Hàng sản xuất tại nước ngoài nhưng nhập về Việt Nam có sẵn mác 'Made in Vietnam'

Tổng cục Hải quan cho biết hiện có rất nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa, như hàng được sản xuất tại nước ngoài nhưng nhập về lại có sẵn mác “Made in Vietnam”, hoặc nhập đầy đủ linh kiện rồi về nước lắp ráp. Tinh vi hơn, có doanh nghiệp còn lập nhiều công ty con để nhập từng linh kiện riêng rẽ để lắp ráp.

Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn đã liệt kê hàng loạt thủ đoạn gian lận, giả mạo về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa mà đơn vị này phát hiện tại buổi họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành hải quan, hôm 19/7.

Nhập hàng từ nước ngoài về ghi sẵn "Made in Vietnam"

Theo ông Âu Anh Tuấn, một trong những thủ đoạn gian lận về ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đáng chú ý là hàng được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam", "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam".

photo-1-1542872092048225439362

Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy chuyên sản xuất thiết bị điện tử. (Ảnh minh hoạ: Tuổi Trẻ).

Thậm chí, các sản phẩm này còn có bao bì, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trung tâm bảo hành tại Việt Nam, để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài, hoặc không thể hiện nước sản xuất trên nhãn hàng hóa, nhưng khi đưa ra thị trường thì doanh nghiệp thay nhãn mới "Made in Vietnam", "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam".

Tinh vi hơn, nhiều doanh nghiệp không nhập hàng ở dạng thành phẩm mà nhập nguyên vật liệu, linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp. 

Tuy nhiên, ông Âu Anh Tuấn khẳng định vốn các sản phẩm này không trải qua giai đoạn gia công, sản xuất. Nếu có thì cũng chỉ lắp ráp đơn giản rồi hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Liên quan thủ đoạn nhập linh kiện, đại diện Tổng Cục Hải quan cũng cho biết thêm các doanh nghiệp còn lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện để lắp ráp, hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản, và ghi xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Giám sát chặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có mác "Made in Vietnam"

Ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết thêm các đối tượng vi phạm còn lợi dụng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Các doanh nghiệp này sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.

Tổng cục Hải quan cho biết hiện Việt Nam đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do FTA. Do đó, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào nước, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

Nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Trước hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa.

Đặc biệt, Hải quan sẽ tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn hàng hóa thể hiện "Made in Vietnam". Đồng thời xem xét chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa đối với nhóm mặt hàng này để kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan Hải quan cũng đề nghị Bộ Công Thương, VCCI siết chặt quản lí cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, đối với trường hợp qua kết quả kiểm tra, thanh tra xác định hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.