Ngày 22/8, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn đề nghị sớm đưa ra xét xử vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, trú tổ 3, thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đối với Công ty Cổ phần đóng tàu Bảo Duy (Công ty Bảo Duy) có trụ sở tại Đà Nẵng và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Công ty Liên Á) tại Hà Nội.
Theo công văn này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo TAND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ TAND TP Tam Kỳ trong thu thập, bổ sung các chứng cứ để tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, kết luận giải quyết vụ việc để các cơ quan, đơn vị chấp hành giúp ngư dân Liên sớm đưa tàu vào sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tàu thép của ngư dân Liên nằm bờ gần 2 năm qua. |
Trước đó, vụ kiện giữa ngư dân Liên và hai công ty trên đã diễn ra 2 lần nhưng không có kết quả, TAND TP Tam Kỳ phải tạm hoãn để điều tra bổ sung.
Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Liên cho biết, trước đó ngày 5/8, ông cùng đại diện hai công ty trên cũng đã có buổi làm việc với Tổng cục Thủy sản và Ban Chỉ đạo tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển Thủy sản.
Tại buổi làm việc, Công ty Bảo Duy và Công ty Liên Á đều đồng ý thay máy mới cho tàu ngư dân Liên với số tiền gần 2,5 tỷ đồng (mỗi bên chịu một nửa).
Tuy nhiên, sau đó Công ty Liên Á không đồng ý vì người đại diện theo pháp luật đi công tác, người tham dự cuộc họp không có quyền quyết định tài chính của công ty.
Cả hai Công ty Bảo Duy và Công ty Liên Á đều mong chờ vào phán quyết của TAND TP Tam Kỳ, bên nào sai phạm thì hoàn toàn chịu trách nhiệm sữa chữa tàu cho ngư dân Liên.
Ngư dân Liên hơn 2 năm qua lâm cảnh nợ nần, không có thu nhập vì tàu thép nằm bờ. |
“Gia đình tôi sẽ theo vụ kiện này tới cùng để xem bên nào đúng, bên nào sai. Từ khi tàu vỏ thép bị hư hỏng, gia đình tôi lâm cảnh nợ nần, không có thu nhập. Chỉ mong TAND TP Tam Kỳ sớm đưa ra xét xử để vụ việc kết thúc”, ngư dân Liên bày tỏ.
Được biết, vừa qua Sở NN&PTNT Quảng Nam đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước khoanh khoản nợ vay đối với trường hợp ngư dân Liên đã vay tại Ngân hàng BIDV Quảng Nam.
Ngoài ra, sau khi xảy ra trường hợp ngư dân Liên kiện, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra chất lượng các tàu vỏ thép đã và đang đóng mới theo Nghị định 67 để kịp thời phát hiện và sớm khắc phục các tàu cá gặp sự cố, không đảm bảo chất lượng.
Đối với các trường hợp tàu cá không đảm bảo chất lượng do lỗi của cơ sở đóng tàu thì có trách nhiệm nhắc nhở các cơ sở đóng tàu chủ động, tích cực làm việc với chủ tàu để khắc phục ngay. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo về nghiệp vụ vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho các thuyền viên có nhu cầu.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 61 tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó, có khoảng 32 tàu vỏ thép đã đưa vào hoạt động có hiệu quả.
Tàu vỏ thép chưa bàn giao đã hỏng, ngư dân lâm cảnh nợ nần Một ngư dân Quảng Nam đầu tư đóng tàu vỏ thép nhưng chưa bàn giao tàu đã hỏng. Gần 2 năm qua, gia đình lâm ... |