Seaprodex lãi 69 tỉ đồng trong quí III

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Seaprodex ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 23% và 8% so với cùng kì, xuống còn 595 tỉ đồng và 198 tỉ đồng.

Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, Mã: SEA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III với doanh thu đạt gần 210 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp cho cho lãi gộp tăng 7%, lên mức 30,5 tỉ đồng. Biên lãi gộp đạt 14,5%, tăng khoảng 2 điểm % so với quí III/2019.

Trong kì, các chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp đều giảm so với cùng kì năm trước.  Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng lên 24 tỉ đồng, gấp gần 5 lần cùng kì nhưng lãi từ công ty liên doanh, liên kết lại giảm 29% còn chưa tới 49 tỉ đồng.

Hết quí III, lợi nhuận sau thuế quí III của SEA giảm 5%, xuống còn gần 69 tỉ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SEA ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 23% và 8% so với cùng kì, xuống còn 595 tỉ đồng và 198 tỉ đồng.

Năm 2020, SEA đặt mục tiêu doanh thu 30 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 3 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã vượt gần 32 lần mục tiêu doanh thu và vượt 70 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Seaprodex (SEA) báo lãi quí III đạt 69 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí III hợp nhất của SEA. Nguồn: BCTC hợp nhất của Seaprodex.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của SEA ghi nhận hơn 3.373 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 11%, lên gần 144 tỉ đồng với gần 123 tỉ đồng là thành phẩm và hơn 11 tỉ đồng là hàng hóa.

Trong khoản mục tài sản thiếu chờ xử lí có 13 tỉ đồng hàng tồn kho là lô thép bị chiếm dụng. 

Theo SEA, lô hàng này được doanh nghiệp mua năm 2008 và gửi tại kho của Công ty TNHH Thương mại Tân Tiến theo hợp đồng gửi khi hàng hóa ngày 18/8/2008. Công ty mua lô hàng này đề bán cho Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Thái Sơn ngày 16/6/2008, tuy nhiên lô hàng này đã bị chiếm dụng trước khi chuyển giao hàng hóa và quyền sở hữu.

Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ và đến ngày 30/9/2020 vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Do đó, SEA đã trích lập toàn bộ dự phòng tổn thất cho lô thép này.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 14%, xuống còn 104 tỉ đồng. Trong đó, SEA phải thu CTCP Thép Vạn Thành gần 30 tỉ đồng, tăng 67% so với đầu năm và phải thu Công ty TNHH Thương mại Hà Đô hơn 11,5 tỉ đồng.

Nợ phải trả cũng ghi nhận hơn 551 tỉ đồng, tăng 6% so với con số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 352 tỉ đồng, tăng 8% và dài hạn gần 21 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.

Seaprodex (SEA) lãi quí III 69 tỉ đồng, còn vay 250 tỉ liên quan khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí III của SEA

Trong các khoản đi vay, SEA còn vay CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 hơn 250 tỉ đồng để nộp tiền sử dụng khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM với lãi suất 7%/năm, thời hạn vay không quá 12 tháng. 

Khoản vay này được đảm bảo bằng 22 triệu cp tại CTCP Việt Pháp Sản xuất Thức ăn gia súc Proconco. 

Tại Bản án phúc thẩm ngày 13/06/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định: "Buộc SEA nộp số tiền 250 tỷ đồng tiền gốc và hơn 28 tỷ đồng tiền lãi đã vay của Xây dựng Bắc Nam 79 cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để đảm bảo việc thi hành án đối với nghĩa vụ của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của bị cáo Phan Văn Anh Vũ trong vụ án này và các giao dịch khác có liên quan". 

Cho đến thời điểm ngày 30/9, SEA tạm thời chưa nộp tiền và đang tiếp tục kháng nghị với thủ tục giám đốc thẩm, cũng như làm việc với cơ quan thẩm quyền liên quan đến vụ án này.

Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thủy Sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập ngày 31/3/1993 với tên gọi là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP HCM.

Hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ cho thuê khai thác tài sản cố định, kinh doanh vật tư và sản phẩm cá tầm, hiện chiếm tỉ trọng 65% trong tổng doanh thu của Seaprodex.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.