Theo Chủ tịch (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) VCCI, các kết luận liên quan đến Asanzo hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng làm theo phạm vi trách nhiệm của mình. Nếu còn có chút chậm trễ thì đó là do họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các dấu hiệu khác.
Về phía VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho hay đơn vị này chỉ xác nhận việc dán nhãn Made in Vietnam của Asanzo là hoàn toàn phù hợp với quy định hiện hành.
Nói về biên bản làm việc giữa Tổ công tác của VCCI tại TP HCM và CEO Phạm Văn Tam - đại diện Asanzo, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, Tổ công tác đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc xác nhận hoạt động dán nhãn Made in Vietnam trên sản phẩm của Asanzo.
"Theo kiểm tra và báo cáo của các bên cho thấy, Asanzo có mua vật liệu, linh kiện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, họ cũng có nhà máy và tiến hành lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam. Do việc lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm diễn ra tại Việt Nam nên họ được gắn nhãn Made in Vietnam trên sản phẩm. Điều này hoàn toàn đúng với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam", Chủ tịch VCCI cho biết.
Vụ việc Asanzo vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh thêm trong trường hợp Asanzo nhập nguyên chiếc từ nước ngoài nhưng dán nhãn Made in Vietnam là sai. Tuy nhiên, công tác báo cáo và kiểm tra cho thấy, các sản phẩm của Asanzo đều được thực hiện lắp ráp tại Việt Nam.
Cũng theo ông Lộc, kết luận của VCCI về Asanzo chỉ có nội dung liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa. Kết luận này dựa trên quy định về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018.
Những kết luận liên quan đến các vấn đề khác như gian lận, trốn thuế (nếu có) đang phải chờ ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành khác. Trong trường hợp vi phạm các vấn đề này, Asanzo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trước đó, ngày 25/7/2019 diễn ra cuộc làm việc giữa VCCI và Asanzo. Kết luận ban đầu từ VCCI cho biết, Asanzo không gian lận về xuất xứ hàng hóa.
Biên bản làm việc nêu rõ, hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean - Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của Công ty Asanzo.
Tuy nhiên, pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 đều có giải thích (định nghĩa) về sản xuất hàng hóa: “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.
Như vậy, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo được sắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc "chế tạo bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật (cụ thể quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa).
Cũng tại biên bản, nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI đề nghị Asanzo nên chủ động tập hợp các vấn đề phản ánh không đúng, có văn bản giải trình cụ thể từng vấn đề, nêu các khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp, ý kiến đề xuất và đính kèm các bằng chứng, cơ sở chứng minh, gửi các cơ quan chức năng (hải quan, quản lý thị trường, công an, thuế, Bộ Công thương, VCCI, Ban Tuyên giáo Trung ương) để nhanh chóng làm rõ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.