Sai phạm Dự án Tây Hồ Tây: Yêu cầu các bị cáo bồi thường 26 tỷ đồng

Viện Kiểm sát đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét tăng hình phạt đối với 8 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh về những sai phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Sai phạm Dự án Tây Hồ Tây: Yêu cầu các bị cáo bồi thường 26 tỷ đồng - Ảnh 1.

Một góc hồ Tây và hồ Trúc Bạch. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra Quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 213/2019/HSST ngày 3,4,5 và 10/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 8 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về những sai phạm trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Dự án Tây Hồ Tây (Hà Nội).

Trong Quyết định kháng nghị, Viện Kiểm sát xác định Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt và trách nhiệm dân sự chưa phù hợp với quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét tăng hình phạt và mức bồi thường thiệt hại đối với một số bị cáo trong vụ án.

Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, tại phiên tòa, các bị cáo chỉ xuất trình được các giấy khen do Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm cấp, ngoài ra không có tài liệu chứng minh thêm về thành tích trong quá trình công tác.

Theo quy định thì đây chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại Điều 51, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo Viện Kiểm sát, bản án sơ thẩm áp dụng quy định này cho tình tiết giảm nhẹ là không có cơ sở.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Đỉnh) giữ vai trò chính, là người chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Thị Gấm (sinh năm 1962, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Xuân Đỉnh) và Nguyễn Thị Thanh Hương (sinh năm 1979, nguyên cán bộ địa chính xã Xuân Đỉnh) thực hiện hành vi trái pháp luật.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Khiêm chưa thực sự thành khẩn khai nhận tội. Bị cáo Nguyễn Thị Gấm giữ vai trò đồng phạm tích cực.

Thiệt hại về tài sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển T.H.T. mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn, hiện vẫn chưa được khắc phục.

Việc Tòa cấp sơ thẩm áp dụng Điều 54, khoản 1, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để tuyên hình phạt đối với bị cáo Khiêm và bị cáo Gấm dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 281, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999 là quá nhẹ, không có căn cứ do chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51, khoản 1 như đã nêu trên.

Viện Kiểm sát đánh giá hình phạt của cấp sơ thẩm chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, chưa bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, thiệt hại về tài sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển T.H.T. do chính các bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thị Gấm và Nguyễn Thị Xuân Hương gây ra.

Do vậy, Viện Kiểm sát cho rằng cần phải buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 48, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc bản án sơ thẩm tuyên buộc 38 hộ gia đình đã nhận số tiền bồi thường hỗ trợ trái pháp luật phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho công ty T.H.T. là không phù hợp theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định kháng nghị một phần Bản án án hình sự sơ thẩm số 213/2019/HSST ngày 3,4,5 và 10/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về 3 nội dung áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo; mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm và Nguyễn Thị Gấm; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của 3 bị cáo Khiêm, Gấm và Hương.

Quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm: Không áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51, khoản 1, điểm v và Điều 54, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thị Gấm và Nguyễn Thị Xuân Hương; tăng mức hình phạt đối với bị cáo Khiêm và bị cáo Gấm; Buộc 3 bị cáo: Khiêm, Gấm và Hương có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Công ty T.H.T. số tiền hơn 25,6 tỷ đồng.

Trước đó, trong các ngày 3,4,5 và 10/7/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 3 bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm 8 năm tù, Nguyễn Thị Xuân Hương 7 năm tù và Nguyễn Thị Gấm 6 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Năm bị cáo còn lại nguyên là cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội đã bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt các mức án từ 24-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Bản án sơ thẩm xác định, quá trình giải phóng mặt bằng Dự án Tây Hồ Tây, các bị cáo Khiêm, Hương, Gấm biết việc điều chuyển đất nông nghiệp để được bồi thường là trái quy định.

Tuy nhiên, từ tháng 6-11/2011, bị cáo Khiêm vẫn chỉ đạo và cùng Hương, Gấm ký xác nhận vào đơn xin điều chuyển đất, biên bản điều tra xác minh, phiếu xác nhận nguồn gốc đất cho 29 hộ với tổng diện tích là 5.344m2 cho các hộ khác. Đồng thời còn ký xác nhận cho 11 hộ gia đình kê khai 4.929 m2 đất mương, đường giao thông là đất nông nghiệp.

Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước 26,9 tỷ đồng. Hiện nay mới thu hồi được 576 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm đã giải trình và đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận phương án đền bù cho 2 hộ nhận đất với số tiền 487,1 triệu đồng.

Vì vậy, Viện Kiểm sát cho rằng, số tiền thiệt hại còn lại là hơn 25,6 tỷ đồng. Sau khi án sơ thẩm tuyên, đến nay đã có bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt./.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.