Cơ quan điều tra đang thụ lí vụ Asanzo

Sau 2 tháng công bố thông tin Asanzo "lừa dối người tiêu dùng", Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ và chuyển hồ sơ vụ Asanzo sang cơ quan điều tra Bộ Công an để thụ lí điều tra.

Tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra hôm nay (3/1), ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), cho biết Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có báo cáo Chính phủ và chuyển hồ sơ vụ Công ty Asanzo sang cơ quan điều tra Bộ Công an để thụ lí.

Ông Thế cho biết vụ việc liên quan Công ty Asanzo rất được Chính phủ quan tâm, và chỉ đạo các lực lượng chức năng làm việc với tinh thần khẩn trương, đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cơ quan điều tra đang thụ lí vụ Asanzo - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra đang thụ lí vụ Asanzo. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Đây cũng là thông tin mới nhất liên quan vụ việc này, kể từ khi Tổng cục Hải quan tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về chống gian lận xuất xứ đối với doanh nghiệp của ông Phạm Văn Tam, hồi cuối tháng 10/2019. 

Tại cuộc họp này, cơ quan Hải quan cho rằng Asanzo đã "lừa dối người tiêu dùng"  quy trình lắp ráp sản phẩm của doanh nghiệp không như quảng cáo. Theo đó, việc lắp ráp TV và các máy móc linh kiện... đều diễn ra trên các bàn thủ công, không phải thực hiện trên dây chuyền hiện đại.

Ngoài ra, Asanzo cũng không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp bán ra thị trường. Linh kiện chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập từ Trung Quốc rồi bán lại cho Asanzo.

"Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%. Do đó, căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm 'made in Vietnam', có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa", cơ quan Hải quan khẳng định.

Đối với dấu hiệu vi phạm về thuế, ông Lại Anh Tuấn - đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng Asanzo có dấu hiệu về trốn thuế, nhưng chưa đủ căn cứ xác định các công ty có phạm tội hay không.

Theo kết luận ngày 23/10, Cục Thuế TP HCM đã xử phạt tổng số tiền thuế truy thu, phạt với Asanzo hơn 47,6 tỉ đồng. 

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Asanzo có 3 hành vi sai phạm. Thứ nhất, để ngoài sổ sách, không xuất hoá đơn giá trị gia tăng nhằm trốn thuế. Asanzo mua linh kiện, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hòa nhiệt độ.

Thứ hai, sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, trong đó ghi thành phẩm điều hòa nhưng là linh kiện. 

Thứ ba, ghi hóa đơn cao hơn, với mục đích trốn thuế. Công ty chủ yếu do người của Asanzo đứng đầu để trốn thuế, hóa đơn cao hơn thực tế. Qua xác minh tài khoản ngân hàng, chuyển thẳng sang vợ ông Phạm Văn Tam.

Cơ quan điều tra đang thụ lí vụ Asanzo - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Tam nhiều lần cho rằng việc Asanzo ghi sản phẩm có xuất xứ Việt Nam là không vi phạm pháp luật. (Ảnh: VnExpress).

Ngày 21/6/2018, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.

Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch, tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".

Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí, trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…

Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này. Ông cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.

Ông Phạm Văn Tam cũng nói doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Theo ông, khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo, thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, trong 11 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện xử lí gần 191.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng, khởi tố 1.864 vụ án với 2.184 đối tượng.

Tuy nhiên, các vụ việc phát hiện, xử lí chủ yếu là vụ việc nhỏ, hầu hết việc xử lí chỉ dừng ở người vận chuyển, mang vác thuê, bày bán… Tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng.

Việc chống buôn lậu và gian lận thương mại đặc biệt được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 vừa diễn ra hôm qua (2/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị năm 2020 phải có chuyển biến quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để mọi mặt đều tiến bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh muốn sản xuất được, muốn thị trường trong nước phát triển thì phải chống buôn lậu, gian lận thương mại tốt.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.