Sai phạm của Mường Thanh, Lê Trực, trách nhiệm do ai?

Đó là câu hỏi được đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-8.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu (ĐB) đã đặt câu hỏi về tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, trong đó có những sai phạm điển hình của Tập đoàn Mường Thanh hay công trình 8B Lê Trực nằm ngay sát trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội).

Đã xử lý được ai chưa?

“Tình trạng vi phạm quy định về trật tự xây dựng rất phổ biến, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh kiểm tra, quản lý. Vậy bộ trưởng đã chỉ đạo việc này thế nào, xử lý được ai chưa?” - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nêu câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận xây dựng không phép, sai phép là một trong những hạn chế của ngành. Ông cho hay hiện tốc độ xây dựng sai phép, không phép đã giảm dần song vẫn còn rất lớn. Năm 2016, có trên 15.000 trường hợp vi phạm, có khoảng 12%-13% công trình xây dựng hằng năm là xây sai phép, không phép.

“Bộ đã chỉ đạo thanh tra một số vụ việc lớn. Chúng tôi đã thanh tra vụ Mường Thanh (Linh Đàm, Hoàng Mai) còn xử lý trách nhiệm của Mường Thanh thì hiện Hà Nội đang thực hiện” - ông Hà thông tin.

Cùng nội dung, ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, đặt câu hỏi: “Chưa thấy bộ trưởng nói rõ trách nhiệm cá nhân và của Bộ liên quan đến việc xử lý các công trình sai phép tại Hà Nội. Ví dụ như việc xây dựng các tòa nhà tại khu vực Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh. Linh Đàm từng là khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội nhưng bây giờ nhếch nhác kinh khủng. Rồi việc xử lý tòa nhà sai phép sát với Văn phòng Quốc hội (tòa nhà 8B Lê Trực - PV), bây giờ xử lý thế nào để có câu trả lời cho cử tri”.

sai pham cua muong thanh le truc trach nhiem do ai

Trách nhiệm trước hết thuộc về Hà Nội

Câu hỏi này được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời với tư cách lãnh đạo trực tiếp quản lý đô thị Hà Nội. Ông Chung nhìn nhận có tình trạng vi phạm quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị ở Hà Nội. Liên quan đến phê duyệt chi tiết, toàn bộ quá trình phê duyệt đều được thực hiện đúng quy định, song quá trình triển khai nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm. “Chẳng hạn chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), Linh Đàm (Hoàng Mai) đều do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư có vi phạm về chiều cao và mật độ xây dựng” - ông Chung nói.

Ông Chung cũng thừa nhận trách nhiệm để xảy ra những việc này trước hết thuộc về TP Hà Nội do đã thiếu kiểm tra, giám sát, đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành. Song nguyên nhân quan trọng là ý thức của chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm.

Để khắc phục, thời gian qua Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, các lực lượng thanh tra của Chính phủ, bộ, ngành liên quan để tổ chức thanh kiểm tra. Đồng thời TP giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cho lực lượng thanh tra xây dựng.

“Từ năm 2016 đến nay, TP đã xử lý rất nhiều công trình vi phạm xây dựng và cán bộ liên quan. Cụ thể đã kiểm tra, xử lý tới 18 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; thanh tra, phó chánh thanh tra…” - ông Chung nói.

Liên quan đến công trình 8B Lê Trực, ông Chung cho biết hiện đã tháo dỡ được tầng 19. Các tầng tiếp theo do vấn đề kỹ thuật, hiện Hà Nội đang cùng với đơn vị của Bộ Xây dựng thẩm định phương án tháo dỡ an toàn. “Chính vì đang thẩm định nên dẫn tới việc cắt ngọn công trình bị chậm. Hà Nội sẽ đẩy nhanh việc thẩm định phương án phá dỡ, từ đó xử lý nghiêm sai phạm của tòa nhà” - ông Chung nói.

TP.HCM: Không điều chỉnh quy hoạch đã duyệt

Theo dự báo, dân số TP.HCM đến năm 2025 là 10 triệu người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã có 13 triệu người đang sinh sống và làm việc tại TP (trong khi con số thống kê chỉ có 8,4 triệu người).

Trước áp lực gia tăng dân số, ùn tắc giao thông trên, TP đã xây dựng các tuyến đường khép kín, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị… Đồng thời TP cũng tích cực giãn dân ngoại thành, đô thị hóa vùng ngoại vi, làm hạ tầng kết nối giao thông. Tuy nhiên, TP đang gặp khó khăn lớn do thiếu nguồn vốn.

TP.HCM quản lý quy hoạch rất chặt, dứt khoát không mềm lòng, không điều chỉnh các quy hoạch đã duyệt, không nén dân số vì hệ thống giao thông công cộng không đồng bộ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề ùn tắc giao thông.

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG

Có tình trạng trục lợi trong quy hoạch đô thị

. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy: Quy hoạch đô thị ở nước ta rất thiếu tầm nhìn. Bằng chứng là đô thị nào cũng có vấn đề về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, nhà siêu mỏng, siêu méo, tình trạng sân golf trong sân bay, đường cong mềm mại… Xin hỏi bộ trưởng là để xảy ra tình trạng trên thì có chuyện nhờ nắm trước quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để trục lợi không?

+ Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà: Có trục lợi hay không, tôi cho rằng về cơ bản thì không có nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện các thể chế, quy định pháp luật về lĩnh vực này, chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí nguồn lực của đất nước. Cùng đó, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, một số nội dung còn chồng lấn, tránh mâu thuẫn giữa các luật liên quan.

Qua rà soát hiện có đến 22 điểm liên quan đến quy định về xây dựng giữa các luật liên quan có chồng lấn hoặc chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Mặt khác, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào điều chỉnh quy hoạch tùy tiện có tư tưởng lợi ích nhóm, trục lợi, nhằm đảm bảo sự điều chỉnh này phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu sử dụng đất của chúng ta, đảm bảo quản lý chặt chẽ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.