Bất chấp thị trường điện tử, điện lạnh bão hòa, Asanzo, Sunhouse, Kangaroo vẫn thu nghìn tỉ mỗi năm

Thị trường đồ điện tử, điện lạnh được dự báo bước vào giai đoạn bão hòa nhưng Asanzo, Sunhouse, Kangaroo vẫn tăng trưởng nghìn tỉ mỗi năm. Trong đó, Asanzo là doanh nghiệp non trẻ nhất nhưng phất lên mạnh mẽ, vượt mặt cả đàn anh uy tín trong ngành.

Sau thời gian tăng trưởng nóng từ năm 2010, theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, từ năm nay, ngành hàng điện máy, điện lạnh và đồ gia dụng bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa.

Báo cáo của hãng Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK, cho biết máy lạnh và TV sẽ dẫn đầu về mức độ tăng trưởng, nhưng cũng chỉ ở mức 10%, các sản phẩm khác đều dưới con số này.

Tuy nhiên, trái với dự báo kém khả quan của GfK, các đại gia điện tử, điện lạnh còn non trẻ như Asanzo  Sunhouse và Kangaroo vẫn sống khỏe khi ghi nhận doanh "khủng", thậm chí đặt mục tiêu nghìn tỉ trong ngắn hạn vài năm tới.

image001_12-2

Thị trường điện tử, điện lạnh được dự đoán bước vào giai đoạn bão hoà nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn ăn nên làm ra. (Ảnh: Zing).

Sunhouse của Shark Phú và Kangaroo rượt đuổi về doanh thu

Trong một tuyên bố đầu năm nay về việc chính thức nhảy vào kinh doanh máy điều hòa, Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú tiết lộ doanh thu của tập đoàn hiện đạt hơn 3.000 tỉ đồng. Với việc bước chân vào kinh doanh sản phẩm mới, Shark Phú kì vọng đến năm 2020, số tiền mà Sunhouse kiếm được sẽ vượt mốc 5.000 tỉ.

Sunhouse vốn rất kín tiếng về kết quả kinh doanh, vì vậy đây được xem là những tiết lộ hiếm hoi về doanh thu của hãng. Trong khi đó, một số thông tin không chính thức cho biết, năm 2017, doanh thu Sunhouse của Shark Phú đạt khoảng 1.800 tỉ đồng. 

Như vậy, chỉ trong vòng một năm, tăng trưởng doanh thu của Sunhouse đạt hơn 65% và được tiếp tục kì vọng làm nên chuyện trong hai năm tới. Mục tiêu của Sunhouse là tăng được thêm 2.000 tỉ đồng, bất chấp những dự báo khó khăn của thị trường điện máy, điện lạnh.

Sunhouse là một trong những doanh nghiệp Việt trẻ "nghìn tỉ" về ngành hàng điện tử, điện lạnh có mặt sớm nhất trên thị trường. Tiền thân của Sunhouse là Công ty TNHH Phú Thắng, được Shark Phú thành lập năm 2000. Giai đoạn này, thị trường Việt Nam đang mở cửa nên Phú Thắng khởi nghiệp khá thành công ở mảng thương mại, nhập khẩu.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, do ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu tăng cao, nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, năm 2004, Phú Thắng quyết định liên doanh với Công ty TNHH Sunhouse Hàn Quốc, thành lập Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam. 

bieudo

Doanh thu Sunhouse, Kangaroo và Asanzo qua một số năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Quyết định này nhằm giảm một khoản chi phí đầu vào lớn và ngay sau đó, Sunhouse xây dựng một nhà máy liên doanh sản suất đồ gia dụng.

Từ sản phẩm đầu tiên là nồi inox và chảo chống dính, hiện công ty của Shark Phú đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, máy lọc nước và mới đây là tuyên bố nhảy vào kinh doanh máy điều hòa. Tuy có phần chậm hơn các hãng khác nhưng Shark Phú tự tin sẽ làm nên chuyện, khi xây dựng được thương hiệu tốt.

Sau Sunhouse, Công ty CP Tập đoàn Điện lạnh điện máy Việt Úc (Kangaroo) cũng chính thức có mặt trên thị trường vào năm 2003. Hướng đi của doanh nghiệp này là tập trung vào máy lọc nước, hàng gia dụng, nhà bếp, năng lượng và các thiết bị điện gia dụng khác.

Tháng 4/2019, lần đầu tiên Kangaroo công khai kết quả kinh doanh sau hơn chục năm gia nhập thị trường. 

Cụ thể, năm 2018, Kangaroo đạt 2.237 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kì năm trước và tăng gần gấp đôi so với năm 2016. 

Kangaroo kì vọng năm 2019 sẽ đạt được doanh thu 2.009 tỉ đồng. Tuy tốc độ tăng trưởng và quy mô kém hơn so với Sunhouse, nhưng đây thực sự là một kết quả kinh doanh ấn tượng của của doanh nghiệp này.

Asanzo vươn lên dẫn đầu chỉ trong vài năm

image009

Asanzo mới gia nhập thị trường máy điều hoà nhưng kì vọng sẽ làm nên kì tích trước khi vướng lùm xùm. (Ảnh: Zing).

Cả Sunhouse và Kangaroo đều có kết quả kinh doanh ấn tượng, tuy nhiên, Asanzo mới là thương hiệu có tốc độ phát triển thần tốc nhất. Ra đời muộn hơn khoảng chục năm, nhưng doanh thu của Asanzo đã nhanh chóng vượt mặt hai "người anh" Sunhouse và Kangaroo.

Năm 2013, CEO Phạm Văn Tam đầu tư 20 triệu USD vào dây chuyền lắp ráp TV. Một năm sau đó, chiếc TV mang nhãn hiệu Asanzo được gắn với khẩu hiệu "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" đang lùm xùm hiện nay có mặt trên thị trường. Từ đó, TV cũng là sản phẩm chủ lực và chiếm phần lớn doanh thu của Asanzo.Chỉ từ 122.00 chiếc TV được bán ra năm 2014, đến năm 2017, con số này tăng lên thành 710.000 chiếc, đóng góp đến 91% doanh thu của Asanzo, tương đương 4.200 tỉ đồng. 9% còn lại đến từ đồ điện gia dụng và điện lạnh khi doanh nghiệp bắt đầu lấn sân vào năm 2016.

Như vậy, chỉ riêng TV của Asanzo đã có doanh thu vượt mặt Sunhouse và Kangaroo.

Năm 2018, Asanzo ghi nhận doanh thu 6.250 tỉ đồng, tăng gần chục lần kể từ thời điểm xuất xưởng chiếc TV đầu tiên vào năm 2014. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng thần tốc với một doanh nghiệp còn non trẻ, khi nhanh chóng phất lên thành một tập đoàn điện tử với quy mô hàng đầu.

Tương tự Kangaroo và Sunhouse, Asanzo cũng bất chấp sự bão hòa của thị trường, hãng này đặt mục tiêu kết quả kinh doanh năm nay đạt con số khủng 10.000 tỉ đồng.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam từng khẳng định mình luôn đặt ra các mục tiêu phù hợp với khả năng doanh nghiệp. Thậm chí, tốc độ phát triển của Asanzo, theo ông Tam là vẫn chưa thần tốc như các công ty nước ngoài từng đạt được.

Ảnh chụp Màn hình 2019-06-26 lúc 23

Ra đời gần như muộn nhất nhưng Asanzo đã nhanh chóng vượt mặt anh cả trong ngành điện lạnh REE. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của thị trường điện lạnh, có thể thấy ngay cả những doanh nghiệp sừng sỏ hàng đầu cũng chưa mơ đến con số này.

"Anh cả" điện lạnh cũng không thể bằng đàn em

Công ty CP Cơ điện lạnh REE được coi là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực cơ điện lạnh khi tuổi đời thành lập từ năm 1977. Hiện, điện lạnh với thương hiệu Reetech là một trong những mảng kinh doanh của REE. Đây là một thương hiệu rất có tiếng, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nó lại tỉ lệ thuận với điều này. 

Doanh thu của REE năm 2018, gồm cả các mảng điện lạnh, hạ tầng tiện ích, bất động sản đạt 5.105 tỉ đồng, đã thấp hơn so với Asanzo.

Như vậy, bất chấp thị trường bão hòa và những doanh nghiệp lớn, trong đó, có cả hàng loạt đại gia ngoại từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung, LG, Panasonic… 3 doanh nghiệp điện tử non trẻ Asanzo, Sunhouse, Kangaroo vẫn phất lên như diều gặp gió.