Ngoài việc là CEO của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, hiện ông Phạm Văn Tam còn góp vốn tại một số công ty khác có cùng "họ" Asanzo. Các công ty này kinh doanh đa ngành, từ hàng điện tử, thực phẩm đến truyền thông. Đáng chú ý, chỉ sau vài năm là chủ sở hữu, ông Tam thoái gần như sạch vốn khỏi các công ty này.
Từ một doanh nghiệp không tên tuổi bỗng nổi lên thành một thương hiệu đồ điện tử bình dân chuyên về TV, điện lạnh, chỉ sau 6 năm có mặt trên thị trường, Asanzo nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến.
Công ty CP Tập đoàn Asanzo là doanh nghiệp hiện nay chuyên phân phối chính các mặt hàng từ điện tử, điện lạnh và đồ điện gia dụng của Asanzo.
Ngoài Công ty CP Tập đoàn Asanzo, còn có một loạt công ty khác cũng mang "họ" Asanzo. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Công ty này được đăng kí thành lập vào tháng 10/2016 với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Thời điểm mới thành lập, ông Phạm Văn Tam chính là người đại diện pháp luật của công ty.
Tuy nhiên, theo thông tin tra cứu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, còn một loạt gần chục công ty khác cũng có dấu hiệu "họ hàng" với Asanzo, thông qua tên đăng kí, ngành nghề kinh doanh và người đại diện pháp luật.
Cụ thể, hai công ty khác hiện ông Phạm Văn Tam vẫn còn góp vốn sở hữu là Công ty CP Truyền thông Asanzo, được thành lập ngày 24/9/2014, do bà Nguyễn Thị Ý Nhi là người đại diện pháp luật.
Trụ sở đăng kí công ty này trùng địa chỉ trụ sở của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, tại tòa nhà Flemington Tower (quận 11, TP HCM). Đáng chú ý, tên công ty chuyên về truyền thông nhưng ngành nghề chính đăng kí kinh doanh là bán buôn thực phẩm!
Ngoài ra, Công ty CP Công nghệ cao Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm người đại diện pháp luật cũng vừa mới được thành lập vào đầu năm 2019.
Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp cho kết quả khoảng chục công ty có "họ" Asanzo. (Ảnh chụp màn hình).
Ngoài 3 doanh nghiệp chính, còn có một loạt các công ty khác cũng được gắn mác "Asanzo".
Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam với địa chỉ trụ sở nằm tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP HCM) được thành lập năm 2014, với ngành nghề kinh doanh chính là các mặt hàng đồ điện tử và đồ điện gia dụng của Asanzo.
Công ty CP Tập đoàn Asanzo còn góp vốn, sáng lập nên nhiều công ty khác, như Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo và Công ty CP Viễn thông Asanzo.
Tỉ lệ góp vốn ban đầu của Asanzo vào các công ty này của Asanzo luôn ở mức rất cao, lên đến 90%.
Một số công ty khác có địa chỉ trụ sở nằm ngoài TP HCM, như Hải Dương, Long An cũng có "họ hàng" với Asanzo mới được thành lập từ năm 2017 đến nay.
Tuy có rất nhiều công ty là "họ hàng" với Asanzo, nhưng CEO Phạm Văn Tam hiện chỉ nắm quyền sở hữu tại một vài công ty chính. Đáng chú ý, gần đây, ông Tam liên tục thoái vốn gần như hết sạch tại "tổng hành dinh" Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Cụ thể, ở thời điểm thành lập Công ty CP Tập đoàn Asanzo năm 2016, ông Tam góp 90% vốn, tương đương 90 tỉ đồng. Số còn lại thuộc về 5 cổ đông khác là Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam và các cá nhân Phạm Xuân Tình, Phạm Văn Toán và Phạm Thị The. Mỗi cá nhân sở hữu 2%.
CEO Phạm Văn Tam đã thoái gần sạch vốn tại "tổng hành dinh" Asanzo. (Ảnh: Zing).
Tuy nhiên, tháng 7/2017, CEO Phạm Văn Tam đã gần như thoái sạch vốn, từ 90% xuống còn 1%, dù vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn Asanzo hiện vẫn giữ nguyên 100 tỉ đồng. Như vậy, CEO Phạm Văn Tam chỉ còn góp khoảng 1 tỉ đồng tại đây.
Ngoài ra, người đại diện pháp luật của "tổng hành dinh" Asanzo cũng được chuyển đổi cho pháp nhân Phạm Xuân Tình.
Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí Asanzo chuyên bán buôn thực phẩm, ông Tam đang nắm 80% vốn. Tháng 9/2018, công ty này đã tăng mạnh vốn từ 200 triệu lên 50 tỉ đồng.
Tại doanh nghiệp mới nhất được thành lập là Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, có 3 cổ đông là Phạm Văn Tam, Dương Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị Ý Nhi. Công ty này có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, đặt tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM).
Có thể nói, đây là các doanh nghiệp mà ông Tam còn góp vốn sở hữu. Trước đó, CEO này đã gần như thoái sạch vốn khỏi các công ty "họ hàng" như tại Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo.
Trước nghi vấn nhiều công ty "ma" không có địa chỉ trụ sở thực hoặc lãnh đạo các công ty này cũng là "ảo", chuyên nhập linh kiện Asanzo từ Trung Quốc về nước, ông Phạm Văn Tam trả lời báo chí cho rằng do doanh nghiệp phát triển quá nhanh, vì vậy, để tận dụng được nguồn lực của các nhà cung cấp mà Asanzo không nắm rõ được hết về các công ty này.
Đồng thời, ông cũng cho rằng hiện nhãn hiệu Asanzo được nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng. Vì vậy, có thể các công ty này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại Việt Nam.
"Chủ trương của tôi là làm sao có được nhiều nhà cung cấp, tận dụng được nguồn lực của họ. Tôi sai sót là không nắm rõ nhà cung cấp, họ làm gì sai, họ chịu trách nhiệm", ông Phạm Văn Tam trả lời Tuổi Trẻ.
Kinh doanh 14:17 | 06/01/2020
Tiêu dùng 16:57 | 03/01/2020
Kinh doanh 14:02 | 17/11/2019
Kinh doanh 21:04 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:26 | 25/10/2019
Kinh doanh 10:25 | 24/10/2019
Kinh doanh 09:35 | 24/10/2019
Kinh doanh 21:10 | 02/10/2019