Người tiêu dùng đang chọn hàng ‘Made in Vietnam’ theo niềm tin!

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng hiện người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để nhận diện hàng “Made in Vietnam”. Họ phải lựa chọn dùng những sản phẩm theo kinh nghiệm và niềm tin, tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Liên quan nghi án Asanzo nhập khẩu TV, máy lạnh sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thực tế đã có nhiều trường gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Chọn hàng "Made in Vietnam" theo niềm tin!  

Theo Cục Xuất nhập khẩu, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác "Made in Vietnam" để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, hiện nay, hàng hóa nước ngoài xu hướng "mượn" xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi "miễn phí" và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

6483532019215335112803136898883913184182272n-1561208602795924266329

TV Asanzo được bày bán tại các cửa hàng điện máy. (Ảnh: Hương Nguyễn).

Theo cơ quan chức năng, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, về khía cạnh người tiêu dùng, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng do chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng hiện nay không có căn cứ để phân biệt.

Vì vậy, họ đang sử dụng các sản phẩm có mác "Made in Vietnam" chủ yếu theo niềm tin của bản thân, trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Việc ghi nhãn 'Made in Vietnam' nên để doanh nghiệp tự nguyện

Từ nghi án Asanzo và hàng loạt vụ gian lận thương mại khác, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng điều này đặt ra các yêu cầu cấp bách trong việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là quy định về xuất xứ hàng hóa.

Theo đơn vị thuộc Bộ Công Thương, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện chưa quy định việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế, nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lí và thương hiệu, mà chưa đề cập vấn đề "Made in Viet Nam".

64840661_10219535073993314_7518414876704768000_n

Mới đây, cư dân mạng phát hiện một chiếc nồi cơm điện ghi "xuất xứ Trung Quốc" nhưng được công nhận HVNCLL. (Ảnh chụp màn hình).

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Nghị định này chỉ quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu, nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định này về nhãn hàng hoá. Dự thảo hướng dẫn chi tiết các quy định về phân biệt bao bì thương phẩm, vị trí nhãn, ngôn ngữ, xuất xứ, thành phần và cách ghi các nội dung đó.

Trong khi đó, Thông tư 05/2018/TT-BCT đã quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam, nhưng Thông tư này chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất, nên khái niệm "hàng hóa Việt Nam" có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. 

Thứ nhất, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam. Thứ ba, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. 

Các khái niệm này có nghĩa khác nhưng thường bị nhẫm lẫn.

Về đề xuất hoàn thiện khung pháp lí quy định cách ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng đây là điều cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lí với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. 

qdasanzophamvantam17-3read-only-15613381171431961805963

Asanzo vướng nghi vấn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Cục cho rằng trước mắt, nên áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. 

Tuy nhiên, khi ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam thì hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí, và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. 

Trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Cục này cho rằng mục đích của việc để doanh nghiệp tự nguyện ghi nhãn sản xuất là để dần được hình thành nhận thức trong xã hội. Từ đó, cơ quan quản lí sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ, để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an vào cuộc vụ Asanzo

Liên quan nghi án Asanzo "phù phép" linh kiện, hàng Trung Quốc thành sản phẩm "Made in Việt Nam" rồi bán trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ vi phạm để xử lí nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại việc thực hiện quản lí nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ khẩn trương thực hiện, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.