Sáng 25/7, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 (về phòng chống tội phạm) và Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết trên thị trường hiện nay có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo xuất xứ, gắn mác “made in Vietnam".
Các đối tượng thường giả mạo xuất xứ đối với thực phẩm, rau củ quả; hàng dệt may; quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em; đồ dùng, thiết bị giáo dục; chất tẩy rửa; hàng gia dụng, điện gia dụng, điện tử; thiết bị xây dựng…
Ông Trần Hữu Linh thông tin các đối tượng ngày càng tinh vi trong việc giả mạo xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: Nhà Đầu Tư).
Về phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ, các đối tượng chủ yếu thay nhãn và xuất xứ của hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm về sang chiết, đóng gói, thay nhãn, để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Đặc biệt, thời gian gần đây có thông tin phản ánh việc một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ đã bị giả mạo thương hiệu như trà, cà phê, nước mắm.
Ông Linh cũng cho biết thực tế vẫn còn tồn tại nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thực phẩm lưu thông trên thị trường bị phát hiện có chứa độc tố, dư lượng hóa chất vượt quá mức cho phép, chứa hóa chất lạ, phụ gia, hóa chất ngoài danh mục, không được phép sử dụng, không bảo đảm an toàn, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Tổng cục trưởng QLTT, hàng hóa được thẩm lậu từ biên giới vào thị trường nội địa, trên bao bì, nhãn mác hàng có ghi dòng chữ "Made in Vietnam". Các đối tượng cũng ngày càng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi làm giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng.
Không chỉ vậy, việc Việt Nam liên tiếp tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) dẫn đến nhiều loại hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi rất thấp đến 0% khiến các đối tượng nảy sinh ý định trốn thuế. Các đối tượng này lợi dụng xuất xứ “Made in Vietnam” để đưa vào thị trường Việt Nam tiêu thụ một phần hoặc đưa đi xuất khẩu ở các thị trường khác.
Ông Linh cho biết Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng triển khai quyết liệt, đồng bộ hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ xuất xứ, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.