Lỗ hổng từ Asanzo

Những rắc rối của Asanzo cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý xuất xứ hàng hóa.
avatar_1563846297309

Những rắc rối của Asanzo cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: TT).

Asanzo, doanh nghiệp điện tử - điện lạnh - đồ gia dụng đang đi lên khi đạt doanh thu hơn 6.000 tỉ đồng năm 2018 và tăng trưởng trung bình 44%/năm. Nhưng doanh nghiệp này đang vấp phải cáo buộc “giả xuất xứ hàng điện gia dụng”.

Cáo buộc này, theo thông tin từ ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, khiến kho bãi nhà xưởng của công ty bị treo hết, đối tác e ngại đòi tiền, gần 2.000 lao động có nguy cơ mất việc... Đó là chưa nói đến những thiệt hại về thương hiệu công ty khi xuất hiện nhiều lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm Asanzo. Tất cả những hệ lụy này, nếu không sớm tháo gỡ, nhiều khả năng sẽ đẩy doanh nghiệp vào chỗ đình trệ, phá sản.

Trước đó, ngày 21/6, báo chí đăng tải loạt bài điều tra, nghi vấn sản phẩm của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam. Cụ thể, Asanzo nhập “nguyên chiếc” đồ gia dụng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả về vụ việc trước ngày 30/7/2019.

Những rắc rối Asanzo gặp phải đã cho thấy những lỗ hổng trong quản lí. Thứ nhất là câu chuyện “made in Vietnam”. Lâu nay, người tiêu dùng thường hiểu “made in Vietnam” nghĩa là hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, từ nguyên liệu đến gia công, chế tác. Nhưng thực tế, theo Nghị định 19/2006/NĐ-CP, cách xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa dựa vào nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa (xuất xứ thuần túy) hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng (xuất xứ không thuần túy).

asanzo

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI, cho biết thêm: “Trong quy tắc xuất xứ hàng hóa có quy tắc tỉ lệ phần trăm và chuyển đổi mã hàng hóa (HS). Quy tắc HS cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100% nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất, gia công tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. 

Còn quy tắc tỉ lệ phần trăm chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng một tỉ lệ phần trăm nhất định trong cơ cấu giá thành của sản phẩm”. Bởi thế, như ngành may mặc, dù 50% nguyên liệu là nhập khẩu nhưng sản phẩm hoàn thiện ở Việt Nam vẫn đáp ứng tiêu chí “made in Vietnam”. 

Hay một chiếc smartphone Samsung dù được ghi nhãn “made in Vietnam” nhưng ai nấy đều hiểu đó là sản phẩm của Hàn Quốc. Tương tự, một chiếc iPhone dù ghi “Made in China” nhưng đó là sản phẩm của Mỹ.

Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu, cho rằng: “Việc phân loại theo quốc gia sản xuất từ lâu đã lạc hậu”. Thay vào đó, vai trò của thương hiệu đã thay thế vai trò của sản phẩm/sản xuất. Thực tế, người tiêu dùng ngày càng không còn chú ý đến nơi sản xuất mà quan tâm yếu tố sản phẩm được tạo ra bởi ai và phân phối ở thị trường nào. 

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng là nhắm đến những sản phẩm thỏa mãn thị hiếu và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh, an toàn, môi trường… Trong thời đại hội nhập, khi phân công lao động ở mức toàn cầu, theo chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị thì sản phẩm tạo ra bởi ai (made by) có giá trị, ý nghĩa hơn là sản phẩm làm ở đâu (made in).

Các doanh nghiệp nếu chú ý đến “made in” thường vì vấn đề ưu đãi, né tránh thuế. Điều này lý giải vì sao trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều tập đoàn rục rịch dời nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác. Khi đến Việt Nam, các tập đoàn công nghệ, điện tử, ô tô... thường muốn tận dụng các quyền lợi hơn là chuyển giao công nghệ. 

Vì thế, theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 dù xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt hơn 49 tỉ USD nhưng giá trị phần đóng góp bởi doanh nghiệp nội địa chỉ khoảng trung bình 2 USD/sản phẩm. Sang 4 tháng đầu năm 2019, nhóm doanh nghiệp FDI vẫn đang nắm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.

Cùng với xuất khẩu, Việt Nam là nước nhập khẩu mạnh linh kiện, nguyên liệu với thị trường cung cấp chính là Trung Quốc. Chẳng hạn, hơn 50% đầu vào của ngành điện thoại, linh kiện Việt Nam là từ Trung Quốc. Tương tự, trên 40% nguyên liệu của dệt may Việt Nam phụ thuộc quốc gia láng giềng này.

Thực tế, như chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, “sản xuất liên quan rất nhiều thứ như nguồn lực, tiền bạc, công nghệ… Sản xuất được đã khó, bán được hay không còn khó gấp vạn lần”. Vì thế, quá trình thông thường của một doanh nghiệp đầu tiên là làm thương mại, nhập thành phẩm về, tìm hiểu, có thị trường rồi, đạt giao dịch, quy mô tốt thì mới tiến tới sản xuất.

Lỗ hổng từ Asanzo - Ảnh 3.

“Sản xuất bao giờ cũng phải bắt đầu từ khâu lắp ráp, rồi dần dần mới nội địa hóa”, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh. 

Hiện Sunhouse đã đăng kí thương hiệu và sản phẩm Sunhouse được sản xuất tại nhiều nơi khác nhau. Các mặt hàng gia dụng của Sunhouse được sản xuất tại Việt Nam như nồi inox, chảo, nồi áp suất, nồi cơm điện... sẽ ghi xuất xứ Việt Nam. Các mặt hàng đặt OEM (sản xuất thiết bị gốc) tại các nước như Trung Quốc thì sẽ ghi xuất xứ Trung Quốc. Các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan thì sẽ ghi xuất xứ Hàn Quốc, Thái Lan…

Sắp tới, Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp ghi xuất xứ hàng hóa trong nội địa. “Đây là vấn đề rất khó, cơ quan quản lý cũng không đủ nguồn lực để đánh giá tận gốc của vấn đề. Việc ghi xuất xứ ở đâu là muôn hình vạn trạng, tùy biến”, luật sư Trần Ngọc Trung, hãng luật Baker & Mckenzie, cho biết.

Mỗi một mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ riêng, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định FTA khác nhau. Các hiệp định này có các quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa.

Sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn xuất xứ sản phẩm của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng trên hết, quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch và niềm tin dành cho nhau.



chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.