Giữa ồn ào xuất xứ, trốn thuế, Asanzo bất ngờ ra điện thoại giá rẻ mới, nghi vấn giống hệt hàng Trung Quốc?

Chiếc smartphone mới do Asanzo vừa ra mắt có thiết kế tương tự một chiếc điện thoại Ulefone của Trung Quốc. Đại diện Asanzo cho biết hãng hợp tác với một nhà sản xuất khác ở nước ngoài, đồng thời là nhà phân phối chiến lược khu vực Đông Dương của Ulefone.

Giữa tâm bão chú ý của dư luận về nghi vấn thay nhãn mác TV, máy điều hòa từ "Made in China" thành "Made in Vietnam" cùng khẩu hiệu "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" gây tranh cãi, hôm (ngày 14/11), Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã bất ngờ cho ra mắt chiếc smartphone Asanzo 6.

Sự kiện ra mắt sản phẩm mới giữa ồn ào này không có sự tham dự của Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam. Và điểm đáng chú ý là chiếc smartphone mới này bị chỉ ra khá giống mẫu mã của một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.

Nghi vấn điện thoại Asanzo 6 giống  smartphone của hãng Ulefone -Trung Quốc

Asanzo 6 dự kiến lên kệ vào ngày 20/11 tới. Chiếc smartphone được giới thiệu mang thiết kế trẻ trung, có đến "3 camera công nghệ AI", màn hình 6.1 inch… nhưng mức giá chỉ 2,49 triệu đồng. Nếu đặt trước, khách hàng còn được hưởng một loạt ưu đãi khác.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-15 lúc 12

Chiếc điện thoại Asanzo S6 mang thiết kế trẻ trung, có đến "3 camera công nghệ AI", màn hình 6.1 inch… giá 2,49 triệu đồng. (Ảnh: Asanzo).

Hình ảnh chiếc điện thoại thông minh này đã xuất hiện trước đó trên các diễn đàn công nghệ, và tại chính buổi ra mắt sản phẩm, nhiều người nhận ra Asanzo 6 có thiết kế và cấu hình tương tự một chiếc smartphone của Ulefone.

Ulefone là một công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Ông Trương Lê Quốc Tuấn - người phụ trách mảng smartphone của Asanzo, không ngại thừa nhận sự tinh ý của những người am hiểu về thị trường công nghệ.  

Giải thích về nghi vấn này, ông Tuấn nhắc lại biến cố vừa qua của Asanzo. Ông cho rằng 4-5 tháng qua là giai đoạn rất khó khăn của Asanzo, công nhân nghỉ việc rất nhiều và bộ phận nghiên cứu, phát triển mảng điện thoại của công ty phải hủy 3 dự án trước khi cho ra mắt Asanzo 6.

"Phương án tối ưu để có được giá cạnh tranh là chúng tôi hợp tác với một nhà sản xuất khác. Nhà sản xuất này ở nước ngoài, có năng suất sản xuất 5 triệu máy mỗi năm, sản xuất cho rất nhiều thương hiệu khác trong đó có Ulefone", ông Tuấn nói.

Chiếc Ulefone Note 7P (phải) được bán trên một sàn thương mại điện tử, và chiếc Asanzo 6 vừa ra mắt. (Ảnh chụp màn hình).

Với hợp đồng hợp tác cho chiếc smartphone mới, đại diện Asanzo cho hay hãng này đã hỗ trợ về thiết kế, kĩ thuật và gia công sản phẩm. 

Chiếc smartphone Asanzo 6 đưa ra thị trường có thiết kế, cấu hình bán ra thị trường khá tương thích với chiếc Ulefone Note 7P của nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc.

"Asanzo là nhà phân phối chiến lược khu vực Đông Dương của Ulefone"

Tuy nhiên, sau khi được hỏi chiến lược của Asanzo hiện nay như thế nào, khi giá bán Asanzo 6 tương đương chiếc Ulefone Note 7P được rao trên một số sàn thương mại điện tử, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và sản xuất điện thoại của Asanzo lại khẳng định thương hiệu Ulefone, nhất là sản phẩm có thiết kế tương tự Asanzo được bán tại Việt Nam, là "hoàn toàn là không chính thống". 

Ông nói rằng việc bán và phân phối những chiếc điện thoại này theo những ngườikhác thì không thể nắm được hết. 

IMG_8247

Ông Trương Lê Quốc Tuấn tiết lộ Asanzo đang là nhà phân phối chiến lược khu vực Đông Dương của Ulefone. (Ảnh: Phúc Minh).

"Hiện Asanzo và Ulefone đã đạt được đàm phán song phương. Asanzo là nhà phân phối chiến lược khu vực Đông Dương của Ulefone. Đây là các sản phẩm chính thống, bảo hành chính hãng, 30 ngày 1 đổi 1", ông Tuấn nói và cho rằng đây vốn là "một bí mật" nhưng quyết định "bật mí" trong buổi ra mắt Asanzo 6.

Asanzo muốn nội địa hoá hàng điện tử cho người Việt

"Bộ phận moblie đã cảm thấy học hỏi được từ đối tác nước ngoài với sự hướng dẫn, chuyển giao tốt cho Asanzo. Năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi và làm việc, đầu tư nhiều thiết bị hơn nữa", ông Trương Lê Quốc Tuấn khẳng định.

Đại diện Asanzo cho biết trong tương lai, hãng muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có cả các công ty của Mỹ và Hàn Quốc trong việc phát triển các sản phẩm công nghệ, điện tử của Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi về sự kiện ra mắt chiếc smartphone mới, Asanzo cũng khẳng định hãng đang cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, bằng việc lên ý tưởng phát triển sản phẩm và đặt hàng với các hãng ODM uy tín, để bắt kịp xu hướng và cạnh tranh giá với các thương hiệu khác.

Song song đó, doanh nghiệp điện tử của ông Phạm Văn Tam muốn hợp tác với các đối tác Việt cả về phần cứng lẫn phần mềm, để hướng tới nội địa hoá và đưa ra các sản phẩm thuần Việt cho người Việt.

"Các công ty phụ trợ của Việt Nam hiện rất ít, chúng tôi muốn có sự đột phá nhưng khi gõ cửa thì không hợp tác được. Nhiều khi cảm giác thua trên sân nhà rất khó tả. Muốn sản xuất các sản phẩm công nghệ mang tính thuần Việt phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp phụ trợ Việt", ông Tuấn cho biết.