Sài Gòn mùa mưa bão: Hiểm họa từ…trên trời!

Khi mùa mưa năm nay đang bước vào đợt cao điểm, nỗi lo về những vụ tai nạn “trên trời rơi xuống” lại khiến người dân TP.HCM bất an.
sai gon mua mua bao hiem hoa tu tren troi
Cây cổ thụ trên đường An Dương Vương, Q.5 ngã đổ đè chết người.

“Tử thần” trên đầu

Sáng 26/8, bà Trương Thị Ngọc Mai (SN 1956, ngụ Q.1) đi bộ thể dục trong công viên Tao Đàn. Khi bà Mai đang ngồi nghỉ mệt bên dưới một gốc cây dầu thì bất ngờ bị một nhánh cây lớn có đường kính khoảng 20cm rơi trúng đầu. Nạn nhân bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Anh Từ Minh Khải (SN 1991, quê Kon Tum) làm việc trong một cửa hàng buôn bán phụ tùng xe gắn máy trên đường An Dương Vương, Q.5. Chiều 28/8, anh Khải đang làm việc thì bất ngờ bị cây cổ thụ đổ ập xuống. Anh Khải bị chấn thương sọ não và đã tử vong vào chiều cùng ngày.

Một buổi tối tháng 8/2012, bà Đỗ Thị Tuyết Hạnh (quê Đồng Tháp, tạm trú Q.12) đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh để lại trạm xe buýt thì bị một cành cây khô rơi trúng đầu. Bà Hạnh cũng đã tử vong vì vỡ hộp sọ.

Hiểm họa từ cây xanh ngã đổ trong mùa mưa đang ở mức báo động cao tại TP HCM. Tai nạn liên tiếp xảy ra, thiệt hại về người là đã thấy rõ.

Theo quan sát của chúng tôi, những loại cây cổ thụ mọc trên các tuyến đường như Điện Biên Phủ , Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương (Q.10), Bàu Cát, Trường Chinh (Q.Tân Bình)…. chủ yếu là me tây, xà cừ, lim xẹt, sọ khỉ và phượng. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì không thể nhận biết được đâu là cây có nguy cơ ngã đổ. Bởi bên ngoài, các cây xanh vẫn tươi tốt, cành lá được cắt tỉa gọn gàng.

Đại diện Phòng quản lý cây xanh thuộc Sở GTVT TP HCM cho biết, nhiều cây xanh hiện hữu đang thuộc diện bị sâu bệnh, tồn tại nhiều nhánh khô. Rễ, gốc cây không bám sâu vào lòng đất. Việc biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cũng làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp khiến nhiều cây rễ chùm không tiếp cận được nguồn nước, dẫn tới chết khô và dễ bật gốc khi gặp mưa gió. Mặt khác, các công trình ngầm như cáp viễn thông, điện, chiếu sáng, thoát nước, bê tông hóa vỉa hè…cũng trực tiếp xâm hại và khiến cây thêm khô cằn.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM (Công ty Công viên Cây xanh) cho biết “ Công ty đã hỗ trợ mọi chi phí điều trị cũng như lo hậu sự cho nạn nhân bị cây đè chết.” Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai thì bà Anh im lặng.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn luật sư TP HCM cho biết Khi để xảy ra sự cố cây xanh đè chết người thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM. Công ty này phải bồi thường cho nạn nhân. Đa phần, khi xảy ra sự cố thì các đơn vị quản lý thường đổ lỗi cho thiên tai. Tuy nhiên, các đơn vị quản lý phải có trách nhiệm chăm sóc cây xanh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp hư hại hoặc phải đốn hạ cây để đảm bảo an toàn cho người dân.

Về việc Công ty Công viên Cây xanh chỉ hỗ trợ cho người bị thiệt hại, luật sư Thảo cho rằng các công ty thường sử dụng cụm từ “thiên tai” để né tránh trách nhiệm. “Cứ mưa lớn rồi đổ lỗi cho thiên tai là không được, trong khi định nghĩa về thiên tai cũng chưa rõ ràng” – ông Thảo nói.

Bên cạnh đó, việc xác định chủ sở hữu cây xanh trong trường hợp này thuộc về ai là câu chuyện cũng cần xem xét. Vì theo quy định của Điều 626 Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại trừ trường hợp do người bị thiệt hại tự gây ra và trường hợp bất khả kháng. Về phía người bị hại, họ phải nắm được việc đơn vị quản lý những cây xanh này là Công ty Công viên cây xanh. Nếu công ty này được thuê thì xác định trách nhiệm trong hợp đồng nội bộ giữa Sở GTVT và công ty hoặc 2 bên tự thỏa thuận.

Theo ông Trần Quang Lâm – Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, đa phần những cây xanh ngã đổ là do thời tiết, bất khả kháng. Những nguyên nhân này nằm ngoài phạm vi phân cấp quản lý của Công ty Công viên Cây xanh nên khó có thể quy trách nhiệm cho công ty này. Sở đã tiến hành rà soát, kiểm tra thì thấy phía Công ty Công viên Cây xanh đã thực hiện “đúng quy trình”.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trịnh Kiểm - Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, cây xanh bị ngã ở đường An Dương Vương, Q.5 chỉ còn hai rễ ở bên phía vỉa hè, còn rễ cộc đã mục, rễ mọc phía trước đường cũng không còn nữa. Một nguyên nhân khác khiến cây đổ là xung quanh gốc cây đã bị bê tông hoá khiến bộ rễ không thể phát triển được.

Như vậy, tại sao cây xanh trên đường An Dương Vương bị mục rễ, rễ không phát triển được mà Công ty Công viên Cây xanh là đơn vị quản lý lại không hề hay biết ? Trong khi đó, một người dân đã thiệt mạng vì cây xanh này. Phải chăng quả bóng trách nhiệm đang bay lơ lửng, tự do mà không ai muốn nhận lấy nó.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.