzo sẽ không được bán tại các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT, chủ yếu phân phối ở các kênh truyền thống.

Vì sao Asanzo né Thế Giới Di Động, FPT?

Tại sự kiện giới thiệu với truyền thông, đại diện Asanzo cho biết dòng smartphone thứ ba trong năm 2019 của hãng, tức Asanzo 6, sẽ bbán rộng rãi qua đại lí, cửa hàng Asanzo trên toàn quốc.

IMG_8248

Ông Trương Lê Quốc Tuấn lí giải vì sao Asanzo không phân phối điện thoại vào TGDĐ, FPT. (Ảnh: Phúc Minh).

Hệ thống phân phối bán lẻ chủ yếu của Asanzo là các cửa hàng chuyên bán đồ điện máy nhỏ trên cả nước.

Trước thắc mắc tại sao điện thoại Asanzo không có mặt trong các hệ thống bán lẻ lớn hiện nay như Thế Giới Di Động, FPT Shop, ông Trương Lê Quốc Tuấn - người phụ trách mảng smartphone của Asanzo, cho rằng điều này vốn nằm trong chiến lược từ trước đến nay.

"Bán trong chuỗi hay không phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh của từng công ty", ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cho biết thêm các nhà sản xuất hàng điện tử, điện máy hiện có 2 hình thức phân phối, là đi theo kênh chuỗi và phân phối qua kênh truyền thống.

"Điện thoại Asanzo được bán trên cả nước thông qua kênh đại lí truyền thống mà chưa vào chuỗi bán lẻ. Chuỗi hay không chuỗi phụ thuộc về kế hoạch kinh doanh", người phụ trách mảng smartphone của Asanzo tái khẳng định.

Ông Trương Lê Quốc Tuấn nhấn mạnh thêm khi đồng ý phân phối vào hệ thống bán lẻ lớn, đồng nghĩa với việc phải có chiết khấu, xem tỉ lệ ăn - chia này có phù hợp hay không.

"Asanzo đang đi theo định hướng phục vụ phân khúc khách hàng ở vùng nông thôn, học sinh, sinh viên có thu nhập trung bình thấp. Lợi nhuận của sản phẩm không đủ yêu cầu họ đặt ra, nên không thể vào chuỗi", ông Tuấn nói.

Chiếc điện thoại mới nhất Asanzo 6 sắp có mặt trên thị trường có mức giá chỉ 2,49 triệu đồng. Ngoài ra, trong thời gian ra mắt, hãng cũng có nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm về bảnh hành, phụ kiện tặng kèm… 

Thực tế, nếu so với các chuỗi lớn, kênh đại lí nhỏ thường có mức giá thấp hơn khoảng 10%.

Thực tế, từ trước đến nay, chỉ một số loại hàng điện máy, mà phổ biến nhất là TV của Asanzo mới được bày bán tại các hệ thống bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim hay các sàn thương mại điện tử. 

Riêng điện thoại, vẫn chưa từng thấy lên kệ của các nhà bán lẻ lớn này.

Tuy nhiên, sau sự cố vừa qua về nghi vấn hàng thay mác xuất xứ sản phẩm, các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ gồm Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim đã từ chối phân phối hàng Asanzo. Hiện khi tìm kiếm sản phẩm Asanzo trên kênh trực tuyến của 2 doanh nghiệp này cũng không thấy bán.

"Chúng tôi không ra mắt sản phẩm để cứu vãn tình hình"

Tại sự kiện ra mắt smartphone Asanzo 6, đại diện Asanzo nhiều lần cho rằng năm 2019 là một năm đầy sóng gió của Asanzo. Tuy nhiên, người đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định giữa vòng vây tâm bão dư luận, việc ra mắt sản phẩm mới không phải là cứu nguy cho tập đoàn.

Chiếc Ulefone Note 7P (phải) được bán trên một sàn thương mại điện tử, và chiếc Asanzo 6 vừa ra mắt. (Ảnh chụp màn hình).

"Chúng tôi không ra mắt sản phẩm để cứu vãn cho tình hình, mà ra sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng bình dân ở nông thôn. Dù chúng tôi có cứu vãn hay không, thì vẫn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về vụ việc vừa rồi", ông Trương Lê Quốc Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cho hay, bộ phận nghiên cứu và phát triển điện thoại thời gian qua vẫn làm việc nghiêm túc, không ngừng nỗ lực cho ra mắt Asanzo 6. Đây là sản phẩm smartphone thứ ba của hãng trong năm 2019. 

Ông cho rằng rất nhiều công nhân của hãng đã nghỉ việc từ sự cố vừa rồi. Đồng thời, bộ phận nghiên cứu, phát triển điện thoại đã hủy 3 dự án, tìm phương án tối ưu nhất để cải tiến công nghệ và đưa ra mức giá cạnh tranh nhất cho Asanzo 6.

Để làm được điều này, Asanzo đã hợp tác với một nhà sản xuất nước ngoài đang sản xuất cho rất nhiều thương hiệu khác trên thế giới, để hỗ trợ về thiết kế, kĩ thuật và gia công sản phẩm. Đây là nhà sản xuất có năng lực, với năng suất sản xuất 5 triệu máy mỗi năm.

Bên cạnh đó, Asanzo và Ulefone - một nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc, đã đạt được đàm phán về việc Asanzo là nhà phân phối chiến lược khu vực Đông Dương của Ulefone. Điều này có thể lí giải vì sao sản phẩm Asanzo 6 vừa ra mắt đang vướng nghi vấn giống hệt chiếc Ulefone Note 7P của hãng này.