Asanzo bị nghi nhập hàng Trung Quốc phù phép thành hàng Việt, bà Vũ Kim Hạnh trần tình về danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định Hội hoạt động không phụ thuộc ngân sách nhà nước, Hội cũng không “bán” danh hiệu này. Bà cho rằng với sự bất cập quản lí, có thể còn nhiều doanh nghiệp như Asanzo - được trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng chưa bị phát hiện.

Ngay sau loạt bài điều tra Asanzo nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về Việt Nam rồi xoá nhãn "Made in China", lắp ráp thành sản phẩm đưa ra thị trường với khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" của Tuổi Trẻ, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), bà Vũ Kim Hạnh,  khẳng định hội này đã tước danh hiệu HVNCLC của Asanzo mà hội từng trao.

hanh

Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã tước danh hiệu của Asanzo sau nghi vấn nhập linh kiện Trung Quốc, xoá mác rồi lắp ráp bán tại Việt Nam. (Ảnh: Zing).

Chiều nay (23/6), bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, đã có bài chia sẻ dài công khai trên Facebook cá nhân về vụ việc, cũng như quy trình để được công nhận HVNCLC.

Bà Vũ Kim Hạnh: Còn nhiều doanh nghiệp như Asanzo chưa bị phát hiện

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC Vũ Kim Hạnh cho biết để được công nhận danh hiệu này, Hội đã thực hiện điều tra trực tiếp từ người tiêu dùng, chủ các tiệm bán lẻ, và một tỉ lệ nhỏ số phiếu điều tra được thực hiện online. 

Phiếu điều tra chủ yếu tập trung lựa chọn của người tiêu dùng về sản phẩm có chất lượng cao của từng ngành, sau đó mới đến các yếu tố về giá, mẫu mã, uy tín thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối.

Sau khi công bố rộng rãi sơ bộ trên các báo lần 1, danh sách doanh nghiệp được bình chọn tiếp tục được gửi về các địa phương, chờ thông tin phản hồi từ cơ quan quản lí địa phương về tình hình tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Hội cũng thu thập thông tin từ báo đài, đặc biệt là các khiếu nại của người tiêu dùng.

"Với quy trình cố định này, năm nào kết quả (2 lần) cũng được đăng công khai rộng rãi trên báo và các trang web của hội. Khi công bố 2 lần danh sách, chúng tôi đều nói rõ cách tiến hành khảo sát, số liệu liên quan cuộc khảo sát và toàn bộ dữ liệu của cả hai giai đoạn cuộc điều tra, đến nay đều còn lưu giữ đầy đủ", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

httoadam2-1508402934124

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng trường hợp Asanzo, cơ quan chức năng không phát hiện làm ăn gian dối, báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về việc xét danh hiệu. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng nói thêm có doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn nhưng không có nhu cầu tham gia, thì có quyền không nộp hồ sơ của doanh nghiệp.

"Trường hợp Asanzo, quá trình minh bạch thêm là ở bước 2, cơ quan chức năng không phát hiện doanh nghiệp làm ăn gian dối, báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về Asanzo, và đó là sự thực đã diễn ra vào thời điểm của cuộc điều tra", bà Hạnh cho biết.

Liên quan vụ việc của Asanzo, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cũng cho rằng thực tế tình hình quản lí gian lận thương mại của nhà nước chưa bao quát hết, và việc thực thi trên cả nước cũng chưa nghiêm. 

Các cơ quan đã quản lí lỏng lẻo để cho doanh nghiệp làm ăn gian lận tung hoành lâu dài.

"Nếu cơ quan quản lí bất cập như vậy thì hiện nay, vẫn đang diễn ra một thực tế mà doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam rất lo âu, là sẽ còn không ít doanh nghiệp hành xử như Asanzo, nhưng quy mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào và chưa được phát hiện", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.

"Dư luận cho rằng doanh nghiệp phải đóng tiền để nhận danh hiệu là sai"

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC Vũ Kim Hạnh nói việc bình chọn HVNCLC là do người tiêu dùng bình chọn.

Đây là hoạt động hàng năm của tổ chức tư nhân này, và là hoạt động phi lợi nhuận nhằm xác lập danh sách doanh nghiệp được người tiêu dùng tin cậy. Theo bà, mục tiêu này là để khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt. 

Đồng thời, bà Hạnh cũng nhiều lần khẳng định Hội hoạt động không nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước, chi phí cho cuộc bình chọn suốt 23 năm qua cũng do Hội tự lo liệu. Và danh sách cũng được công bố đúng hẹn suốt hàng chục năm qua.

cong-nhan-nha-may-asanzo-23062019-2read-only-15612551360281695809403

Asanzo vướng nghi vấn nhập linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, xoá nhãn "Made in China", lắp ráp thành sản phẩm đưa ra thị trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Theo bà Hạnh, việc bình chọn được thực hiện trên cơ sở pháp lí là: quy trình xác lập được trình cho Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công Nghệ và sau thời gian dài xem xét thì Cục này thông qua và cấp cho Hội quyền chủ sở hữu "Nhãn hiệu Chứng Nhận" HVNCLC, để trao lại cho doanh nghiệp.

"Dư luận cho rằng doanh nghiệp phải đóng tiền để nhận danh hiệu là sai. Chi phí điều tra do Hội tự đài thọ. Nói ban tổ chức nhận tiền thuế của dân đóng mà để xảy ra sai sót, cũng là sai, vì không có ai trong ban chấp hành Hội nhận lương nhà nước", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.

Bà Hạnh cũng cho biết thêm rằng chi phí hoạt động, chi phí cuộc điều tra và việc không thu phí trao danh hiệu là vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của Hội này từ trước đến nay. 

"Việc khảo sát bình chọn chỉ là một trong toàn chuỗi hoạt động. Bởi sau khi công bố danh sách, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, hỗ trợ cho doanh nghiệp, vì đây mới là mục đích chính của Hội Doanh nghiệp HVNCLC", bà Hạnh viết trên trang cá nhân.