Lắp ráp tivi tại Nhà máy Asanzo trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP HCM.
Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam công bố các sản phẩm nhãn hiệu Asanzo đang "làm mưa làm gió" trên thị trường là hàng Việt. Tuy nhiên, điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam!
Video điều tra: Nhập hàng Trung Quốc về ghi xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng.
Cuối năm 2018, hải quan phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, Tuổi Trẻ đã vào cuộc và những bất thường của Asanzo dần hé lộ.
Lần theo đường đi của hàng trăm container từ Trung Quốc về các nhà máy Asanzo ở Việt Nam, chúng tôi đã lật tẩy chiêu trò "thay tên đổi họ" nhằm xóa dấu vết hàng Trung Quốc trước khi đến tay người tiêu dùng Việt.
Họ kêu tôi nộp chứng minh nhân dân để làm thẻ ATM nhưng họ lại lấy đi mở công ty. Sau khi tôi biết mình đứng tên giám đốc công ty và đang bị hải quan bắt hàng, vợ chồng tôi sợ quá nghỉ việc về quê luôn.
Chị Q. (từng là công nhân Asanzo)
Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam được cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" năm 2017, ngành hàng điện tử gia dụng. Trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".
Nhiều năm qua, cũng như người tiêu dùng Việt Nam, chúng tôi cũng tin Asanzo là hàng Việt thật.
Thế nhưng đến tháng 8-2018, một nguồn tin cho biết nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập "nguyên con" từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào.
(Đồ họa: N.Thanh).
Vào cuộc điều tra, chúng tôi nắm được tin có khá nhiều công ty nhập hàng Asanzo từ Trung Quốc. Lập tức chúng tôi chuyển thông tin này cho cơ quan chức năng TP.HCM.
Ngày 7-9-2018, Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 chứa linh kiện lò nướng điện nhập từ Trung Quốc tại cảng IDC Phước Long. Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (Công ty Sa Huỳnh) là chủ lô hàng này.
Sự thật vỡ lở: hồ sơ thông quan thể hiện Công ty Sa Huỳnh tự khai hàng hóa trong container là linh kiện của lò nướng thủy tinh gồm: 970 nắp đậy bằng nhựa, 940 chậu lò nướng bằng thủy tinh, 1.180 thiết bị đếm thời gian của lò nướng. Xuất xứ hàng hóa: Trung Quốc.
Tuy nhiên, mở container kiểm tra, hải quan phát hiện toàn bộ hàng bên trong là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo.
Đặc biệt, trong thùng cactông đựng lò nướng còn có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035.
Mặc dù hồ sơ hải quan thể hiện hàng hóa có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, nhưng toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có thông tin về xuất xứ.
Nhận thấy Công ty Sa Huỳnh có biểu hiện gian dối, chúng tôi đi tìm lãnh đạo công ty này để xác minh thêm.
Lần theo địa chỉ công ty này đăng kí trên giấy phép tại số 861/27/39 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM, chúng tôi mất nhiều ngày trời vẫn không tìm thấy. Chúng tôi quyết định ghé công an phường hỏi thăm thì được cho biết trên địa bàn không tồn tại địa chỉ này!
Các công nhân tại nhà máy Asanzo Vĩnh Lộc đang xuống hàng là tấm panel LCD và linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc.
Công ty Sa Huỳnh ở đâu ra?
Từ manh mối mỏng manh trên giấy đăng kí kinh doanh, chúng tôi tìm được tên giám đốc công ty là H.T.S.Q. (quê huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Một ngày đầu tháng 2/2019, chúng tôi đi Sóc Trăng tìm chị Q..
Tại đây, từ lời kể của chị Q., một sự thật khác được hé lộ: vào tháng 6/2018, vợ chồng chị Q. lên TP.HCM làm công nhân trong nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc.
Công việc của chị là khui thùng cactông lấy ốp lưng tivi nhập khẩu phân loại, chuyển cho bộ phận lắp ráp. Chồng chị làm phụ xe chở hàng thành phẩm Asanzo đi giao ở các tỉnh.
Giọng chị Q. đầy lo lắng: "Khi mới vô làm, công ty nói giấy chứng minh nhân dân (CMND) photo của tôi bị mờ nên họ kêu tôi phải đưa bản chính để làm thẻ ATM trả lương. Hai ngày sau họ trả lại.
Ngày 24/9/2018, một người tên Kiều gọi tôi lên văn phòng nói rằng trước đây có mượn CMND của tôi để nhập hàng nhưng bị hải quan giữ lại. Họ nhờ tôi ra hải quan kí tên, nộp phạt lấy hàng về rồi sẽ phụ cấp tiền cho tôi.
Do tôi không mở công ty, không làm giám đốc, không nhập hàng gì nên không đồng ý. Hôm sau, vợ chồng tôi sợ quá nên nghỉ việc về quê luôn.
Chị Kiều nhiều lần gọi điện năn nỉ tôi lên làm lại và ra hải quan giải quyết lô hàng bị giữ nhưng tôi không đồng ý. Tôi về quê từ đó đến nay luôn".
Ngày 5/10/2018, Công ty Sa Huỳnh thay đổi người đại diện pháp luật là ông Trương Ngọc Liêm. Chị Q. nói không hề kí bất cứ giấy tờ gì của Công ty Sa Huỳnh, nên việc công ty này thay đổi được người đại diện pháp luật là điều rất lạ.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Liêm thừa nhận nhóm của ông có mượn CMND của chị Q. để đăng kí doanh nghiệp và đăng kí tên chị Q. làm giám đốc. Các chữ kí của chị Q. trong chứng từ bộ hồ sơ là do một người trong nhóm của ông kí giả.
Đồ họa: N.THÀNH
Nhiều công ty "ma" nhập hàng Asanzo từ Trung Quốc
Sau nhiều tháng điều tra, phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện không chỉ Công ty Sa Huỳnh, mà từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc.
Ngoài ra, còn một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp tivi, máy lạnh, điện thoại...
Cụ thể, lô hàng có nhãn hiệu Asanzo đầu tiên về Việt Nam vào ngày 25/6/2014 với 1.335 panel LCD dùng lắp ráp tivi 32 và 40 inch, do Công ty TNHH điện gia dụng Su Po nhập.
Tháng 8 và tháng 10/2014, công ty này còn nhập hơn 1.630 tấm panel LCD từ Công ty Hong Kong Konka (Trung Quốc).
Cũng trong năm 2014, Công ty TNHH điện tử Bảo Ngọc nhập hàng trăm tấm panel LCD từ Công ty Hong Kong Konka. Mặc dù là hàng mới 100% nhưng theo hồ sơ hải quan, số linh kiện này là hàng lỗi model có giá chỉ 17 - 30 USD/tấm.
5h ngày 20-4, container CAIU7080... đến nhà máy Asanzo tại KCN Tân Bình. 8h xuống hàng. Hàng trong container là nồi cơm điện và ấm đun nước Asanzo do Công ty Phương Nguyên nhập từ Trung Quốc.
Cũng theo điều tra của chúng tôi, từ năm 2016 đến nay xuất hiện hàng loạt công ty như: Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật... không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng... từ Trung Quốc.
Và có một điểm rất giống Công ty Sa Huỳnh, đó là hầu hết công ty này đều sử dụng địa chỉ "ma".
Đáng chú ý, có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cũng trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu này từ Trung Quốc.
Cụ thể, ngày 9-12-2016, Công ty TNHH truyền thông Asanzo nhập hơn 3.000 máy xay sinh tố từ Công ty Winstar Electrical Enterprise (Quảng Đông, Trung Quốc).
Một tuần sau, công ty này tiếp tục thông quan 2.056 lẩu điện mới 100% từ Công ty Guangdong Zhanjiang Household Electric.
Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, công ty này nhập hơn 8.000 sản phẩm gồm nồi cơm, bình thủy, ấm nước điện... do các công ty Guangdong Mibao, Shenzhen Guangyulong của Trung Quốc cung cấp.
Còn Công ty TNHH điện lạnh Asanzo có ít nhất hai đợt nhập hơn 1.000 máy xay sinh tố Asanzo model BL-300 và 1.964 bình thủy điện nguyên chiếc từ Công ty Huizhou Kaini Industrial.
Trong năm 2018 và 2019, Công ty CP tập đoàn Asanzo cũng nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu từ Trung Quốc.
Asanzo thay đổi xuất xứ hàng hóa
Công nhân nhà máy Asanzo (KCN Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân, TP.HCM) gỡ tem "made in China" để xóa dấu vết hàng Trung Quốc.
Theo điều tra của chúng tôi, tất cả các lô hàng đồ điện gia dụng nhãn hiệu Asanzo mà 19 công ty nhập về Việt Nam đều có C/O form E, do cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cấp.
Khi làm thủ tục thông quan, các công ty nhập khẩu cũng khai báo xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng tôi thu thập rất nhiều chứng cứ cho thấy các sản phẩm Asanzo bán trên thị trường lại ghi "xuất xứ: Việt Nam". Sản phẩm điện gia dụng Asanzo đã được bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017"!
Thêm bằng chứng khác cho thấy Asanzo xác định đồ điện gia dụng của mình có "xuất xứ Việt Nam" thay vì phải ghi xuất xứ Trung Quốc.
Ngày 17-1-2018 và 25-9-2018, một công ty đóng ở KCN Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) xuất sang Lào hai đợt hàng tổng cộng 560 ấm đun nước Asanzo model SK1800, hồ sơ hải quan thể hiện đây là hàng mới 100%, xuất xứ Việt Nam.
Không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường. Quy trình họ làm như thế nào?
Đón đọc kì sau: Gỡ tem "made in China" xóa dấu vết hàng Trung Quốc.
Kinh doanh 14:17 | 06/01/2020
Tiêu dùng 16:57 | 03/01/2020
Kinh doanh 14:02 | 17/11/2019
Kinh doanh 21:04 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:26 | 25/10/2019
Kinh doanh 10:25 | 24/10/2019
Kinh doanh 09:35 | 24/10/2019
Kinh doanh 21:10 | 02/10/2019