CTCP SAM Holdings (Mã: SAM) vừa công bố BCTC hợp nhất quí III/2020 với với doanh thu thuần và lợi nhuận đều tăng so với cùng kì.
Cụ thể, doanh thu thuần trong quí đạt hơn 523 tỉ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kì. Giá vốn bán hàng trong kì của SAM tăng 7% lên 489 tỉ đồng. Điều này kéo theo lợi nhuận gộp doanh nghiệp chỉ đạt 34 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kì 2019.
Trong cơ cấu doanh thu của SAM, chiếm tỉ trọng lớn nhất là doanh thu cung cấp thành phẩm, hàng hóa với gần 495 tỉ đồng (94%), tăng 4,6% so với cùng kì. Doanh thu còn lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ (31 tỉ đồng).
Doanh thu từ hoạt động tài chính của SAM đạt 50 tỉ đồng, cao gấp 10 lần so với cùng kì. Sự tăng trưởng này đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, đồng thời có thêm khoản lãi phát sinh từ cổ tức, bán cổ phiếu và bán các khoản đầu tư.
SAM đang đầu tư góp vốn vào một số doanh nghiệp như CTCP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (hơn 482 tỉ đồng); Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - CTCP (398 tỉ đồng), Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (284 tỉ đồng).
Chi phí quản lí doanh nghiệp tăng nhẹ 6% lên thành 19 tỉ đồng, trong khi đó chi phí bán hàng của công ty giảm một nửa so với cùng kì xuống còn hơn 7 tỉ đồng.
Lãi ròng của công ty ghi nhận sự tăng trưởng cao khi đạt hơn 41 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái chỉ là 14 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SAM ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.329 tỉ đồng, giảm 21% và lãi ròng gần 47 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kì năm 2019.
Năm 2020, SAM đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt đạt 3.108 tỉ đồng và 124 tỉ đồng. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp đã thực hiện được 42% mục tiêu doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của SAM ghi nhận 6.199 tỉ đồng, tăng 19% so với thời điểm đầu năm. Hơn một nửa tài sản của công ty là các khoản phải thu ngắn hạn (2.066 tỉ đồng) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn (1.594 tỉ đồng).
Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đã tăng 32% so với đầu năm lên 267 tỉ đồng. Danh mục hàng tồn kho của SAM hiện nay là khoảng 510 tỉ đồng, chiếm phần lớn là chi phí nguyên vật liệu và thành phẩm.
Chi phí xây dựng dở dang dài hạn của công ty ghi nhận 239 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kì, chủ yếu tập trung vào dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp (155 tỉ đồng) và dự án nông nghiệp công nghệ cao (79 tỉ đồng).
Tính đến cuối kì, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 19% lên 2.778 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn phải trả hợp đồng ủy thác, hợp tác đầu tư là khoảng 1.460 tỉ đồng và tổng dư nợ vay chiếm khoảng 630 tỉ đồng.