Trước khi trở thành ông chủ Asanzo, CEO Phạm Văn Tam buôn linh kiện điện tử ở chợ Nhật Tảo

Ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam tốt nghiệp cấp 3 và không học đại học, rời quê Quảng Ninh vào TP HCM, lập nghiệp với công việc buôn linh kiện điện tử ở chợ Nhật Tảo (quận 10).

Trước khi vướng nghi vấn nhập linh kiện máy lạnh, TV từ Trung Quốc về nước, xóa tem "Made in China" rồi lắp ráp thành sản phẩm tung ra thị trường với khẩu hiệu "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", ông chủ Asanzo Phạm Văn Tam được biết đến là một người trẻ khởi nghiệp rất thành công.

asanzo-15611765915161600217448

Asanzo vướng nghi vấn nhập linh kiện Trung Quốc, tháo mác "Made in China", rồi lắp ráp đưa ra thị trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Bắt đầu gây dựng thương hiệu từ năm 2013, chỉ 6 năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã được biết đến là một trong những tập đoàn điện tử hàng đầu Việt Nam.

Ngoài ra, sự thành công của thương hiệu này còn trở nên đặc biệt khi người dẫn dắt nó, CEO Phạm Văn Tam, chỉ tốt nghiệp cấp 3, chưa qua chuyên ngành điện tử điện lạnh hay quản lí, điều hành doanh nghiệp. 

"Ở quê tôi, thời điểm đó mọi người chọn sản xuất, buôn bán để làm giàu"

Sinh năm 1980, học hết phổ thông, ông Tam quyết định ra ngoài làm việc thay vì chọn con đường đi tiếp lên đại học. Ông cho rằng đây là sự lựa chọn của hầu hết người quê ông ở giai đoạn đó, thay vì đến giảng đường.

"Ở quê tôi, mọi người chọn sản xuất, buôn bán để làm giàu, chẳng mấy ai vào đại học và chọn con đường sự nghiệp công danh. Tôi học cách kiếm tiền từ những ngày còn nhỏ. Cũng như những bạn bè đồng trang lứa trong vùng, tôi không mặn mà với việc vào đại học", ông Tam từng chia sẻ.

Ông chủ Asanzo cũng trải qua nhiều công việc lao động thủ công tại Quảng Ninh từ bưng phở, áp tải hàng hóa, chụp ảnh… trước khi quyết định rời quê vào TP HCM lập nghiệp ở tuổi 20.

"Chợ trời" linh kiện điện tử Nhật Tảo (quận 10, TP HCM) là nơi mà doanh nhân chưa một ngày học đại học này bắt đầu sự nghiệp. 

image001_11

Ông Phạm Văn Tam chỉ học xong phổ thông, làm nhiều việc trước khi xây dựng Asanzo. (Ảnh: Zing).

Tại đây, ông Tam đã bắt đầu từ vị trí nhân viên giao nhận hàng cho các ông bà chủ chuyên bán TV nguyên chiếc và linh kiện điện tử. Đầu những năm 2000, khi những "ông lớn" Hàn Quốc, Nhật Bản chưa vào Việt Nam, chợ Nhật Tảo được xem là nơi "ăn nên làm ra" của các cửa hàng này. Đó là thời điểm TV bắt đầu sốt và người tiêu dùng chưa có nhu cầu cho một chiếc TV cao cấp.

Đặc biệt, trong một chia sẻ trước đó với báo chí, CEO Asanzo cũng khẳng định nhờ kinh nghiệm hơn chục năm tại chợ Nhật Tảo mà ông nắm và biết rất rõ về thị trường này, thậm chí từ những khâu đầu tiên như linh kiện, lắp ráp đến khâu cuối cùng là phân phối sản phẩm.

Nhờ kinh nghiệm này, và như ông chia sẻ, là thật thà, không ngại làm bất cứ thứ gì, từ một "lính mới" bị các chủ hàng "kì thị", ông Phạm Văn Tam đã lấy lòng được những tiểu thương khó tính, kinh doanh lâu năm tại chợ Nhật Tảo. Khi đó, ông chính thức đứng ra "mượn vốn" của những chủ hàng, buôn TV và linh kiện về bỏ mối lại, như cách những tiểu thương chợ này vận hành. 

Ngày đầu kinh doanh, bị đối tác lừa mất trắng 400 triệu đồng mới "có kinh nghiệm" trước khi thành người buôn linh kiện chuyên nghiệp thời điểm đó. Cũng nhờ sự dẫn dắt của các tiểu thương chợ Nhật Tảo, ông Tam trở thành một trong những người buôn TV lớn tại chợ Nhật Tảo.

Khởi nghiệp với Asanzo khi thị trường Việt Nam có sự tham gia của hàng loạt ông lớn nước ngoài

Năm 2013, Asanzo tuyên bố có dây chuyền lắp ráp TV đầu tiên trị giá 20 triệu USD. Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc Phạm Văn Tam kết thúc hành trình buôn TV và linh kiện, trở thành một doanh nghiệp Việt sản xuất TV.

QDI_2060__Copy_2

Khi thị trường với sự góp mặt của đầy đủ các tên tuổi lớn nước ngoài, Phạm Văn Tam quyết định xây dựng doanh nghiệp điện tử riêng, cũng đúng lúc nghề buôn TV và linh kiện không còn đất sống. (Ảnh: Zing).

Từng chia sẻ về việc quyết định thành lập Asanzo, CEO Phạm Văn Tam cho rằng từ năm 2010, các hãng điện tử lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung, LG, Sony… ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến việc kinh doanh TV cũ, linh kiện điện tử tại Nhật Tảo bắt đầu ế ẩm, thậm chí những thương hiệu TV Việt giai đoạn đó như Sam-Đông Á, Belco, Viettronics Tân Bình cũng sống dở chết dở, trước khi tuyên bố đầu hàng.

Nhìn thấy được thị trường không còn mấy khả quan, trong khi các đối tác linh kiện vẫn sẵn sàng cung ứng, nên ông đã nghĩ đến việc xây dựng một thương hiệu TV riêng, đáp ứng đúng nhu cầu và đặc biệt là hợp túi tiền của người tiêu dùng ở giai đoạn này.

Thực tế trước khi làm TV, Phạm Văn Tam cũng 2 lần khởi nghiệp làm hàng gia dụng. Tuy nhiên, cả hai lần đều thất bại vì không biết cách tiếp thị, sản phẩm làm ra không bán được.

Chiến thuật của Asanzo là gì khiến doanh nghiệp "vô danh" trở thành công ty điện tử hàng đầu?

Thị phần đầu tiên mà Asanzo nhắm đến là khu vực nông thôn, khi các đại gia ngoại đang bỏ trống. Những năm đầu, ông Tam chủ yếu tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 - 32 inch, bởi khu vực nông thôn chưa có nhiều nhu cầu cho những dòng TV lớn.

"Nhiều sản phẩm có những tính năng mà khách hàng không cần đến hoặc chỉ dùng một vài lần. Trong khi đó, chi phí sản xuất ra những tính năng này lại không hề nhỏ", ông Tam từng nói và cho biết đây là cách mà Asanzo rút kinh nghiệm để tiết kiệm chi phí sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Thậm chí, ông cũng khẳng định mình đã "may đo" lại một số sản phẩm TV cho phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng ở một số khu vực, vùng miền trên cả nước. Chẳng hạn, dòng TV hoạt động thông qua bình ắc quy, phù hợp với người dân đồng bằng sông Cửu Long sống trên kênh rạch, hay TV có đặc tính chống oxy hóa cao để mạch không bị ăn mòn tại miền Trung.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-22 lúc 16

Doanh thu các ngành hàng của Asanzo qua một số năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Chiến thuật đưa sản phẩm đến nông thôn và "bình dân hóa" TV của Phạm Văn Tam bước đầu đã thành công rực rỡ, khi số lượng sản phẩm TV được tiêu thụ hàng năm trên thị trường gia tăng chóng mặt. 

Năm đầu tiên, hãng bán được 122.00 chiếc, năm 2015, con số tăng lên gấp đôi. Năm 2016, số lượng sản phẩm bán ra lại tiếp tục tăng ấn tượng lên 500.000 chiếc, trong tổng số 3,5 triệu chiếc TV được bán ra thị trường.

 Năm 2017, hãng tiếp tục bán được 710.000 chiếc TV.

Kết quả bán hàng vượt ngoài mong đợi khiến doanh thu hàng năm của Asanzo cũng tăng trưởng hết sức ấn tượng, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đều đặn trên 44%. Năm 2018, doanh thu của Asanzo đạt 6.250 tỉ đồng, tăng gần 10 lần kể từ năm đầu tiên có mặt trên thị trường. 

CEO Phạm Văn Tam khẳng định mình kì vọng các ngành hàng TV, điện lạnh, đồ điện gia dụng sẽ mang lại doanh thu 10.000 tỉ trong năm 2019.

Với kết quả kinh doanh "thần tốc", Asanzo nhanh chóng trở thành tập đoàn điện tử, điện gia dụng đứng thứ 3 thị trường trong nước hiện nay.

Hình ảnh CEO Phạm Văn Tam xuất hiện hào nhoáng trước truyền thông

Song song với kết quả kinh doanh khả quan, CEO Phạm Văn Tam rất thường xuyên xuất hiện trước truyền thông với vai trò là người tài trợ cho nhiều chương trình. Cuối năm 2018, ông chủ Asanzo đã tuyên bố thưởng nóng cho tuyển Việt Nam 1 tỉ đồng khi giành chức vô địch AFF Cup.

Asanzo và ộng chủ Phạm Văn Tam cũng là nhà tài trợ cho đội bóng Hải Phòng. Thời điểm công bố tài trợ cho đội bóng đất cảng, ông Tam không ngần ngại cho biết việc tài trợ bóng đá này ngoài việc ông muốn đóng góp cho các hoạt động cộng đồng ở quê nhà miền Bắc, mà mục đích theo đó là đưa sản phẩm tiến ra thị trường miền Bắc sau khi đã kinh doanh rất tốt tại thị trường phía Nam, đặc biệt là miền Tây. 

Ngoài ra, ông Tam cũng là người thường xuyên xuất hiện với vai trò "truyền cảm hứng" tại các cuộc thi khởi nghiệp. Mới đây, doanh nhân này được biết vai trò "cá mập" Shark Tam trong chương trình Thương vụ bạc tỉ mùa 3, dự kiến lên sóng vào tháng tới.

Tại sự kiện này, Phạm Văn Tam công bố ra mắt Quỹ khởi nghiệp Asanzo Startup Fund cấp vốn khởi đầu là 200 tỉ đồng, ưu tiên các start-up công nghệ phần mềm, phần cứng hoặc trí tuệ nhân tạo phục vụ cho thị trường trong tương lai. 

shark-tank-mua-3-15604120657042000995562-crop-1560412121498671289372

CEO Phạm Văn Tam xuất hiện trong dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 3. (Ảnh: Shark Tank).

Khởi nghiệp từ tay trắng, không qua giảng đường đại học và nhanh chóng gây dựng doanh nghiệp từ con số 0, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, ông Phạm Văn Tam cho biết hồi còn đi buôn không học hành gì về quản lí nên ông chỉ tính toán đơn giản: Nhập hàng về, bán lại, trừ vốn ra thì còn lại là tiền lời. 

"Làm doanh nghiệp, tôi phải tính toán làm sao để nuôi công nhân, xây dựng thương hiệu, tạo giá trị, tìm kiếm khách hàng, rồi bảo trì bảo dưỡng - những thứ tôi chưa bao giờ trải qua", CEO Phạm Văn Tam nói.

Tuy nhiên, doanh nhân này cũng cho bản thân ông chưa bao giờ nghĩ sẽ tiếp tục đi học cái gì đó về quản lí doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Ông cho rằng việc này có thể nhờ những người có khả năng, chuyên môn giúp đỡ, bởi nếu dành nhiều thời gian cho các khóa học có thể mất đi cơ hội kinh doanh của chính mình.

Việc Asanzo vướng nghi vấn nhập hàng Trung Quốc, tháo mác "Made in China" rồi lắp ráp thành sản phẩm bán ra thị trường mới đây khiến nhiều khách hàng đang sử dụng sản phẩm Asanzo bất ngờ. Một số ý kiến cho rằng đây là hành vi lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khẳng định "tiền nào của đó". 

Trước sức ép của dư luận, hiện hầu hết các cửa hàng, siêu thị điện máy, các trang thương mại điện tử đã rút sản phẩm của doanh nghiệp Phạm Văn Tam khỏi kệ, chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.