Asanzo tổ chức họp báo 'minh oan': Vẫn chỉ có doanh nghiệp phân trần với báo chí và chưa rõ ràng thông điệp được 'minh oan'

Một nội dung khác mà doanh nghiệp này thông báo là luôn luôn muốn được đóng thuế đầy đủ nhất. Ngoài ra, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo gây bất ngờ hơn khi thông tin doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường từ hôm nay, và sắp khai trương nhà máy mới!

Trong thư mời báo chí với nội dung "Asanzo được minh oan", với mục đích công bố một số kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng tại công ty, nhưng tại buổi họp báo do doanh nghiệp tổ chức sáng nay, 17/9, tại Hà Nội, phía Asanzo vẫn chưa đưa ra nội dung khẳng định thông tin doanh nghiệp đã được "giải oan".

Buổi họp báo cũng không có sự tham dự của đại diện các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lí các cáo buộc với Asanzo.  

"89 ngày bị quy chụp, chúng tôi trở về vạch xuất phát"

 Luật sư của Asanzo - ông Trần Đức Hoàng, cho biết các cáo buộc liên quan đến vấn đề nộp thuế thuế của Asanzo chỉ là đồn thổi, và doanh nghiệp luôn mong muốn đóng thuế đầy đủ cho nhà nước.

avatar_1568700415559

Chưa có thông điệp nào rõ ràng khẳng định Asanzo đã được "giải oan". (Ảnh: TP).

Trong khi đó, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo - Phạm Văn Tam cho biết trong gần 3 tháng vừa qua, công ty của ông đã chịu nhiều khó khăn: "Hôm nay là ngày thứ 89 kể từ khi cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên mặt báo". Ông Tam khẳng định, đó là 89 ngày bị quy kết sai trái, gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài với công ty. 

"Với người tiêu dùng, Asanzo là sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống của họ. Với tôi, Asanzo là ước mơ, khát vọng, là sự nghiệp mà tôi theo đuổi suốt 20 năm. Nhưng những tâm huyết ấy đã bị đạp đổ bằng một quy chụp giả mạo nguồn gốc xuất xứ, đẩy chúng tôi vào hành trình 89 ngày bão tố".

"Hệ thống phân phối bị tê liệt, kinh doanh bị đình đốn. Phải mất 20 năm để tích lũy, hiểu nhu cầu thị trường, biết tận dụng lợi thế cạnh tranh của các đối tác để tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình, 20 năm vươn lên thứ 4 thị trường, nhưng chỉ 89 ngày bị quy chụp sai sự thật, chúng tôi đã trở về vạch xuất phát", ông Tam cho biết.

Ông Tam cũng nói trong 89 ngày khủng hoảng, doanh nghiệp đã thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đồng.

"Không có kết luận nào cho thấy Asanzo vi phạm pháp luật mua bán, xuất nhập khẩu, ghi nhãn hàng hóa"

Cũng theo ông Tam, Asanzo đã tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các bộ ngành với tổng cộng 106 cán bộ công chức vào làm việc với doanh nghiệp. Và đến thời điểm hiện tại, các đoàn thanh tra của Bộ ban ngành đã cơ bản kết thúc công việc, Asanzo đã nhận được kết luận của các cơ quan chức năng.

Phía doanh nghiệp tự khẳng định rằng ngoài những thiếu sót về hành chính, không có kết luận nào cho thấy Asanzo vi phạm pháp luật trong việc mua bán, xuất nhập khẩu, ghi nhãn xuất xứ hàng hóa hay các quy định phát luật trong sản xuất và kê khai đóng thuế. 

Cụ thể, ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Asanzo trình bày ba cáo buộc mà công ty đang gặp phải. Ông Hoàng cho rằng Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa khi dẫn báo cáo của Tổng cục Quản lí thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: "Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lí thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa".

asanzo1

Ông Tam cho biết Asanzo đã trải qua 89 ngày bão tố kể từ khi cáo buộc doanh nghiệp này giả xuất xứ hàng hóa xuất hiện trên mặt báo. (Ảnh: ictnews).

Về cáo buộc liên quan đến sai phạm xuất nhập khẩu, ông Hoàng cho biết Cục Kiểm tra sau thông quan kết luận tại thời điểm kiểm tra, chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại một tờ khai xuất khẩu, và 26 tờ khai hải quan nhập khẩu. 

Đại diện của Asanzo cũng tự khẳng định, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận của ngành hải quan với Asanzo và "kết luận này cho thấy Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu".

Đối với cáo buộc liên quan đến slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", Asanzo giải thích, công ty không lừa dối người tiêu dùng. Đại diện doanh nghiệp trình bày, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp đến từ Nhật Bản, và Tập đoàn này đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ...

"Đối chiếu với những cáo buộc của báo chí, thì những văn bản kết luận này cùng với văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo Thủ tướng trước đó, khẳng định một điều rằng: Asanzo không sai", đại diện công ty nhận định.

Đồn thổi về thuế chỉ là... đồn thổi

Ông Hoàng cũng cho biết: "Các đồn thổi về thuế với Asanzo chỉ là... đồn thổi. Đến thời điểm này, công ty đã kê khai và đóng đầy đủ các khoản thuế theo yêu cầu của các cơ quan chức năng". 

"Không những thế, trước đây, chúng tôi đã có một số câu hỏi gửi đến các cơ quan thuế về những băn khoăn của mình. Chúng tôi khẳng định rằng, Asanzo luôn luôn muốn được đóng thuế một cách đầy đủ nhất cho nhà nước Việt Nam".

Khi được hỏi về việc 14 công ty đối tác đã bị cơ quan chức năng kết luận bỏ trốn, Luật sư Trần Đức Hoàng khẳng định; "Chúng tôi và 14 công ty được nhắc đến hoàn toàn không có mối quan hệ nào, ngoại trừ việc mua bán hàng hóa. 14 công ty này không chỉ cung cấp hàng hóa cho Asanzo mà còn cung cấp linh kiện cho các công ty khác".

Điều bất ngờ tại buổi họp báo "minh oan" của doanh nghiệp này là ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết hoạt động kinh doanh của công ty trở lại bình thường bắt đầu từ ngày hôm nay, 17/9, sau hơn nửa tháng tuyên bố tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, vào tháng 10, Asanzo sẽ khai trương nhà máy công suất gấp 4 lần nhà máy hiện tại với khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu sản phẩm/năm đặt ở quận 9, TP HCM. Asanzo hướng đến doanh nghiệp đa ngành, có thêm một nhánh công ty thiết kế phần mềm và sẽ định hướng công ty chuyên ngành điện tử và điện tử thông minh.

Buổi họp báo do Asanzo tổ chức sáng 17/9 diễn ra tại Khách sạn Pan Pacific (Hà Nội) với nội dung "Asanzo được minh oan" rất nhanh chóng, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ và giới hạn mỗi phóng viên chỉ được hỏi 1 câu hỏi.

Buổi họp báo với sự điều hành của ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Asanzo, ông Phạm Ngọc Hưng – Cố vấn và ông Trần Đức Hoàng – Luật sư của Asanzo, không có đại diện của các Bộ, ngành có trách nhiệm kiểm tra các cáo buộc về Asanzo thời gian qua, đặc biệt là Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương.

Nội dung họp báo xoay quanh 3 vấn đề, Asanzo khẳng định không giả xuất xứ hàng hóa, không sai phạm về xuất nhập khẩu và không lừa dối người tiêu dùng.

Tag:
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.