Trần tình chuyện bị tố nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt, ông Phạm Văn Tam: Asanzo không trả lương cho 2.000 công nhân để bóc nhãn, dán tem

Tại buổi nói chuyện chuyên đề "Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo" tại Hà Nội sáng nay, 15/8, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo chia sẻ nhiều thông tin về doanh nghiệp của mình sau "cơn bão" bị tố nhập hàng Trung Quốc về gỡ tem, gắn mác "Made in Vietnam" khiến dư luận dậy sóng suốt 2 tháng qua.

"Tôi tự hào mình là người đi buôn, nhờ đi buôn mà tôi hiểu người dân nghèo cần gì"

Ông Tam bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một bình luận về bản thân: "Có người nói với tôi rằng, ông Tam chỉ là một người đi buôn, không hiểu biết gì về công nghê, điện tử. Tuy nhiên, tôi tự hào rằng mình là một người đi buôn. Vì quá trình buôn bán, trao đổi hàng hóa ở chợ Nhật Tảo (quận 10, TP HCM), và nhất là buôn bán ở khu vực miền Tây, giúp tôi có nhiều kinh nghiệm, từ đó tạo ra sản phẩm của Asanzo ngày hôm nay".

Ông Tam nói tiếp: Khi còn là thanh niên, khoảng 20 tuổi, tôi đã vào Nam lập nghiệp. Quá trình đi buôn bán, tôi rất hiểu người dân ở các vùng quê Việt Nam, nhất là khu vực miền Tây, rằng họ cần gì, nhu cầu họ đến đâu.

Đây là nhóm người tiêu dùng mà tôi vô cùng đau đáu. Dù ở đó vẫn có những thành phố nhỏ, song vùng nông thôn, chợ nổi vẫn còn rất nhiều. Những nơi ấy thiếu thốn điện, Internet. Người dân rất muốn theo dõi truyền hình, cập nhật thông tin xã hội, nhưng không thể tiếp cận, bởi những chiêc TV bình thường luôn sử dụng điện lưới.

"Asanzo ra đời để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên, chứ không phải những khách hàng ở những thành phố lớn, văn minh, hiện đại. Những người lao động sống trên xuồng ghe, không có điện lưới, kết nối mạng, không có gì ngoài trời và nước", Chủ tịch Tập đoàn Asanzo chia sẻ.

1

Chủ tịch Asanzo - ông Phạm Văn Tam khẳng định TV của Asanzo không bắt chước bất kì sản phẩm nào trên thị trường. (Ảnh: Thu Hoài).

Năm 2013, Asanzo ra mắt những dòng TV sử dụng bình ắc-quy. Nhưng đó lại là TV LED, điều mà ông Tam cho rằng "không có hãng nào làm được".

"Asanzo đã tự thiết kế lại tất cả các bo mạch, làm nhỏ lại và không giống sản phẩm của một hãng nào trên toàn cầu. TV của Asanzo không giống TV của các công ty khác, chúng tôi không copy. Nguồn điện Asanzo sử dụng cho sản phẩm đời đầu là 12V cho bình ắc-quy, có thể xem được 4-5 tiếng đồng hồ trên xuồng ghe".

"Năm 2013, có tháng chúng tôi bán hơn 1.000 chiếc TV cho bà con miền Tây. Tôi cũng không mong gì hơn bởi nhu cầu của bà con chỉ có thế", Phạm Văn Tam nói.

Ông Tam thông tin thêm giai đoạn sau, Asanzo tiếp tục phát triển TV của mình ở phân khúc cao cấp hơn, đó là TV giá rẻ sử dụng điện lưới cho khu vực Tây nguyên. Tuy nhiên, khu vực cao nguyên dù có điện lưới nhưng nguồn điện rất thiếu ổn định, chỉ đạt từ 90V-120V, khiến nhiều TV thông thường dễ bị hỏng. Asanzo lại tiếp tục nghiên cứu và cải tiến để sản phẩm phù hợp với khu vực này.

Asanzo có 2.000 công nhân, chúng tôi không trả lương cho từng người để bóc tem và dán nhãn

Đến khi Smart TV ra đời, Asanzo cũng lại thiết kế toàn bộ giao diện của loại TV này. Theo ông Phạm Văn Tam, với chiếc TV phục vụ nhu cầu nghe nhìn bình thường, người dân thông thường chỉ cần 1 cổng HDMI và 1 cổng USB là đủ, không cần nhiều. Cắt giảm được những cổng này giảm được chi phí sản xuất, người dân nghèo không có quá dư giả cũng có thể sử dụng được TV có kết nối Internet, 3G.

"Rất nhiều người hỏi tôi, những sản phẩm TV của Asanzo được đưa ra thị trường sẽ cạnh tranh với những đối thủ nào. Nhưng tôi đưa chúng ra không phải để cạnh tranh với ai, mà chỉ vì một mục đích: cung cấp cho những khách hàng chưa giàu, có thể tiếp cận với TV". Ông Tam nói với tư cách là một người sáng lập doanh nghiệp, ông tâm huyết với từng sản phẩm mà mình làm ra.

"Nói chúng tôi nhập linh kiện Trung Quốc rồi về xé mác, dán nhãn Việt Nam quả thật rất oan uổng. Asanzo có 2.000 công nhân, trong đó có 600 nhân lực lắp ráp. Chúng tôi không trả lương cho từng đầu người chỉ để bóc tem và dán nhãn", Chủ tịch của Asanzo khẳng định.

Những cáo buộc vừa qua khiến doanh nghiệp tổn thất ước 1.000 tỉ đồng

Ông Tam cũng cho biết thêm những cáo buộc mà báo chí đã đăng trong thời gian qua là hoàn toàn sai sự thật, và khiến cho tập đoàn này tổn thất nặng nề.

Tại buổi chia sẻ này, đại diện pháp lí của Asanzo tiết lộ qua làm việc với kế toán công ty, tổn thất mà Asanzo phải chịu đựng sau "tâm bão" vừa qua tạm ước khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đại diện này cũng thông tin hiện một số mặt hàng của công ty trên thị trường đang có 2 nhãn khác nhau, một ghi "Made in Vietnam", một ghi "Made in China". Tuy nhiên, đây là điều bình thường, bởi từ năm 2015 - 2017, công ty tự sản xuất và lắp ráp một số sản phẩm như TV, bình nước nóng, tới đây là điều hòa. Còn năm 2018, công ty có đặt đối tác Trung Quốc để nhập khẩu về Việt Nam. Với các sản phẩm này, công ty vẫn để xuất xứ Trung Quốc. 

"Theo quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa, chúng tôi bắt buộc phải ghi xuất xứ Việt Nam cho các hàng hóa lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam, dù có thể linh kiện được nhập về từ những quốc gia khác nhau, miễn sao sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam với hàm lượng giá trị gia tăng đạt mức quy định. Không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng nhập hàng Trung Quốc về và ghi xuất xứ Việt Nam với TV", ông Tam nói.


Tag:
chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.