Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi tìm kiếm từ khóa Asanzo tại Adayroi thuộc tập đoàn Vingroup, các sản phẩm của Asanzo không được bày bán.
Sản phẩm Asanzo đã "biến mất" khỏi hai trang thương mại điện tử lớn. (Ảnh chụp màn hình).
Website của Điện Máy Chợ Lớn cũng trong tình trạng tương tự, khi tìm kiếm từ khóa Asanzo không thấy bất cứ kết quả nào.
Tuy nhiên, theo khảo sát tại hệ thống siêu thị điện máy xanh tại Đường Láng, cửa hàng này vẫn bày bán bình thường và lượng khách vẫn bình thường.
Còn tại một số hệ thống cửa hàng điện máy ở Hà Nội như Media Mart, Pico, một số nhân viên thông tin từ trước tới giờ không nhập hàng của hãng này bán.
Theo khảo sát ngày 22/6 tại một siêu thị Big C ở Hà Nội, các sản phẩm như ấm siêu tốc, bếp từ mang thương hiệu Asanzo vẫn được buôn bán bình thường nhưng số lượng ít. Giá các mặt hàng của hãng này không chênh lệch nhiều so với các hãng khác.
Bếp điện từ Asanzo xuất xứ Việt Nam.
Ấm đun nước siêu tốc cũng của hãng này thì có xuất xứ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng gia dụng nhập nhằng về xuất xứ. (Ảnh: H. Nguyễn).
Một nhân viên bán hàng ở đây chia sẻ: "Ấm siêu tốc của Asanzo rất hay bị lỗi, rất nhiều khách mua sản phẩm này đã mang tới yêu cầu đổi chiếc mới trong 7 ngày đổi trả theo chính sách bán hàng".
Tại đây, các sản phẩm cùng thương hiệu, logo Asanzo có sản phẩm được thể hiện xuất xứ Trung Quốc, có sản phẩm ghi sản xuất tại Việt Nam. Như bình siêu tốc hiệu Asanzo có "xuất xứ Trung Quốc". Còn trên tem mô tả sản phẩm chiếc bếp từ của hãng này thì có ghi "sản xuất tại Việt Nam".
Trước những thông tin về vụ lùm xùm vừa qua, thư kí CEO Tập đoàn Asanzo cho biết: "Hiện tại chúng tôi sẽ không trả lời bất cứ tin nào cho tới khi tổ chức họp báo".
Anh Nam, quản lí cửa hàng điện máy xanh tại Đường Láng, Hà Nội cho biết tivi của hãng Asanzo từ trước tới giờ cửa hàng anh bán rất ít. Một tháng chỉ ra được vài sản phẩm, đa số loại 25 – 30 inch là được nhiều người lựa chọn nhất, chủ yếu bán cho người già.
Quản lí tại cửa hàng khu vực Đường Láng - Hà Nội cho biết tivi Asanzo bán khá chậm. (Ảnh: H. Nguyễn).
Anh Nam khẳng định khi báo chí rộ lên thông tin hãng này nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp lại, xóa xuất xứ Trung Quốc và thể hiện bằng sản phẩm Việt Nam, thì lượng bán của các sản phẩm Asanzo tại cửa hàng cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi sản phẩm của hãng này giá rẻ. Như tivi 25 inch giá chỉ hơn 2 triệu đồng, khách hàng cũng không quan tâm lắm.
"Các sản phẩm của Asanzo thuộc diện rẻ, nếu có khách mua loại 40 inch thì chủ yếu dùng để lắp đầu camera, vì chất lượng hình ảnh khá yếu và kém", quản lí cửa hàng nói.
Ti vi của Asanzo đang có giá cạnh tranh với nhiều dòng sản phẩm khác trên thị trường điện máy hiện nay. (Ảnh: H. Nguyễn).
Nhiều sản phẩm của Asanzo vẫn bày bán bình thường tại cửa hàng Điện Máy Xanh. Nhà bán lẻ này cho biết đang chờ động thái chính thức từ hãng. (Ảnh: H.Nguyễn).
"Nói chung, cửa hàng hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, thấp nên những dòng sản phẩm của Asanzo như tivi 25 – 30 inch giá hơn 3 triệu đồng/chiếc vẫn bán được. Ngoài ra, mặt hàng loa kéo karaoke một tháng cũng bán được 3-4 sản phẩm", quản lí cửa hàng này cho biết thêm.
Thực tế theo chia sẻ của một số nhân viên cửa hàng điện máy, nhìn chung các sản phẩm của Asanzo không nổi bật trên thị trường điện máy tại các thành phố lớn phía Bắc. Nguyên nhân do dân đô thị đã quen và tin tưởng với một số thương hiệu, chấp nhận mức giá cao hơn nhiều.
Thêm vào đó, khá nhiều hãng điện tử lớn gần đây cũng đưa ra chiến dịch cạnh tranh về giá cũng như khuyến mại hấp dẫn để hút khách.
Mặt hàng loa kéo mang thương hiệu Asanzo được cho là bán chạy tại điện máy xanh. (Ảnh: H.Nguyễn).
Anh Trần Minh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có biết hãng Asanzo, tuy nhiên cũng không quan tâm lắm, vì nếu mua tivi tôi sẽ lựa chọn những dòng có thương hiệu, dù giá có chênh lệch nhưng tôi chắc chắn rằng tiền nào của nấy".
Tuy nhiên với công nhân lao động thu nhập thấp, Asanzo cũng như các sản phẩm hạng trung bình vẫn được lựa chọn. Chị Vũ Thị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết:
"Năm ngoái tôi có mua một chiếc ấm siêu tốc của hãng Asanzo vào dịp khuyến mại nên có giá 80.000 đồng, đến bây giờ vẫn chưa hỏng và sử dụng bình thường. Tôi cũng biết thông tin hãng này nhập linh kiện từ Trung Quốc, tôi nghĩ nó không ảnh hưởng gì vì những người lao động như chúng tôi không có điều kiện để mua những sản phẩm của hãng lớn", chị Thanh chia sẻ.
Ngày 21/6, trả lời Vietnamnet trước nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam", CEO Phạm Văn Tam cho biết sản phẩm Asanzo không phải "Made in Việt Nam" mà xuất xứ tại Việt Nam.
Về lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP HCM kiểm tra ngày 7/9/2018, ông Tam khẳng định Asanzo đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018.
Trước đây, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao, do vậy Asanzo đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước.
Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng này nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là TV và điều hòa không khí.
Ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm TGĐ tập đoàn Asanzo.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi "Xuất xứ Việt Nam" thay vì "Made in Việt Nam" trên sản phẩm của mình.
Ông Tam còn nói thêm thời điểm nửa đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo vẫn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng. Tuy nhiên 1 năm trở lại đây, Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa. Thời điểm này Asanzo giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ.
Kinh doanh 14:17 | 06/01/2020
Tiêu dùng 16:57 | 03/01/2020
Kinh doanh 14:02 | 17/11/2019
Kinh doanh 21:04 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:26 | 25/10/2019
Kinh doanh 10:25 | 24/10/2019
Kinh doanh 09:35 | 24/10/2019
Kinh doanh 21:10 | 02/10/2019