Samsung dự kiến rót hơn 30 tỷ USD vào mảng sản xuất chip

Samsung Electronics dự kiến sẽ đầu tư hơn 30 tỷ USD vào các hoạt động chế tạo chất bán dẫn của mình trong năm nay khi doanh số chip tăng cao.

Theo Nikkei Asia Review, mức chi mạnh tay trong bối cảnh Covid-19 nhằm giúp Samsung khai thác được nhu cầu ổn định về bộ nhớ và tận dụng tối ưu các xưởng sản xuất.

Trong thời Covid-19, nhu cầu học trực tuyến và các hội thảo online gia tăng khiến doanh số bộ chip trong máy tính cá nhân, máy tỉnh bảng,... được thúc đẩy.

Điều này đã giúp Samsung, công ty đang dẫn đầu thị trường toàn cầu về chip (40%) ghi nhận mức lợi nhuận năm 2020 ước tính tăng 29% lên 35,95 nghìn tỷ won (32,8 tỷ USD), doanh số bán hàng tăng 3%, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ.

Tháng 10/2020, công ty đến từ Hàn Quốc này cho biết dự kiến đầu tư tổng cộng 28,9 nghìn tỷ won, tương đương 26,5 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh năm 2020, tăng 28% so với năm 2019 và đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Các nhà sản xuất thiết bị chip cho biết công ty đã lên các đơn đặt hàng cho năm 2021, dẫn đến mức chi tăng thêm từ 20% đến 30%. Nghĩa là tổng đầu tư sẽ đâu đó khoảng 35 nghìn tỷ won năm 2021, dù Samsung chưa đưa ra ước tính chính thức.

Trong ba quý đầu năm 2020, mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung có biên lợi nhuận hoạt động đạt 27%, cao hơn mức 12% của mảng công nghệ thông tin và di động, và ước tính con số này sẽ cao hơn trong quý IV/2020.

Đồng thời, mức biên lợi nhuận này vượt trội so với con số của các nhà sản xuất chip khác như SK Hynix của Hàn Quốc và Micron Technology của Mỹ lần lượt là 17% và 19%.

Theo Nikkei, điểm đến cho khoản đầu tư thêm này của Samsung trong năm nay sẽ tập trung vào nhà máy sản xuất chất bán dẫn Pyeongtaek gần Seoul, nơi công ty mong muốn lắp đặt các thiết bị hiện đại cho chip nhớ và xây dựng dây chuyển đúc chip.

Ngoài ra, Samsung còn hiện thực hóa tham vọng của mình thông qua việc tăng dung lượng bộ nhớ flash NAND ở các nhà máy tại thành phố Tây An,Trung Quốc và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở Mỹ.

Samsung sẽ rót hơn 30 tỷ USD vào mảng kinh doanh bùng nổ - Ảnh 1.

Nhà máy Pyeongtaek của Samsung tại Hàn Quốc. (Nguồn: Business Wire).

Theo nhận định của Nikkei, Samsung có thể tận dụng năng lực công nghệ và khả năng cung ứng của mình trong các cuộc đàm phán với khách hàng để nâng cao tỷ suất lợi nhuận và tạo ra được nguồn tiền cho các kế hoạch đầu tư lớn hơn.

Ở phía cầu, giá đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhờ các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc cùng với các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

Đơn cử, những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Vivo, Oppo và Xiaomi ngày càng trở nên nổi bật hơn, chiếm thị phần không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Và việc đã bán số lượng bộ nhớ nhiều cho Oppo và Xiaomi hơn cho Huawei (công ty bị giảm thị phần do lệnh trừng phạt từ Mỹ) đã giúp Samsung hưởng kha khá lợi nhuận.

Thị phần của Huawei trong các lô hàng toàn cầu đã giảm xuống 14,6% trong quý III/2020 và giảm 20,2% trong quý IV/2020. Trong khi đó, thị phần của của Xiaomi tăng từ 10,3% lên 13,1% so với cùng kỳ.

Cùng lúc này, các ông lớn công nghệ Mỹ cũng tăng cường đầu tư vào các trung tâm dữ liệu. Năm 2020, Amazon, Microsoft và Alphabet, ba nhà khai thác trung tâm dữ liệu lớn của Mỹ đã tăng mức đầu tư của mình lên khoảng 30% so với con số 50 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.