Liên quan đến việc Công ty Asanzo bị nghi ngờ nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác hàng Việt, tại buổi họp báo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: "Đối với những hàng hóa được lưu thông trong nước, đã có Nghị định 43 được soạn thảo.
Trong nghị định sẽ nêu rõ nhiều vấn đề về quy định hàng hóa, bất kể sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu đều phải ghi nhãn. Hiện Bộ Công Thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn "Made in Vietnam" và dự thảo vẫn đang ở giai đoạn đầu. Dự thảo này sẽ ban hành ở cấp thông tư, khi đó sẽ phổ biến rộng rãi đến xin ý kiến người dân".
Theo Bộ Công Thương, dự thảo quy định nhãn 'Made in Vietnam' vẫn đang ở giai đoạn đầu. (Ảnh minh họa).
Về quy tắc xuất xứ hàng hóa, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong các hiệp định thương mại đặt ra yêu cầu xác định tỉ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa, để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa.
Theo đó, quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước của Việt Nam dù mang tính bắt buộc, nhưng để cho doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp, liên quan tới xuất xứ.
"Đối với phương pháp phổ biến nhất là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm và về quy định về xuất xứ hàng hoá chúng ta thực hiện theo các cam kết quốc tế", ông Hải thông tin thêm
Theo ông Hải, tất cả các quy định đó phục vụ cho hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu, không quy định việc dán nhãn.
"Hiện tại, chúng ta chưa có quy định rõ ràng về xác định xuất xứ, tỉ lệ bao nhiêu thì được xác định là hàng hoá xuất sứ ở Việt Nam, hàng hoá sản xuất ở Việt Nam. Bộ Công Thương đang xây dựng một bộ quy định về việc thế nào thì được coi là sản xuất tại Việt Nam, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại", ông Hải nói thêm.
Trước đó,Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, cũng cho biết trên Tuổi Trẻ trong thương mại quốc tế, ở mức cơ bản, các nước chủ yếu áp dụng thuế nhập khẩu tối huệ quốc cho hàng hóa của nhau (thuế MFN - ở Việt Nam được gọi là thuế ưu đãi).
Theo đó, các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không điều chỉnh việc này. Với Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Về diễn biến câu chuyện Asanzo bị nghi vấn nhập hàng Trung Quốc phù phép thành hàng Việt, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin Thủ tướng đã giao giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc.
"Bộ vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ liên quan làm rõ sự việc: "Linh kiện này sản xuất ở Trung Quốc, có ghi Made in China, nhưng khi về Việt Nam doanh nghiệp lại ghi xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Ngày 21/6, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".
Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…
Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này, và cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông nói khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.