Ngay sau bài điều tra đầu tiên của Tuổi Trẻ nghi vấn Asanzo nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước, "bóc" tem "Made in China" rồi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, tung ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, chiều cùng ngày (21/6), bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) xác nhận đã tước danh hiệu mà Hội từng trao cho Asanzo.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng Asanzo đã gian dối khi khai hàng được sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam nên quyết định tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của công ty này. (Ảnh: Zing).
Asanzo được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng với việc Hội này nhanh chóng tước danh hiệu khi cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Ngay sau đó, trên Facebook cá nhân, bà Vũ Kim Hạnh có bài trần tình về các bước để được công nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lương cao, cũng như quá trình thẩm tra, công nhận danh hiệu với Asanzo. Mới đây, bà Hạnh tiếp tục có bài viết trên Facebook cá nhân, giải thích vì sao lại tước danh hiệu của Asanzo, và cho rằng việc tước danh hiệu này là phù hợp.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh cho biết danh hiệu do người tiêu dùng bình chọn cho Asanzo không phải được áp dụng cho tất cả sản phẩm thuộc các ngành hàng mà công ty này đang kinh doanh.
Cụ thể, theo bà Hạnh, Asanzo chỉ có 2 sản phẩm ở ngành điện tử gia dụng được chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, là TV và thiết bị Smart Box. Do đó, các sản phẩm khác của hãng này thuộc ngành điện lạnh (máy lạnh, quạt làm mát) và đồ điện gia dụng (nồi cơm điện, bàn ủi…) không phải là sản phẩm được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao.
"Dữ liệu điều tra đang lưu trữ có ghi nhận cụ thể, và ban tổ chức cuộc điều tra cũng thông báo cho doanh nghiệp như vậy. Không hề có việc chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao cho tất cả sản phẩm của doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin.
Bà Hạnh cũng giải thích nguyên nhân ngay lập tức ra quyết định tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao cho Asanzo mà không chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Theo bà Hạnh, sau khi tham khảo từ bài điều tra của Tuổi Trẻ, có thông tin 3 công ty thuộc Asanzo trực tiếp nhập hàng in sẵn nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Đặc biệt, trong hai năm 2018-2019, Asanzo tiếp tục nhập nhiều linh kiện điện tử có in sẵn nhãn hiệu Asanzo (từ Trung Quốc) và cả linh kiện không ghi nhãn hiệu từ nước này nhập về nước.
Bà Hạnh cho biết Asanzo được công nhận HVNCLC với 2 sản phẩm là TV và thiết bị Smart Box. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Đối chiếu hồ sơ kinh doanh mà Asanzo cung cấp cho Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khi làm thủ tục nhận danh hiệu thì có sự khác biệt. Bởi Asanzo khai TV và Smart Box được doanh nghiệp sản xuất tại 2 nhà máy của hãng. Bà Hạnh cho rằng việc khai báo của Asanzo là không đúng thực tế và không trung thực.
"Như vậy bên cạnh thông tin điều tra của báo Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng có cơ sở đối chiếu khác là hồ sơ doanh nghiệp do Asanzo nộp, thể hiện sự cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng của Asanzo, cũng là vi phạm điều lệ sử dụng danh hiệu mà doanh nghiệp đã cam kết khi nhận", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Đồng thời, theo bà Hạnh, đây cũng là căn cứ để Hội tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao của Asanzo, để chấm dứt tình trạng gian lận và vi phạm điều lệ sử dụng.
Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định hành vi gian lận thương mại làm ảnh hưởng doanh nghiệp làm ăn tử tế, niền tin của người tiêu dùng Việt vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu cả uy tín cuộc bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao.
"Hội sẽ tập trung tổng rà soát tất cả danh sách doanh nghiệp được bình chọn năm 2019 trong tình hình đặc biệt hiện nay. Việc đưa hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để giả xuất xứ Việt Nam ngày càng nghiêm trọng", Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết.
Trong trần tình về việc tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của Asanzo, bà Vũ Kim Hạnh tiếp tục khẳng định "tuyệt nhiên không có chuyện kinh doanh mua bán danh hiệu" này.
"Dư luận cho rằng doanh nghiệp phải đóng tiền để nhận danh hiệu là sai. Chi phí điều tra do Hội tự đài thọ. Nói ban tổ chức nhận tiền thuế của dân đóng mà để xảy ra sai sót, cũng là sai, vì không có ai trong ban chấp hành Hội nhận lương nhà nước", bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Bà Vũ Kim Hạnh khẳng định không có chuyện mua bán danh hiệu HVNCLC. (Ảnh: VnExpress).
Theo bà, cuộc bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao là hoạt động hàng năm của tổ chức tư nhân này, và là hoạt động phi lợi nhuận nhằm xác lập danh sách doanh nghiệp được người tiêu dùng tin cậy. Mục đích là để khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng hàng Việt.
Bà cũng khẳng định danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là do người tiêu dùng bình chọn.
Cụ thể, Hội thực hiện điều tra trực tiếp từ người tiêu dùng, chủ các tiệm bán lẻ, và một tỉ lệ nhỏ số phiếu điều tra được thực hiện online.
Phiếu điều tra chủ yếu tập trung lựa chọn của người tiêu dùng về sản phẩm có chất lượng cao của từng ngành, sau đó mới đến các yếu tố về giá, mẫu mã, uy tín thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối.
Sau khi công bố rộng rãi sơ bộ trên các báo lần 1, danh sách doanh nghiệp được bình chọn tiếp tục được gửi về các địa phương, chờ thông tin phản hồi từ cơ quan quản lí địa phương về tình hình tuân thủ pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Hội cũng thu thập thông tin từ báo đài, đặc biệt là các khiếu nại của người tiêu dùng.
Ngày 21/6, Tuổi trẻ khởi đăng loạt bài điều tra về nghi vấn Công ty CP Tập đoàn Asanzo chuyên nhập linh kiện TV, máy lạnh từ Trung Quốc về nước rồi thực hiện lắp ráp tại nhà máy, đưa ra thị trường với xuất xứ hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, điều tra cũng phát hiện tại nhà máy, quy trình lắp ráp TV có công đoạn "bóc" nhãn "Made in China" để thay thế bằng mã vạch và tem bảo hành dán chồng lên tem sườn. Sau đó, sản phẩm được bán ra thị trường với xuất xứ Việt Nam, kèm khẩu hiệu: "Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".
Ngày 23/6, CEO Asanzo Phạm Văn Tam đã có cuộc gặp báo chí trả lời những vấn đề xung quanh nghi án này. Ông Tam cho biết đối với sản phẩm TV, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, đây là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được. 30% còn lại Asanzo tự làm, gồm thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote…
Về việc "bóc" tem "Made in China", ông Tam phủ nhận quy trình này, và cho rằng con tem này được dán lên linh kiện panel của TV, không phải TV. Con tem "Made in Vietnam" được hãng dán phía sau chiếc TV.
Ông Phạm Văn Tam cho rằng doanh nghiệp không nhập nguyên chiếc TV về Việt Nam, mà có chủ động thiết kế. Ông cho rằng khi khâu đầu cuối nằm tại nhà máy Asanzo, hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất của Asanzo thì hãng được phép ghi là xuất xứ Việt Nam, không vi phạm pháp luật.
Kinh doanh 14:17 | 06/01/2020
Tiêu dùng 16:57 | 03/01/2020
Kinh doanh 14:02 | 17/11/2019
Kinh doanh 21:04 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:26 | 25/10/2019
Kinh doanh 10:25 | 24/10/2019
Kinh doanh 09:35 | 24/10/2019
Kinh doanh 21:10 | 02/10/2019