Sự thật về Asanzo sau nghi vấn nhập linh kiện Trung Quốc, thay slogan 'Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản'?

Chỉ 6 năm có mặt trên thị trường, Asanzo từ một doanh nghiệp không tên tuổi đã nhanh chóng đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 44%, là nhãn hàng điện tử, điện gia dụng với sản phẩm TV đứng thứ 4 trên thị trường.

Asanzo từng được cho là đã có bước phát triển "thần tốc" chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường cho đến khi dính nghi vấn doanh nghiệp không sản xuất mà nhập toàn bộ linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về Việt Nam, tháo nhãn "Made in China" rồi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, tung ra thị trường với khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Việt Nam". 

Asanzo còn được gọi là một trong tập đoàn điện tử hàng đầu cả nước.

Không tên tuổi bỗng phất lên thành tập đoàn điện tử hàng đầu

Năm 2013, ông Phạm Văn Tam đầu tư 20 triệu USD vào dây chuyền lắp ráp TV. Đây cũng được xem là dây chuyền và nhà máy đầu tiên của Asanzo. Một năm sau, thương hiệu TV Asanzo của ông Phạm Văn Tam chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.

photo-2-15611733718981283324157

Asanzo vướng nghi vấn nhập toàn bộ linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về Việt Nam, tháo nhãn "Made in China" rồi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, tung ra thị trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Song song với mặt hàng TV, Asanzo nhanh chóng mở rộng với các sản phẩm thuộc ngành hàng đồ điện gia dụng như bàn ủi, máy xay sinh tố, lò vi sóng, nồi cơm điện…

Tháng 2/2016, doanh nghiệp gắn với khẩu hiệu "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" này tiếp tục tung ra thị trường sản phẩm điện lạnh, gồm máy lạnh và quạt làm mát. Với một thương hiệu còn non trẻ so với hàng loạt ông lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng CEO Asanzo cũng từng cho biết sản phẩm máy lạnh của hãng thường xuyên bị "cháy hàng", nhất là vào mùa nóng cao điểm.

Một năm sau khi ra mắt máy lạnh, công ty này tiếp tục ra mắt điện thoại thông minh khi nhận thấy tiềm năng của thị trường này. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh smartphone lại kém khả quan hơn so với hàng điện tử và điện lạnh. CEO Phạm Văn Tam từng chia sẻ đã đốt 100 tỉ đồng vào điện thoại, nhưng sản phẩm này của hãng "không bật lên được". Hiện điện thoại cũng được Asanzo đặt hàng lắp ráp chứ không phải sản xuất.

Theo thông tin giới thiệu, Asanzo đang vận hành 7 nhà máy với hơn 2.000 công nhân. Mới đây, doanh nghiệp vừa khánh thành một nhà máy mới tại Khu công nghệ cao (quận 9, TP HCM), với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Tổng dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng mà Asanzo đang kinh doanh vượt con số 70.

Đi kèm với tên tuổi thương hiệu, độ phủ về điểm bán của Asanzo cũng rất khủng, với 15.000 điểm bán, 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-22 lúc 16

Doanh trung bình hàng năm của Asanzo luôn tăng trưởng trên 40%. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Như vậy, chỉ sau 6 năm xuất hiện trên thị trường, từ một doanh nghiệp non trẻ, Asanzo mau chóng phất lên thành một tập đoàn điện tử với quy mô hàng đầu.

Thậm chí, với công suất tối đa của các nhà máy đạt 4 triệu sản phẩm/năm, CEO Phạm Văn Tam còn tiếp tục muốn nâng cao công suất để xuất khẩu sản phẩm đi một số nước trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào…

Kết quả kinh doanh của Asanzo ra sao?

Song song với sự lớn mạnh về thương hiệu, kết quả kinh doanh của Asanzo cũng rất khả quan kể từ khi bắt đầu có mặt trên thị trường. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đều trên 44%.

Năm 2014, thời điểm Asanzo chính thức ra mắt với lô TV đầu tiên, tập đoàn ghi nhận 670 tỉ đồng. Dù còn mới mẻ và có hàng loạt ông lớn đồ điện tử Hàn Quốc, Nhật Bản ồ ạt đổ vào, nhưng kết thúc năm 2015, doanh thu của Asanzo đã tăng gấp 2,3 lần, đạt 1.584 tỉ đồng.

Năm 2017, Asanzo ghi nhận tổng doanh số đạt 4.620 tỉ. Năm 2018, doanh nghiệp báo doanh thu đạt 6.250 tỉ đồng.

Đáng chú ý, năm 2019, Asanzo định hướng giữ "phong độ" phát triển cả về quy mô, doanh thu lẫn số lượng sản phẩm. Cụ thể, mục tiêu đạt 10.000 tỉ đồng doanh thu, mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và thế giới.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-22 lúc 16

TV là mặt hàng chủ lực mang lại doanh thu nhiều nhất cho Asanzo. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Đóng góp chủ yếu vào doanh thu "khủng" của Asanzo là mặt hàng chủ lực TV - mặt hàng mà ông Phạm Văn Tam bắt đầu từ những ngày khởi nghiệp. 

Cụ thể, năm 2014, Asanzo bán được 122.00 chiếc TV. Sang năm 2015, con số này tăng gấp đôi lên 255.000 chiếc. Năm 2016, số lượng sản phẩm bán ra lại tiếp tục tăng trưởng ấn tượng lên 500.000 chiếc, trong tổng số 3,5 triệu chiếc TV được bán ra.

Năm 2017, hãng đã bán được 710.000 chiếc tivi, doanh thu do TV mang lại đạt 4.200 tỉ đồng, chiếm 91% tổng doanh thu. Ông Phạm Văn Tam cho biết Asanzo có kế hoạch phát huy thế mạnh ở sản phẩm điện tử này, đồng thời, muốn tiếp tục vươn lên và mở rộng hơn nữa ở ngành hàng điện lạnh.

Vì đâu Asanzo có doanh thu khủng?

Từ một doanh nghiệp về điện tử, công nghệ còn non trẻ, mới có mặt trên thị trường nhưng Asanzo đã nhanh chóng định vị được thương hiệu của mình, thậm chí với tỉ lệ sản phẩm được tiêu thụ tốt hàng đầu thị trường, nguyên nhân một phần đến từ chiến thuật hàng điện tử giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại nông thôn.

"Chúng tôi không cạnh tranh mà lấp đầy những khe hẹp của thị trường, nơi các nhà sản xuất lớn không thể thu mình lại để đáp ứng khách hàng", Phạm Văn Tam từng nói.

asanzo-1-15611659085651832509810

CEO Phạm Văn Tam cho rằng Asanzo đi tìm thị trường ngách ở các nông thôn thay vì đô thị. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Tam nhiều lần chia sẻ với truyền thông về bước ngoặc khiến ông chuyển từ buôn bán TV nguyên chiếc và linh kiện hơn chục năm sang thành lập doanh nghiệp chuyên về mặt hàng điện tử này.

Theo ông Tam, giai đoạn 2012-2013, nhiều tên tuổi lớn về hàng điện tử, công nghệ như Samsung, LG, Sony ồ ạt tấn công vào Việt Nam, khiến nhiều thương hiệu TV Việt chuyên nhập linh kiện phải lao đao và dần biến mất trên thị trường. 

Ngay thời điểm này, ông quyết định đầu tư vào các sản phẩm TV được định danh là thương hiệu của người Việt rẻ hơn so với các ông lớn khác, và tập trung vào thị trường ngách bình dân hơn, thay vì "miếng bánh" mà các đại gia ngoại cùng nhau tranh phần.

CEO Phạm Văn Tam: Asanzo phát triển chưa phải quá nhanh

Chiến thuật của CEO Phạm Văn Tam đánh chủ yếu vào nông thôn và cho rằng đầu những năm 2010, đa số người dân sống ở nông thôn vẫn chưa có nhu cầu nhiều ở những chiếc TV màn hình lớn.

Vì vậy, ông "may đo" chiếc TV của mình cho phù hợp với nhu cầu của người nông dân, bởi ông cho rằng nhiều chức năng của một chiếc TV hiện đại mà người dùng không bao giờ đụng đến. Việc này giúp tiết kiệm chi phí, khiến dòng sản phẩm Asanzo so với các thương hiệu khác trên thị trường rẻ hơn từ 1 đến vài triệu đồng.

Asanzo hiện nay tự tin ở việc cung cấp sản phẩm TV cho khu vực nông thôn, khi nắm phần lớn thị phần, và vẫn tiếp tục muốn mở rộng hơn ở phân khúc này.

1_2

"Tôi làm hàng công nghệ, trong 10 năm quy mô chỉ mới như hiện nay là không phải nhanh", CEO Phạm Văn Tam cho biết. (Ảnh: Zing).

"Tôi làm hàng công nghệ, trong 10 năm quy mô chỉ mới như hiện nay là không phải nhanh. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp công nghệ khác họ chỉ cần một vài năm là phát triển rực rỡ rồi", ông Tam từng khẳng định và cho biết sẽ đáp ứng cả nhu cầu của nhóm khách hàng cao cấp trong tương lai.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh, mục tiêu của Asanzo vẫn còn là một ẩn số trước nghi vấn nhập toàn bộ linh kiện từ Trung Quốc về nước, rồi bóc tem "Made in China" để lắp ráp thành sản phẩm đưa ra thị trường với khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". 

CEO Phạm Văn Tam thoái gần hết vốn tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo

Công ty CP Tập đoàn Asanzo được đăng kí thành lập doanh nghiệp vào tháng 10/2016, theo Cổng thông tin Quốc gia đăng kí doanh nghiệp. Thời điểm đó, tập đoàn được thành lập với vốn điều lệ 100 tỉ đồng.

Người nắm phần lớn vốn tại Asanzo khi thành lập là ông Phạm Văn Tam, sở hữu 90% vốn, tương đương 90 tỉ đồng. Phần còn lại thuộc sở hữu của 5 cổ đông khác.

Tuy nhiên, tháng 7/2017, CEO Phạm Văn Tam đã giảm tỉ lệ sở hữu của mình tại Tập đoàn Asanzo từ 90% xuống còn 1%. Ngoài ra, các cổ đông là tổ chức khác tại Tập đoàn này là Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn.

Hiện vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn Asanzo vẫn giữ nguyên 100 tỉ nhưng nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn sở hữu 7%.