Trong thư ngỏ đăng tải vào chiều ngày 29/6, ông Phạm Văn Tam tuyên bố: "Với tư cách là người đứng đầu tập đoàn Asanzo, tôi khẳng định lại một lần nữa Asanzo cam kết, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng: luôn thực hiện đúng quy trình, quy định về việc đổi trả, bảo hành sản phẩm như đã công bố từ trước đến nay do chúng tôi phân phối trên thị trường".
Về việc sử dụng linh kiện nước ngoài để lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn "made in Vietnam", Asanzo khẳng định "không vi phạm pháp luật".
Trong thư ngỏ đăng tải vào chiều ngày 29/6, ông Phạm Văn Tam khẳng định "đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng với giá cả hợp lí và không vi phạm pháp luật.
Trong thư ngỏ, ông Tam dẫn lại thông tin từ văn bản của Cục Hải quan TP HCM trả lời báo chí, việc các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc cung cấp cho Asanzo không có thật hoặc giám đốc "ảo" là chưa có căn cứ xác định.
Asanzo cũng dẫn thông tin từ Sở Công Thương TP HCM, đến nay Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa nhận được bất kì đơn khiếu nại, phản ánh nào của người dùng về sản phẩm của tập đoàn này. Theo Sở Công Thương TP HCM, các hoạt động khuyến mãi của Asanzo đều thực hiện theo qui định.
Bên cạnh đó, ông chủ Asanzo cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và xuất xứ để ghi nhãn đúng với hướng dẫn của cơ quan chức năng, phù hợp pháp luật. Để tránh nhầm lẫn giữa chứng nhận xuất xứ và xuất xứ, trong tương lai, Asanzo sẽ ghi rõ "sản xuất tại Việt Nam, linh kiện nhập khẩu".
Theo thư ngỏ, tập đoàn này cũng đang hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề mà báo chí đã nêu ra trong thời gian qua.
Còn theo VietnamNet, CEO Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, hiện các tài khoản của Asanzo đã bị đóng băng, các Nhà phân phối và Đại lý đã ngưng bán hàng, 2.000 công ăn việc làm đang bị đe doạ.
Đại diện Asanzo khẳng định trong thời gian chờ đợi kết luận chính thức của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cam kết trong mọi trường hợp đều đảm bảo quyền lợi mua hàng của những khác hàng đã tin tưởng.
Các siêu thị điện máy đang rút dần các sản phẩm của Asanzo. (Ảnh: Tất Đạt).
Trước đó, nhiều hệ thống điện máy lớn đã ngừng bán sản phẩm Asanzo, đồng thời phát thông báo hỗ trợ người tiêu dùng đã mua sản phẩm Asanzo đổi trả sang sản phẩm khác nếu có nhu cầu.
Theo thông báo của Điện Máy Xanh phát đi ngày 27/6, khách hàng đã mua tivi thương hiệu Asanzo tại hệ thống này sẽ được đổi trả từ 27/6 đến hết ngày 15/7. Hệ thống này cam kết giá trị sản phẩm được quy đổi là giá mua thể hiện trên hóa đơn tại thời điểm mua hàng. Khách hàng được đổi sang tivi của một thương hiệu khác có giá tương đương hoặc bù tiền chênh lệch nếu cao hơn.
Điện Máy Xanh cũng rút sản phẩm Asanzo trên website bán hàng của doanh nghiệp từ ngày 24/2.
Tương tự, Điện Máy Chợ Lớn cũng áp dụng thu đổi sản phẩm Asanzo, thời gian bắt đầu từ ngày 27/6 đến hết ngày 10/7/2019. Hệ thống này cũng dừng bán sản phẩm Asanzo trước đó.
Hệ thống Nguyễn Kim là đơn vị đầu tiên rút sản phẩm Asanzo khỏi kệ và website bán hàng, cũng thực hiện thu đổi và bù chi phí chênh lệch cho khách mua sản phẩm Asanzo trong 15 ngày, từ ngày 26/6 đến ngày 10/7. Thông báo của Nguyễn Kim cho biết việc thu đổi, bù chi phí chênh lệch này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Đại diện Asanzo cho biết đang hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ các vấn đề mà báo chí đã nêu ra trong thời gian qua.
Hiện đồng loạt các cơ quan chức năng đang cùng vào cuộc kiểm tra, xác minh và làm rõ thông tin Asanzo sau chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Tài Chính yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế rà soát, nhằm phát hiện các trường hợp tương tự Asanzo về xuất xứ hàng hóa, thanh - kiểm tra nhằm chống thất thu, chuyển giá và trốn thuế.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lí thị trường… kiểm tra, rà soát công tác quản lí nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.
Tổng Cục quản lí thị trường cũng cho biết cơ quan quản lí thị trường sẽ tiến hành kiểm tra Asanzo, trong đó chú trọng việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá. Bộ Công an cũng cho biết đang điều tra vụ việc này.
Ngày 21/6, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".
Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…
Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này, và cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông nói khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.
Kinh doanh 14:17 | 06/01/2020
Tiêu dùng 16:57 | 03/01/2020
Kinh doanh 14:02 | 17/11/2019
Kinh doanh 21:04 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:26 | 25/10/2019
Kinh doanh 10:25 | 24/10/2019
Kinh doanh 09:35 | 24/10/2019
Kinh doanh 21:10 | 02/10/2019