Dự báo đường đi của bão. Ảnh: NCHMF |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h ngày 18/11 tâm bão 14 (tên quốc tế là Kirogi) cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km, sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), giật tăng 3 cấp.
Vùng gió mạnh có bán kính 150 km về phía Bắc, 100 km về phía Nam tính từ tâm bão.
Di chuyển hướng Tây, tốc độ 20-25 km/h, đến 4h sáng mai tâm bão ngay bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió tối đa 90 km/h (cấp 9), giật cấp 12.
Bão sau đó đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận sẽ có mưa rất lớn, trọng tâm là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (từ đêm 18 đến 20/11). Mưa to kết hợp với không khí lạnh mở rộng ra Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài đến 26/11.
Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện đợt lũ từ ngày 19 đến 24/11.
Để ứng phó báo số 14, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lụt bão đã yêu cầu các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cấm biển muộn nhất là 15h chiều 18/11.
Các tỉnh này cũng được yêu cầu nhanh chóng kiểm đếm và hướng dẫn tàu thuyền thoát ra hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm; sơ tán cho được người dân trên các tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản…. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Người dân Khánh Hoà chằng chống nhà cửa. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Nằm trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và thiên tai TP HCM đã chỉ đạo Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải và UBND các quận huyện yêu cầu chủ bến và chủ đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm... chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động, có hiệu lực từ 1h ngày 19/11 cho đến khi có lệnh mới.
Chiều 18/11, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão số 14, mưa lũ để chủ động chỉ đạo ứng phó. Trong đó, các tỉnh ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão (từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng) triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm ở cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập, sập đổ... đến nơi an toàn. Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng. Đối với Bộ Nông nghiệp, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng... cần quyết liệt triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, công tác xả lũ để hạn chế rủi ro, ngập úng phía hạ du, ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân. Đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, lịch trình đi lại... đảm bảo an toàn. |