Chủ tịch Asanzo: Bốn dấu hiệu vi phạm không đủ căn cứ buộc tội

Trước cáo buộc vi phạm lừa dối người tiêu dùng, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, xuất xứ hàng hoá và trốn thuế, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho rằng không đủ căn cứ buộc tội.

- Với 4 dấu hiệu vi phạm mà Tổng cục Hải quan vừa công bố, quan điểm của ông thế nào?

- Đây không phải là kết luận cuối cùng. Sự việc còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cần có ý kiến đánh giá đầy đủ từ nhiều bên liên quan. Việc đưa ra những vi phạm của Asanzo cũng cần phải được chiếu theo những bộ luật cụ thể. 

Và tôi cho rằng, những dấu hiệu mà cơ quan chức năng nêu ra như trên không đủ căn cứ để buộc tội Asanzo là vi phạm.

Chủ tịch Asanzo: Bốn dấu hiệu vi phạm không đủ căn cứ buộc tội - Ảnh 1.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam. (Ảnh: Trung Sơn).

- Tổng cục Hải quan cho rằng "quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo". Việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" trên một số sản phẩm cũng không đúng thực tế. Ông giải thích sao?

- Tôi cho rằng cơ quan chức năng không thể dựa vào việc quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo rồi đưa ra cáo buộc vi phạm. Bởi hiện không có một quy định pháp luật nào bắt buộc doanh nghiệp phải lắp ráp sản phẩm trên một dây chuyền thiết bị hiện đại. Đó là chưa kể, mỗi nơi một quan điểm khác nhau, có thể với cơ quan chức năng, dây chuyển sản xuất của Asanzo là đơn giản, nhưng với tôi đó là dây chuyền hiện đại.

Còn việc Asanzo sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cũng không sai. Bởi trong sản phẩm tivi của công ty tôi, có một số chi tiết như bo mạch, vi xử lý, bộ nhớ... đều là linh kiện nhập của các công ty lớn từ Nhật Bản và một số nước tiên tiến trên thế giới.

Ngoài ra, cũng không có ai là người chịu thiệt hại hay tố cáo Asanzo gây thiệt hại để mà buộc tội lừa dối người tiêu dùng.

- Chưa có người tiêu dùng nào tố cáo gây thiệt hại, không có nghĩa là họ không cho rằng mình bị lừa dối? 

- Tôi là người luôn coi trọng người tiêu dùng và không bao giờ có ý nghĩ sẽ lừa dối họ. Đặc biệt, sản phẩm của tôi là hướng đến tầng lớp bình dân, nghèo... nên mục tiêu của chúng tôi không phải là lợi nhuận, mà là phục vụ cộng đồng. Do đó, sản phẩm của công ty luôn được bán với giá thấp nhất có thể.

- Việc Sharp Việt Nam gửi đơn tố cáo rằng thông tin công bố từ phía công ty ông với đối tác trên hợp đồng là Sharp-Roxy (Hong Kong) LTD không có thật, và hợp đồng trên là giả mạo. Ông nói gì?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sở hữu công nghiệp là tài sản vô hình của công dân được Nhà nước bảo hộ và nó là vấn đề dân sự. Nếu công ty nào đó cho rằng Asanzo sai thì họ có quyền kiện, toà án sẽ xử lí, và công ty tôi sẵn sàng hầu toà.  

Còn hiện nay công ty vẫn đang sử dụng nhãn hiệu Asanzo một cách hợp pháp, thì cơ quan chức năng không nên công bố rằng có dấu hiệu vi phạm này nọ sẽ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

- Vậy với cáo buộc vi phạm xuất xứ hàng hoá lưu thông trong nước và xuất đi nước ngoài. Ông giải thích thế nào?

- Hiện nay chưa có một quy định pháp luật nào rõ ràng về vấn đề này. Về việc sử dụng linh kiện nước ngoài để lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn "made in Vietnam", Asanzo khẳng định không vi phạm pháp luật. Bởi doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc tivi về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. 

Và khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam.

- Nhưng cơ quan chức năng cho rằng giá trị gia tăng tạo ra sau lắp ráp của Asanzo quá thấp, chỉ chiếm 1-2%. Luận điểm của ông là gì?

- Đó là cách định giá của họ, trong khi chúng tôi định giá khác.

- Còn cáo buộc trốn thuế thì sao?

- Về thuế, tôi khẳng định công ty không trốn thuế. Asanzo là một công ty còn non trẻ trong ngành sản xuất hàng hóa điện tử. Do đó, việc thiếu sót hoặc chưa hiểu đúng, chưa phù hợp với quy định của pháp luật cũng là điều mà bất kì doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài nào cũng đều có thể mắc phải.

- Nhưng với 47 tỉ đồng bị truy thu và phạt, Cục Thuế TP HCM cho biết tổng số tiền mà Asanzo "trốn thuế" là gần 14 tỉ đồng, trong đó hơn 9,7 tỉ đồng là thuế tiêu thụ đặc biệt và 4,2 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng. Ông giải thích thế nào?

- Trên cơ sở giải trình tại nhiều công văn trước đây, công ty tôi hiểu rằng không thuộc đối tượng phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng máy lạnh mua thành phẩm từ các đối tác. Và trên thực tế, Asanzo đã mua thành phẩm chứ không phải linh kiện từ Công ty Trần Thoàn.

Theo đó, Asanzo đã hỗ trợ Trần Thoàn trong việc gia công và kiểm tra chất lượng hàng hoá phù hợp với các yêu cầu của công ty. Hơn nữa, công ty cũng giới thiệu cho Trần Thoàn đưa hàng hoá, linh kiện cho Công ty VTB gia công, và đã hỗ trợ họ trong việc mượn kho, vận chuyển..., nên khi Trần Thoàn bán hàng hoá thành phẩm cho Asanzo, thì Công ty Trần Thoàn sẽ là chủ thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chứ không phải Asanzo.

Liên quan đến thuế giá trị gia tăng, Asanzo khi mua sản phẩm của một số công ty mà sau đó họ bị khoá mã số thuế nhưng chưa kê khai thuế. Vì vậy, các hoá đơn đầu vào này không được coi là hợp lệ, đều bị cơ quan thuế gạt ra. Do đó, Asanzo phải đóng thuế lại. Điều này là bình thường trong kinh doanh.

Mặt khác, tại thời điểm nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng cũng là lúc Asanzo đang khủng hoảng nghiêm trọng, khi phải liên tục tiếp các đoàn thanh tra thuộc nhiều bộ ngành. Đồng thời, nhân sự kế toán cũng quá tải hoặc nghỉ việc, nên công ty chưa đủ khả năng theo dõi, cập nhật để có đầy đủ số liệu chính xác.

- Vậy Asanzo sẽ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến số tiền truy thu và phạt 47 tỉ đồng của Cục thuế TP HCM như thế nào? 

- Trong quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế, mặc dù chúng tôi cho rằng có một số điểm chưa đồng tình, nhưng với tinh thần tránh thất thoát ngân sách nhà nước, công ty sẽ đồng ý đóng toàn bộ các khoản thuế theo quyết định của cơ quan thuế.

Đến nay, Asanzo đã đóng toàn bộ số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 11,5 tỉ đồng mà Cục thuế nêu trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cùng vài chục triệu đồng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn phải đóng khoảng 35 tỉ đồng là các khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.

- Cục thuế cho rằng hành vi vi phạm của Asanzo có dấu hiệu tội phạm và chuyển sang cơ quan điều tra để xử lí hình sự. Ông nghĩ thế nào về khả năng mình bị truy tố?

- Thời gian qua, các bộ ngành khi vào thanh kiểm tra Asanzo thì gần như vấn đề gì họ cũng chuyển qua đầu mối cuối cùng là công an để điều tra và hình sự hoá. Nhưng công ty tôi không làm sai thì không có gì phải sợ. Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc và giải trình với các cơ quan điều tra nếu có yêu cầu.

Tôi cũng luôn tin rằng chúng tôi không trốn thuế. Và theo các quy định pháp luật hiện hành, nếu công ty sai sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng.


chọn
Một doanh nghiệp sắp lấn biển khoảng 50 ha để làm khu đô thị 11.000 tỷ bên Vịnh Thuận Phước
Dự kiến quý I/2027, CTCP Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước sẽ hoàn thành lấn biển để xây dựng Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng. Dự án này được Kim Long Nam giới thiệu vào năm 2018, theo quy hoạch mới nhất sẽ xây dựng hơn 2.000 căn biệt thự, liền kề và hàng loạt tòa nhà cao tầng.