Chiều ngày 14/8, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi giải đáp một số thắc mắc của người dân và doanh nghiệp liên quan đến Dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Đại diện của Bộ cho biết không phải đến khi những xung đột, tranh cãi quanh trong thời gian qua về các xác định hàng hóa "Made in Việt Nam", Bộ mới đưa ra thông tư này để giải quyết. Thực tế, Bộ đã làm việc và chủ động đề xuất lên Thủ tướng để được xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này từ tháng 6 năm ngoái.
Dự thảo Thông tư bao gồm một số nội dung chính: các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện; các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam; các quy định khác liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỉ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp); quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện.
Cụ thể, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam khi có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam (theo quy định tại Điều 8 Thông tư).
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa (theo quy định tại Điều 9 của Thông tư). Doanh nghiệp có quyền thể hiện hoặc không thể hiện sản phẩm là hàng Việt Nam trên bao bì.
Đại diện của Bộ cũng khẳng định các doanh nghiệp không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, thí dụ như "Made in Viet Nam" hay "Product of Viet Nam".
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích: "Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Chúng ta là người Việt và không có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với nhau".
Các doanh nghiệp không được quyền thể hiện "Made in Vietnam" trên bao bì sản phẩm để thay thế cho cụm từ "Sản xuất tại Việt Nam". (Ảnh: Tuổi trẻ).
Ông Khánh cũng khẳng định hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kì tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó. Mục đích là để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam.
"Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại", Thứ trưởng thông tin thêm.
Có ý kiến thắc mắc rằng, tại sao trong ASEAN, hàng hóa phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng là 40% mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ, mà tại Thông tư này, chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ cho biết trong Hiệp định Thương mại, hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.
Ví dụ, với RVC 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỉ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.
Với quy định như tại dự thảo Thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Hiệp các khái niệm "Lắp ráp tại Việt Nam", hay "Sản xuất bởi..", hay "Thiết kế tại Việt Nam", hay "Thiết kế bởi.." không được đề cập. Ban soạn thảo đã dự thảo 1 điều khoản đề cập đến các khái niệm này, để giúp doanh nghiệp có thêm các hình thức thể hiện trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng được các tiêu chí để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
"Tuy nhiên, do Điều 15 của Nghị định 43/2017 không cho phép doanh nghiệp được sử dụng các cụm từ này, Thông tư lại là văn bản dưới cấp Nghị định, nên Ban soạn thảo đã phải bỏ điều khoản này ra. Cho tới nay, chúng tôi cũng chưa rõ Bộ Tư pháp có chấp nhận Điều 4 của dự thảo Thông tư hay không, bởi Điều này đưa ra các quy định rộng hơn so với Điều 15 của Nghị định 43/2017", đại diện Bộ Công thương giải thích.
Chính vì thế, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định 43/2017, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là không ghi "xuất xứ Việt Nam".
Bộ cũng đã cân nhắc về vấn đề hình thức văn bản, bởi nó gây ra tranh luận trong quá trình trao đổi về sự cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, giúp xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam.
"Ban soạn thảo nhận thấy nên ban hành ở cấp Nghị định nhưng một số cơ quan khác lại không cho là như vậy. Họ không sai, bởi Nghị định chỉ dùng để hướng dẫn luật trong khi chúng ta lại chưa có luật về thế nào là hàng hóa của Việt Nam. Nếu ban hành Nghị định thì sẽ là một Nghị định 'không đầu', điều không được luật pháp hiện hành cho phép", thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.