Bộ Công Thương đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí ghi nhãn "Made in Vietnam" đối với hàng hóa được sản xuất trong nước và lưu thông tại Việt Nam.
Dự thảo này dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện vẫn đang được áp dụng cho hàng xuất khẩu. Các phương pháp xác định vẫn tuân thủ theo xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) và chuyển đổi mã số hàng hóa (hệ thống HS) mà Tổ chức Hải quan thế giới đang áp dụng.
Theo dự thảo thông tư, các hàng hóa được xét là "Made in Vietnam" cần đảm bảo các yếu tố có xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, hoặc được sản xuất toàn bộ trong nước như cây trồng, động vật, khoáng sản tự nhiên được khai thác tại Việt Nam.
Đối với sản phẩm có xuất xứ không thuần túy, hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, thì hàng hóa chỉ được coi là "Made in Vietnam", nếu đáp ứng được đủ hai tiêu chí về: hàm lượng giá trị gia tăng tại khu vực (RVC) và chuyển đổi mã số hàng hóa (HS).
Dự thảo Thông tư về tiêu chí ghi nhãn "Made in Vietnam" giúp giải quyết các thắc mắc của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam Finance).
Với hàm lượng giá trị gia tăng, các doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 2 công thức tính giá trị gia tăng trực tiếp và gián tiếp trong năm tài chính.
Theo cách trực tiếp, hàng được coi là "Made in Vietnam" nếu giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng.
Theo cách gián tiếp, sản phẩm được xác định là "Made in Vietnam" nếu giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng.
Dù áp dụng theo cách tính nào, hàng hóa cũng cần phải đáp ứng được yêu cầu trong gia công đơn giản. Nếu trong giai đoạn này, hàng được trộn đơn giản với các sản phẩm (cùng loại hoặc khác loại), lắp ráp đơn giản các bộ phận để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, dán nhãn thay đổi bao bì,.. sẽ không được coi là gia công đơn giản.
Với chuyển đổi mã số hàng hóa HS, khi trải qua quá trình chuyển đổi mã số và vượt qua các yêu cầu về gia công cơ bản, các doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về nguồn gốc xuất xứ để sản xuất.
Hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh không được coi là "Made in Vietnam" và cũng không được thể hiện trên bao bì, dán nhãn là hàng Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, vì các yêu cầu ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ đã được quy định theo Nghị định 43/2017.
Cũng theo Bộ Công Thương, thực tế Việt Nam đã có nhiều quy định về xuất xứ của hàng hóa, tuy nhiên mới chỉ áp dụng được cho các hàng hóa xuất khẩu. Với hàng lưu thông trong nước, khái niệm "sản xuất tại Việt Nam" vẫn còn còn mơ hồ và chưa được luật hóa rõ ràng bằng văn bản.
Điều này gây ra những tranh cãi xoay quanh vấn đề nguồn gốc, xuất xứ được quy định và hiểu khác nhau. Nhiều sản phẩm được nhập khẩu linh kiện về Việt Nam lắp ráp, gia công, thậm chí là nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc về nhưng vẫn có thể ghi nhãn "Made in Vietnam" thời gian qua.